Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Phụ huynh đau đầu vì con chỉ thích xem nội dung người lớn trên TikTok

Nhiều phụ huynh sử dụng TikTok làm công cụ giúp “trông" con cái trong lúc bận, vô tình khiến trẻ nghiện nền tảng này. Theo chuyên gia, việc sử dụng mạng xã hội sớm có thể gây hại.

Hơn một tháng nay, chị Thanh Tú (Hà Nội) phải tịch thu chiếc điện thoại cũ từ con gái 10 tuổi. Theo lời chị, từ cuối năm 2022, chị thấy con bắt đầu xem TikTok nhiều hơn.

Ban đầu, chị nghĩ con xem video chỉ để giải trí sau giờ học. Dần dần, thấy con mải mê, lơ đễnh mỗi lần bố mẹ gọi, cứ đi học về, con lại cầm máy xem, có khi xem liên tục 2-3 giờ, chị mới bắt đầu lo lắng.

“Có lúc , xem quá nhiều, cơ thể con mệt mỏi, không muốn ngồi vào bàn học. Mỗi lần bị bố mẹ nhắc nhở, con lại tỏ thái độ không bằng lòng. Nhiều lần, sau khi học xong, con đòi bố mẹ phải cho xem một lúc mới chịu đi ngủ", chị Tú nhớ lại.

Trẻ lơ đễnh, không chịu ăn nếu không được xem TikTok

Chia sẻ với Zing, chị Tú cho biết công việc của chị khá bận, ít có thời gian cho con ra ngoài chơi. Vì vậy, sau khi mua điện thoại mới, chiếc điện thoại cũ được chị tận dụng để phục vụ con học tập, thỉnh thoảng con cũng có cái để xem giải trí. Trước đấy, nhà cũng có tivi kết nối Internet để con xem nhưng việc sử dụng đều được bố mẹ kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, từ khi có chiếc điện thoại, việc giám sát trở nên khó khăn hơn, nhất là khi con bắt đầu biết đến TikTok. Chị kể ban đầu, con chỉ xem những nội dung hoạt hình. Cách đây mấy tháng, con tự lập tài khoản, từ việc ghép nhạc vào ảnh, con bắt đầu bắt chước các video nổi tiếng, nhảy nhót theo thần tượng, tự quay lại mà không cần sự trợ giúp của ai.

Nhận thấy con bắt đầu xem các nội dung nhảm nhí, thậm chí có phần phản cảm, lại lơ đễnh, không muốn ngồi vào bàn học, chị Tú nhắc nhở nhiều lần nhưng đâu lại vào đấy. Chị quyết định tịch thu điện thoại của con, chỉ cho phép sử dụng cho việc học.

Tuy nhiên, việc tịch thu cũng không thể kiểm soát hoàn toàn việc con xem TikTok bởi nếu không xem trên điện thoại, con gái chị cũng xem trên tivi. Nhất là những lúc vợ chồng chị đi làm không ở nhà.

tre thich xem tiktok anh 1

Bố mẹ khó kiểm soát trẻ xem TikTok từ khi sử dụng điện thoại di động. Ảnh: iStock.

Khác với chị Tú, 2 năm Covid-19 vừa rồi, chị Đ.V. (Hà Nội) buộc phải cho 2 con gái (5 tuổi và 3 tuổi) sử dụng điện thoại, tivi để chúng chịu ngồi yên một chỗ, không chạy lung tung ra ngoài chơi. Như vậy, chị mới có nhiều thời gian làm việc khác.

Tuy nhiên, dù đã hướng con xem các video lành mạnh, mang tính giáo dục, song những video nhảm nhí mới là thứ thu hút 2 con chị, nhất là khi chúng biết đến TikTok kể từ năm ngoái.

Lâu dần thành quen, bây giờ, cứ đi học về, 2 đứa trẻ lại bật tivi xem TikTok. Đến nỗi giờ ăn cơm, nếu không được xem, con gái thứ 2 của chị cũng không chịu ăn. Còn cháu lớn chỉ thích xem những nội dung của người lớn, thậm chí thuộc những điệu nhảy, lời bài hát trên đó.

Trao đổi với Zing, chị V. phải thốt lên “2 con chị nghiện TikTok nặng", nhưng người mẹ này cũng chưa có cách để khắc phục ngoài tắt tivi, răn đe, dọa nạt con.

