Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh kiệt sức khi 3 con không được đến trường

Việc chăm sóc, kèm 3 con học suốt một năm trời lại thêm lo lắng chất lượng học, biến đổi tâm lý của con khiến phụ huynh mệt mỏi, kiệt sức.

Những ngày con còn được đến trường, ban ngày, vợ chồng chị Thu Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đi làm, con cái đi học. Tối đến, con không vướng bận bài vở, cả gia đình lại đi chơi. Cuối tuần nào, họ cũng được ra ngoài thư giãn.

Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, do dịch, 3 cô con gái của chị đều phải ở nhà. gia đình chị Thu Trang trải qua ngày tháng khó khăn, cuộc sống xáo trộn.

kiet suc khi 3 con khong duoc den truong anh 1

Ba con gái của chị Thu Trang đều trong độ tuổi đến trường nhưng lại phải ở nhà gần một năm nay. Ảnh: T.T.

Quá tải khi 3 con không đến trường

Nói về gần một năm qua, chị Thu Trang cho hay chị cảm thấy căng thẳng hay mệt mỏi, kiệt sức khi vừa làm việc vừa phải chăm lo cho con cả ngày. Mọi thứ trở nên quá tải đối với bà mẹ 4 con, trong đó 3 con đều đến tuổi đi học nhưng lại phải ở nhà.

Ngày con chuyển sang học online, việc học trở nên không còn nhẹ nhàng. Bên cạnh hơn 10 nhóm chat Zalo phục vụ công việc, chị còn nằm trong khoảng chục nhóm chat khác liên quan việc học của con.

“Từ hồi con học trực tuyến, tôi hoa mắt vì theo dõi các group, nhiều hôm còn bỏ sót tin nhắn giáo viên giao bài tập cho con”, chị Trang kể.

Con gái lớn học năm cuối tiểu học, đứng trước áp lực chuyển cấp. Các ngày trong tuần, con học 2 buổi online theo chương trình ở trường. Mỗi tuần, con có thêm 2 buổi tối học thêm tiếng Anh và một buổi sáng chủ nhật luyện đề chất lượng cao lớp 6.

Thời gian còn lại, con vừa làm bài tập vừa tranh thủ chơi trên máy tính. Cả ngày, con gần như ngồi trong phòng, trước màn hình.

Việc học của con gái thứ 2 đỡ hơn. Tuy nhiên, con chểnh mảng nên việc học sa sút. Con thứ 3 học mẫu giáo, nghỉ học cả năm nay. Vì lo cho việc học khi con vào lớp 1, cũng để tránh con không có gì làm, không có ai chơi cùng, chỉ cắm mặt vào iPad, TV, 5 tháng nay, chị cho con theo học một nhóm trẻ trong chung cư.

Dù đã cố gắng sắp xếp, cuộc sống gia đình họ vẫn xáo trộn. Chồng chị Thu Trang làm việc ở nhà, kiêm thêm quản lý, chăm lo bữa trưa cho 4 con. Vì nhà đông con, anh khó tập trung, công việc phần nào bị ảnh hưởng.

Buổi tối, hai vợ chồng thay nhau kiểm tra bài trên lớp của con, kèm con học thêm. Ban ngày, công việc bận rộn, tối về không được nghỉ ngơi, họ cũng mệt mỏi. Thậm chí, cuối tuần, vợ chồng chị vẫn phải tranh thủ ôn lại bài cho con vì những ngày trong tuần, buổi tối, thỉnh thoảng, họ làm việc, chưa kèm cặp con xong.

Đối mặt với nhiều áp lực khác

Không chỉ bận rộn với việc chăm sóc, kèm con học, chị Thu Trang còn chịu áp lực khi phải lo lắng cho kết quả học tập của con, những biến đổi trong tâm lý, tính cách.

Chị chia sẻ hiện tại, kết quả học tập của con giảm sút, khả năng tiếp thu và học hỏi giảm đáng kể. Hai bé sau còn nhỏ, chưa áp lực học tập nên vẫn chơi đùa, trượt patin, đi bơi với nhau. Tính cách bé thứ 2 rộng rãi. Bé thứ 3 có chị chơi cùng, hơn nữa được đi học ở nhóm trẻ. Nhờ đó, chị cảm thấy 2 bé vẫn ổn, chỉ có điều bé thứ 2 tính cách ương bướng hơn.

Trong khi đó, các biểu hiện của con gái lớn làm chị rất lo lắng. Con không được nói chuyện với các bạn, ngồi học máy tính quá nhiều dẫn tới cáu kỉnh, cảm xúc khó kiểm soát.

Thêm vào đó, con chịu áp lực chuyển cấp, lại đang trong độ tuổi dậy thì, tính cách trở nên khó hiểu. Dịch bệnh khiến con không được học các môn mình thích như múa, vẽ.

“Con kêu chán, vừa học vừa làm việc riêng, trầm tính hơn, ngồi lỳ, không chịu vận động, sức khỏe giảm sút. Tôi rất khó tâm sự với con vì con sống nội tâm, không muốn chia sẻ, mẹ hỏi một câu, con đã nổi cáu”, chị Thu Trang chia sẻ.

Chị thú nhận cũng muốn con có tuổi thơ nhưng xung quanh là những gia đình cho con thi này, thi kia. Học online, chất lượng giảm đáng kể song con nhà người khác vẫn thi đỗ các trường. Vì thế, chị cảm thấy có lỗi nếu không kèm con học thường xuyên.

Chị còn lo học online lâu ngày, con sa vào các cám dỗ trên mạng xã hội, Internet.

Bây giờ, chị chỉ mong trường sớm mở cửa trở lại và khi được đến lớp, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Chị thấu hiểu sự bí bách của con vì bản thân là người lớn, làm việc tại nhà một thời gian, chị cũng chán, mong được đi làm, gặp gỡ đồng nghiệp. Trẻ cũng cần môi trường để giao lưu.

Thực tế, từ đầu, dù còn lăn tăn, chị đã ủng hộ việc để trẻ đến trường, chấp nhận rủi ro lây nhiễm chứ không phải đến nay, khi số ca mắc Covid-19 giảm, mới muốn con đi học.

Gia đình không có tư tưởng giữ con ở nhà tránh dịch. Tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng, chị vẫn gửi con thứ 3 đến nhóm trẻ. Bé mắc Covid-19 từ bạn học rồi về lây cho cả gia đình. Rất may, các con bị nhẹ, chỉ sốt một hôm rồi khỏi.

“Chúng tôi xác định ưu tiên con đi học, mắc Covid-19 thì điều trị. Tôi cũng mong trường học mở cửa hoàn toàn, tức con học 2 buổi, ăn bán trú ở trường, chứ nhà đông con, gia đình rất khó sắp xếp đưa đón nếu con chỉ học nửa buổi”, chị Thu Trang chia sẻ thêm.

Hà Nội nên cho trẻ mầm non, tiểu học đến trường

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng Hà Nội nên cho trẻ mầm non, tiểu học đến trường nhưng ngành giáo dục, y tế cần có hướng dẫn rõ ràng, tránh mỗi nơi một kiểu, khiến phụ huynh hoang mang.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm