Phụ huynh không đồng tình việc giáo viên giao quá nhiều bài về nhà. Ảnh: Shutterstock. |
Ngày nào cũng vậy, hai con của chị Thu Lý (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều đặn có lịch trình là 7h30 đi học, 17h chiều mới về đến nhà. Ăn tối, sinh hoạt cá nhân đến 20h, các con phải ngồi vào bàn học.
"Mọi việc phải hết sức khẩn trương thì mới kịp", chị Lý cho hay.
Bài tập quá nhiều, in không xuể
Bởi lẽ con chị phải làm nhiều loại bài tập. Điều khiến chị Thu Lý cảm thấy quay cuồng nhất không phải việc hướng dẫn con học mà việc mỗi ngày phải in bài tập cho con từ nhóm Zalo của lớp học.
Nếu không có thời gian chạy ra hàng in thì con chị Lý buộc phải chép bài tập từ điện thoại của mẹ và sau đó làm ra giấy.
Những bài tập nào trong sách không có thì phụ huynh phải tự đi in cho con làm. Ảnh: Hoàng Thanh. |
"Tôi không hiểu bài tập kiểu gì mà quá nhiều. Học sinh tiểu học mà tối nào cũng làm khoảng 2 trang bài tập. Con đã đi học cả ngày, tối về lại mờ mắt chép bài tập từ nhóm chat cô gửi cho mẹ để làm, còn đâu là tuổi thơ?
Thương con, nhiều hôm tôi chạy ra quán photocopy nhưng ngặt nỗi nhà cách hàng photo cũng 3 km nên đi lại cũng mất thời gian.
Khổ nhất là những tối hai vợ chồng tôi đi làm ca về muộn, ông bà lại không dùng điện thoại thông minh nên không biết làm sao cho con làm bài tập qua nhóm chat cô giáo giao", chị Hà Lý kể.
Cùng cảnh ngộ chị Lý, từ khi con bước vào năm học mới, chị Hà Phương Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết con chị đang học bậc THCS và phụ huynh này phải tham gia gần đến 7-8 nhóm trò chuyện trên Zalo, liên quan đến việc học của con.
Mỗi ngày, chị Phương Anh đều phải nhận tin nhắn từ rất nhiều nhóm như: Nhóm nhận bài tập về nhà, nhóm nộp sản phẩm thực hành, mỹ thuật... thông báo lịch học, đổi thời khoá biểu, lịch kiểm tra, lịch ôn thi đến... dồn dập.
"Bận rộn mỗi ngày với việc cơ quan nên tôi rất áp lực với việc phải liên tục vào đọc tin nhắn về việc cô giao bài tập, nào là bài tập đọc, rồi làm toán... không đọc thì sợ bỏ lỡ sẽ ảnh hưởng đến việc học của con mà đọc thì nhiều vô kể.
Ngày xưa chúng tôi đi học có bài tập gì cô giao cho học sinh ngay tại lớp, về nhà học sinh chủ động việc học cũng là rèn cho thế hệ chúng tôi sự tự giác trong học tập.
Tôi không hiểu tại sao ngày nay giáo viên không cho bài tập trong sách hoặc nếu là đề cô tự soạn thì cô nên in rồi phát cho học sinh về nhà làm thay vì giao bài trên nhóm chat để phụ huynh vất vả trong việc in hoặc cho con chép lại", chị Phương Anh nói.
Tận dụng công nghệ "nhồi" bài vở
Thực tế, từ khi có dịch bệnh, việc giao bài tập bằng hình thức online cũng phổ biến vì thuận tiện. Nhưng theo nhiều phụ huynh, hiện nay chúng ta đã học tập và làm việc ở trạng thái bình thường nên việc giáo viên giao bài qua nhóm chat Zalo của lớp là không hợp lý. Điều này khiến phụ huynh rất vất vả mà còn hạn chế sự chủ động của các con.
Nói về điều này, cô Lê Thị Loan, nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: "Tôi phản đối việc giáo viên tận dụng công nghệ giao bài tập về nhà cho học sinh rồi phụ huynh bằng nhóm chat của lớp.
Đó là hình thức lợi dụng công nghệ, vi phạm quy định về giao bài tập về nhà nhất là cho học sinh tiểu học mà trước đây Bộ GD&ĐT đã có quy định cấm.
Tôi cho rằng chúng ta không nên nhồi bài tập về nhà cho học sinh vì các con học ở trường cả ngày rồi, cô vẫn chạy theo bệnh thành tích làm cho các con quá tải, làm bố mẹ vất vả.
Với học sinh THCS, thầy cô nên tận dụng sách giáo khoa và vở bài tập để giao bài chứ không nên gửi file bài tập qua nhóm chat và yêu cầu bố mẹ phải đi in".
Con trẻ ngoài việc học, các em cần có thời gian vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, giao tiếp xã hội, những kỹ năng cần thiết.
Thế nên, giáo viên cần tính toán hợp lý nhằm giúp học sinh cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác, không giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi trên lớp.
Có như vậy, các em mới không cảm thấy căng thẳng trong học tập, để mỗi ngày đến trường cũng như khi về nhà đều là ngày vui thay vì mỗi tối bố mẹ hò hét con học tập, rồi chép đề từ nhóm chat của lớp...
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên