Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường thu tiền làm quỹ dự phòng sửa máy điều hòa

Mỗi học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Lợi (Thừa Thiên - Huế) phải nộp 500.000 đồng làm quỹ dự phòng sửa chữa, bảo dưỡng máy điều hòa nhiệt độ.

Năm học mới 2020-2021, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 trường Tiểu học Lê Lợi, phường Phú Nhuận, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) như bị hoa mắt trước các khoản nộp.

Tổng các khoản bắt buộc, tự nguyện mà một học sinh phải nộp cho trường, lớp và tiền mua sách không dưới 4,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuê bảo mẫu.

"Mỗi lớp có một bảo mẫu và được trả tiền công 2 triệu đồng/tháng để chăm sóc các em buổi trưa ở lại bán trú. Ngoài ra, phụ huynh còn phải mua áo, quần, các dụng cụ học tập nữa. Năm nay, cuộc sống khó khăn, việc làm bấp bênh nên đó là khoản tiền không nhỏ", một phụ huynh than thở.

Quy sua chua dieu hoa anh 1

Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi cho biết 40 phòng học đã lắp đủ máy lạnh nên mỗi em lớp 1 nộp 500.000 đồng để làm quỹ dự phòng. Ảnh: Người Lao Động.

Theo thống kê, đối với khối lớp 1, riêng tiền tăng cường cơ sở vật chất bán trú 800.000 đồng/em/năm (khối lớp 3, 4 là 500.000 đồng, khối lớp 5 là 300.000 đồng/em); phục vụ bán trú tháng 9 là 180.000 đồng/em; tiền ăn mỗi ngày gồm bữa chính 20.000 đồng, bữa lỡ 7.000 đồng, tiền gas nấu ăn là 1.000 đồng; vệ sinh bán trú 90.000 đồng/em/tháng; tiền điện sử dụng điều hòa 245.000 đồng/em/năm.

Tiền lắp máy lạnh là 500.000 đồng/em. Ngoài ra, các em còn nộp thêm khoản an ninh trật tự 50.000 đồng/em, sách Tiếng Anh 146.000 đồng, Tiếng Anh tăng cường 720.000 đồng/8 tháng...

"Đã có tiền phục vụ bán trú nhưng lại thu thêm tiền vệ sinh bán trú nữa. Lớp lại có bảo mẫu", một phụ huynh khác thắc mắc.

Ông Đoàn Quý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết năm học này, trường có 8 lớp 1 với 276 học sinh. Việc bán trú không bắt buộc, các em gần nhà, phụ huynh có thể đón về buổi trưa.

Giải thích về việc thu tiền cơ sở vật chất bán trú, ông Quý nói rằng đó là tiền mua chăn màn, gối, khay đồ ăn, xà phòng... cho các em trong 1 năm học. Đồng thời, năm nay, trường sửa sang phòng bếp, mua sắm một số dụng cụ mới nên huy động nguồn xã hội hóa từ học sinh.

Quy sua chua dieu hoa anh 2

Các em nộp 50.000 đồng tiền an ninh trật tự. Ảnh: Người Lao Động.

Ông Quý nói rằng qua 5 năm thực hiện, tất cả 40 phòng học ở trường này đã lắp đủ máy lạnh. Vì vậy, việc thu 500.000 đồng mỗi em lớp 1 năm nay sẽ bỏ vào quỹ chung dự phòng, cái nào hư hỏng thì thay mới, bảo trì bão dưỡng định kỳ.

"Số tiền đó đảm bảo cho các em đủ mát trong 5 năm. Bắt máy mới làm gì có cái giá đó? Năm nay đã đủ máy, trường mới cho phép thu chung như vậy", ông Quý phân trần.

Riêng khoản phục vụ bán trú, theo ông Quý, là để trả những người phục vụ bếp, giáo viên ở lại trông coi các em bữa trưa, công việc lau chùi, dọn dẹp. Còn khoản vệ sinh bán trú là để trả tiền đơn vị thu gom rác thải mà các em ở lại bán trú.

"Bảo mẫu do yêu cầu của phụ huynh để phục vụ cho con họ như đi vệ sinh khi ở lại bán trú", ông Quý nói thêm.

Để làm rõ, phóng viên đã đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND TP Huế liên quan những khoản thu trên của trường Tiểu học Lê Lợi. UBND TP Huế đang kiểm tra, xác minh các khoản thu tại trường này để có cơ sở phản hồi.

Hội phụ huynh không được thu 7 khoản tiền

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các trường không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-thu-500000-dong-hoc-sinh-de-lam-quy-du-phong-bat-may-lanh-20200912091350523.htm?fbclid=IwAR10WqFl6MJOqUb76UsE-6clWwnIAsdRl_NYLaWQezfJVM2HrK1uFCELmFU

Quang Tám / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm