Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh: 'Con được nghỉ học thêm, tôi mừng như mở cờ trong bụng'

Chị Ngân Hà mừng vì từ giờ, con không phải đi học thêm tự nguyện trên tinh thần ép buộc. Trong khi đó, con trai của chị Nguyễn Linh có nhiều thời gian tự học và nghỉ ngơi hơn.

dang ky day them anh 1

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với những quy định mới về dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

"Thông tư 29 có hiệu lực, tôi như mở cờ trong bụng vì từ giờ, hai mẹ con hết cảnh nhận 'tín hiệu' ép đi học thêm từ cô giáo chủ nhiệm", chị Ngân Hà, phụ huynh tại Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Năm nay, con gái chị Hà mới học lớp 4, nhưng từ năm lớp 2, cháu đã phải tham gia lớp học thêm bên ngoài trường do giáo viên chủ nhiệm mở dù không muốn.

Chính vì vậy, khi quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều phụ huynh như chị Hà thở phào vì từ nay có thể chấm dứt tình trạng học thêm tự nguyện trên tinh thần bắt buộc.

Ám ảnh với học thêm

Chị Ngân Hà chia sẻ dù chẳng bao giờ giáo viên chủ nhiệm yêu cầu thẳng rằng "con phải đi học thêm lớp của cô", nhưng cứ đầu năm học, chị đều nhận được "tín hiệu".

Năm lớp 2, không ít lần, chị phải đợi trước cổng trường rất lâu mới thấy con ra khỏi lớp. Có lần, quá sốt ruột, chị vào tận lớp để xem thì thấy con đang chép bài cùng 2-3 bạn khác.

"Cô nói con viết chậm, chữ xấu, cần rèn thêm", chị kể chỉ đến khi đăng ký học thêm lớp bên ngoài do cô chủ nhiệm dạy, con mới không phải ngồi lại chép bài sau giờ học.

Năm nay, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 lại tiếp tục than phiền con học chậm hơn các bạn khác. Không chỉ chị Hà, một phụ huynh khác cũng bị cô giáo gọi điện liên tục.

"Mọi tin nhắn than phiền cũng chỉ dừng lại khi con đi học thêm với cô, dù lực học của con sau đó vẫn không thay đổi", chị Hà kể mỗi tuần, con có thể học 1-2 buổi tối hoặc cuối tuần cùng cô. Học phí 100-150 nghìn đồng mỗi buổi.

Người mẹ hiểu không phải giáo viên nào cũng như cô giáo chủ nhiệm của con, nhưng một vài trường hợp như vậy khiến chị có cái nhìn không tốt về việc học thêm.

Không nhận được "tín hiệu" từ giáo viên chủ nhiệm, song chị Nguyễn Linh - phụ huynh có con học lớp 6 tại Hà Nội - cũng phải "tự nguyện" viết đơn đăng ký cho con học thêm trên trường.

Trước ngày 14/2, con trai chị học thêm 4 buổi chiều/tuần ở trường với 3 môn Toán, Văn, Anh. Chị kể trong buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm phổ biến về các buổi học này, nhằm tăng cường, bổ trợ kiến thức cho các con, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc phụ huynh có thể đăng ký hoặc không.

Nghĩ là bắt buộc, chị gật đầu tham gia. Tuy nhiên, hết một kỳ, chị đánh giá chất lượng học không hiệu quả, bởi lớp học không phân theo trình độ. Tương tự học chính khóa, giáo viên cũng không thể kèm cặp được từng bạn một.

"Học phí chỉ 3 triệu đồng, khá rẻ, nhưng việc học không hiệu quả khiến tôi cảm thấy mất thời gian. Tinh thần con cũng uể oải, căng thẳng với việc học", chị Linh chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hương - phụ huynh có con học lớp 7 tại Hà Nội - cũng cảm nhận rõ việc học thêm quá nhiều khiến con kiệt sức, không thực sự hiệu quả, gia đình cũng không còn thời gian gắn kết.

Trước Tết, ngoài học thêm 3 buổi chiều ở trường, con trai chị học thêm bên ngoài tới 4 buổi cho 3 môn. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn học thêm với chính giáo viên dạy con trên lớp.

Dù mệt mỏi, cả chị và con đều không dám nghỉ các lớp học thêm bởi bạn nào cũng đi, con không tham gia thì lạc lõng, sợ không theo kịp, sợ thi cử điểm thấp... Cứ như vậy, ám ảnh học thêm cứ chờn vờn trên đầu hai mẹ con.

dang ky day them anh 2

Có học sinh đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

Phụ huynh đừng "trăm sự nhờ cô"

Chính từ những ám ảnh học thêm nói trên, khi giáo viên và nhà trường thông báo dừng dạy thêm, cả ba phụ huynh nhẹ nhõm, coi đây là tín hiệu tốt.