Tiếp cận với màn hình điện tử sớm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ

Chia sẻ với Zing, ThS Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá Tiktok và hầu hết mạng xã hội có thể thu hút trẻ em và số đông mọi người bởi có những lợi ích riêng như tính cập nhật, mới mẻ, đáp ứng được thị hiếu đa số của người dùng, không kén chọn hay phân biệt người dùng.

“Rất nhiều người người nghiện Internet và mạng xã hội bởi các hoạt động trên mạng xã hội có thể kích hoạt và giải phóng dopamine - hormone hạnh phúc”, ThS Huân giải thích.

Lấy ví dụ TikTok, ThS Huân cho hay mạng xã hội này có thế mạnh là video ngắn, đa dạng, cập nhật liên tục và sáng tạo từ người dùng, nhà sáng tạo nội dung nhắm đến sở thích của người dùng và kích thích đa dạng giác quan bằng hình ảnh đẹp, thú vị, thu hút; âm thanh dễ chịu, thư giãn, sinh động và thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu… có thể khiến người dùng “phát ghiền” và dành nhiều thời gian đến mức tập trung quá độ, thiếu kiểm soát.

TikTok đều có quy định cấm trẻ em dưới 13 tuổi nhưng không thể kiểm soát hết việc trẻ em khai báo sai sự thật.

Việc sử dụng mạng xã hội khi sự ý thức về hành vi, lời nói còn hạn chế, nhận thức/nhân cách chưa phát triển tương xứng… dễ dẫn việc trẻ em tiếp nhận thông tin thiếu thông minh, không lường trước được hậu quả từ phát ngôn hay những đăng tải của bản thân, dễ bị dụ dỗ bởi các đối tượng xấu, thậm chí, bị kích động, xúi giục thực hiện các hành vi kém an toàn, vi phạm đạo đức… nhằm thể hiện cá tính.

“Một số trường hợp nhiều học sinh ‘ảo tưởng sức mạnh’ khi thấy mình có nhiều người quan tâm, dẫn đến bỏ học, đòi làm TikToker bất chấp sự phản đối của giáo viên, gia đình, ảnh hưởng xấu đến học tập và tương lai”, thầy Huân nhận xét.

Đồng quan điểm, bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ngày nay, nhiều trẻ em tiếp cận rất sớm với màn hình điện tử. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển ngôn ngữ, lời nói của trẻ.

Ngoài ra, một số ca bệnh có tiếp xúc thường xuyên với màn hình điện tử còn gặp tình trạng khó ngủ và ngủ không sâu giấc.

tre thich xem tiktok anh 2

Một trường hợp bị phải đi khám tâm lý do tiếp xúc với màn hình điện tử sớm. Ảnh: Linh Thùy.

Theo bác sĩ Hương, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử quá sớm, đặc biệt là trẻ trước 24 tháng tuổi. Trẻ từ 24 tháng, cha mẹ không cho con xem quá một giờ/ngày và phụ huynh cần cùng với bé tương tác trong lúc bé xem.

Ngoài ra, hạn chế trẻ sử dụng điện trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đối với những trẻ vốn đã nghiện điện thoại, việc hạn chế sử dụng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn như trẻ quấy khóc hay ăn vạ. Lúc này, các thành viên trong gia đình phải có sự thống nhất và kỷ luật rõ ràng, tránh trường hợp có thành viên không cho xem nhưng người còn lại thì giúp đỡ bé.

Đối với trẻ lớn hơn, ThS Huân bổ sung gia đình cần kết hợp với nhà trường trong việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại và tham gia vào các nền tảng mạng xã hội của trẻ, giáo dục về lợi ích và cả tác hại để trẻ biết bảo vệ bản thân mình.

Đồng thời, gia đình chỉ cho trẻ sử dụng điện thoại trong khung thời gian đã định, sau khi hoàn thành việc học, việc nhà và hoàn toàn rảnh rỗi. Đặc biệt, phụ huynh nên theo sát và có những tác động giáo dục phù hợp thay vì cấm đoán, tịch thu điện thoại hoặc đánh mắng trẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Những thử thách trên TikTok, YouTube từng là nỗi ám ảnh của cha mẹ

Khi bắt chước các thử thách trên mạng, nhiều trẻ rơi vào tình trạng mất nhận thức, ngộ độc, thậm chí tử vong.

Ngọc Bích - Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm