Bất hợp tác
Nhiều lần đi họp phụ huynh, tôi chứng kiến một số người thuộc diện này: Không phát biểu ý kiến, không bày tỏ thái độ ủng hộ hoặc phản đối một đề xuất nào đó, không tham gia đóng góp…
Ở các lớp bậc tiểu học, vì học sinh chưa thể chủ động tự chuẩn bị nhiều thứ, cũng như cần có một số khoản chi tiêu, giáo viên buộc phải vận động phụ huynh ủng hộ. Chẳng hạn, giáo viên phải photo tài liệu ôn tập, làm các bảng toán (cộng, trừ, cửu chương… để trẻ đọc thuộc). Nhưng không ít lần, trong các buổi họp phụ huynh, khi nói đến phần này, một số người đứng dậy bỏ về.
Cha và con trong ngày lễ Tri ân và trưởng thành tại THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Đây là một hoạt động để học sinh tri ân thầy cô giáo và cha mẹ (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Anh Khôi. |
Con tôi học lớp 5 nhưng các năm qua chưa bao giờ đủ 100% phụ huynh đóng góp, hoặc có người đóng góp rất tượng trưng, không kể đến sự thụ hưởng mà con em họ nhận được trong quá trình học tập. Hay thường thì chi hội phụ huynh vận động mỗi người góp thêm một chút để mua quà cho giáo viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ, tết… Nhưng khoản này cũng chỉ đến 2/3 phụ huynh tham gia.
Có người chép miệng than: “Con họ cũng nhận đủ phần như con người khác, cớ sao họ lại không đóng góp, mà có nhiều nhặn gì chứ?”.
Sự bất hợp tác còn thể hiện ở việc không quan tâm xem sổ báo bài, sổ liên lạc, không tạo điều kiện cho trẻ thực hiện các dặn dò của giáo viên. Hoặc khi trẻ có vấn đề gì, giáo viên cần gia đình hợp tác thì phụ huynh lại dửng dưng, xem như đó là chuyện của người khác.
Chẳng hạn, có trường hợp giáo viên đề nghị phụ huynh không nên cho trẻ đeo trang sức đến trường nhưng có người vẫn cố tình lờ đi, tạo những nguy cơ rủi ro không nhỏ cho các em. Có người dù được nhắc nhở là ăn mặc lịch sự khi vào trường hay tham gia các sinh hoạt trong trường nhưng vẫn cứ “tự nhiên như ở nhà” khiến các bậc cha mẹ khác rất bối rối.
Cách biệt
Một vài phụ huynh có địa vị xã hội, có điều kiện kinh tế tỏ ra không mấy hòa đồng với những người khác, thường gây những khó xử cho giáo viên. Chẳng hạn, khi giáo viên đề nghị đóng một khoản tiền để làm quỹ lớp thì có phụ huynh đề nghị đóng cao hơn nhiều lần, với thái độ rẻ rúng số tiền đó, làm một số người “dị ứng”.
Có phụ huynh công khai đóng tiền ủng hộ giáo viên nhân ngày lễ, tết cao hơn hẳn, để tỏ ra “ta đây” khiến cả giáo viên và đại diện chi hội phụ huynh cảm thấy “sượng mặt”.
Cũng có người vì quen thân với giáo viên nên có đề nghị đặc biệt cho con mình, như được làm ban cán sự lớp, được tham gia các đội tuyển, được tham gia sinh hoạt mang tính đại diện. Giáo viên vì “cả nể” nên cũng chiều ý, gây nên sự thiếu công bằng, thiên vị trong lớp, khiến học sinh ít nhiều cảm thấy giảm lòng tin ở người thầy.
Cá biệt, đôi khi phụ huynh vì quá thương con nên trước mỗi kỳ thi thường tìm cách xin xỏ để con mình được những “biệt lệ”. Một người bạn tôi là giáo viên kể, có lần cô làm giám thị một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, có phụ huynh hỏi bằng được số điện thoại của các giám thị có khả năng canh ở phòng có con họ thi để cậy nhờ “giúp đỡ”!
Rõ ràng, trước các học sinh, phụ huynh hoàn toàn bình đẳng nhau về nghĩa vụ, trách nhiệm, đó không phải là cơ quan, đơn vị nên không có quan hệ cấp trên - cấp dưới. Các biểu hiện quan cách, “ta đây” không chỉ tạo ra dị ứng cho phụ huynh khiến họ khó có sự hợp tác đầy đủ với giáo viên đã đành, mà còn gây bất lợi cho thầy cô giáo trong việc vận động, thuyết phục các bậc cha mẹ khác trong việc chăm sóc sự học của trẻ.
Thích... bạo lực
Đôi khi, vẫn có một vài phụ huynh tỏ ra rất thiếu tôn trọng giáo viên khi có vấn đề gì cần trao đổi lại lớn tiếng quát nạt, dùng những từ khiếm nhã, thậm chí có hành vi bạo lực.
Một vài phụ huynh có địa vị xã hội, có điều kiện kinh tế tỏ ra không mấy hòa đồng với những phụ huynh khác, thường gây những khó xử cho giáo viên.
Có lần tôi chứng kiến một phụ huynh được mời tới trường để nhắc nhở về việc con của họ đánh bạn, vừa nghe cô giáo nói đến việc đánh bạn, phụ huynh đã thẳng tay đánh con mấy cái trước mặt nhiều người, coi như đó là một cách dạy con.
Đứa bé khóc giàn giụa tỏ ra vừa đau đớn, vừa tức giận, vừa xấu hổ, còn giáo viên thì thảng thốt, các phụ huynh khác trông thấy thì bức xúc, một số học sinh thì sợ hãi. Cách ứng xử đó rất thiếu tính giáo dục lại diễn ra ngay trong nhà trường, có thể là một trải nghiệm xấu cho học sinh và giáo viên. Đôi khi, vẫn có một vài phụ huynh tỏ ra rất thiếu tôn trọng giáo viên khi có vấn đề gì cần trao đổi lại lớn tiếng quát nạt, dùng những từ khiếm nhã, thậm chí có hành vi bạo lực
Đó đây, vẫn có phụ huynh có lời lẽ xúc phạm, thậm chí “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với giáo viên, mà quên mất rằng cách hành xử đó vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của chính con em mình.