"Mừng rớt nước mắt. Vậy là con và tôi không phải áy náy khi nghỉ học thêm. Tôi cũng tiết kiệm được vài triệu đồng học thêm mỗi tháng", chị Hương nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định những quy định mới về dạy thêm nhằm khắc phục tình trạng học sinh hàng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.

Thay vào đó, sau giờ học, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc...

Chị Nguyễn Linh đồng tình với điều này. Thay vì lo lắng, than thở trước những thay đổi, chị đã có phương án để cả nhà cùng thích nghi.

Con đã 11 tuổi, chị Linh nói không lo chuyện "ai ở nhà trông con" bởi cháu đã lớn. Buổi sáng, trước khi đi làm, chị chuẩn bị sẵn đồ ăn để con đi học về chỉ cần hâm nóng là có bữa trưa. Việc đưa đón cũng không thành vấn đề bởi chị có thể thuê xe ôm quen.

Các buổi chiều được nghỉ, chị Linh yêu cầu con hoàn thành các bài tập về nhà. Quá trình con tự học, hai mẹ con sẽ kết nối Zalo, chị sẽ theo dõi con qua màn hình điện thoại.

"Không phải kè kè nhìn con 24/24, nhưng khi biết mẹ có thể nhìn bất cứ lúc nào, con sẽ nghiêm túc hơn", chị Linh cho biết trước đó, nhà chị cũng đã lắp đặt camera ở sân, con đi hay về, chị biết ngay.

Theo chị, nếu hoàn thành bài tập sớm, con có thể hỗ trợ bố mẹ việc nhà hoặc đá bóng, buổi tối con sẽ được chơi, đọc truyện, xem phim... Với những môn con học yếu, thực sự cần học thêm, chị Linh thuê gia sư kèm con 1-1, cho rằng như vậy sẽ hiệu quả hơn việc học thêm với nhiều bạn khác trình độ.

Tương tự, từ hôm cô chủ nhiệm thông báo nghỉ học thêm, chị Ngân Hà không phải cuống cuồng đưa đón con học thêm sau giờ học chiều hoặc cuối tuần.

Ngày cuối tuần của chị và con cũng trọn vẹn hơn, có thể đi chơi xa, về quê thoải mái mà không sợ bị cô giáo càu nhàu "Em ơi, chị không thấy con đi học thêm"; "Em ơi, sắp thi rồi cho con đi học đầy đủ"; "Mẹ làm việc tốt rồi nhưng phải để ý đến con"...

Thay vì đi học thêm, chị tự kèm con ở nhà và hướng dẫn con tự học. Vài năm nay, chị vẫn làm điều này, nhưng bây giờ sẽ có nhiều thời gian hơn.

Buổi tối, sau khi hoàn thành bài tập, hai mẹ con có thêm thời gian trò chuyện, đọc sách, chơi cờ ca rô, cá ngựa... Chị cũng mua tặng con một quyển sổ để con viết nhật ký hàng ngày.

Cùng với đó, chị tăng các hoạt động thực tế để con vận dụng kiến thức đã học trên lớp. Ví dụ, nhận nhiệm vụ đi siêu thị, con sẽ tự tính toán, cân nhắc mua gì với số tiền mẹ đưa.

"Ở bậc tiểu học, tôi chỉ cần con viết đúng, hiểu được vấn đề, vui vẻ, tích cực. Tôi không cần con làm những bài đánh đố, cao siêu khi năng lực của con không thể vượt trội lên điểm 9, 10", người mẹ nói.

Chị Hà cho rằng trước những thay đổi mới, ngoài việc nhà trường, giáo viên cần thực hiện nghiêm túc, chính phụ huynh cũng phải thay đổi quan niệm về học thêm, về thành tích.

Với chị, học thêm có ý nghĩa chỉ khi con chị có nhu cầu, hào hứng đi học để tiếp thu kiến thức, chứ không phải phụ huynh giao con cho giáo viên, nhà trường rồi "trăm sự nhờ cô", yên tâm vì đã có nơi "trông trẻ".

"Tôi hỏi con có thích đi học thêm không, con bảo có, nhưng là học thêm nhảy, múa, đàn, hát, vẽ, bơi lội... chứ không phải học thêm Văn, Toán. Tôi đồng ý với ý kiến của con.

Có thể, tôi đi ngược với nhiều phụ huynh khác nhưng mỗi đứa trẻ có khả năng riêng. Con có năng khiếu gì, bố mẹ nên để con phát huy sở trường đó, những thứ còn lại ở mức hoàn thành, đạt là được", chị Hà nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Giáo viên xếp hàng dài chờ, sốt ruột vì thủ tục đăng ký dạy thêm

Anh N.D. phải đi hai lần để làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho vợ dạy thêm. Trong khi đó, chị Ngọc Trâm bị từ chối vì đăng ký căn hộ chung cư làm địa điểm dạy học.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm