Trong khi các trường lo hoàn thiện phương án tuyển sinh theo hướng không thi tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng các môn văn hóa thì phụ huynh đón nhận thông tin này với nhiều tâm trạng khác nhau.
Chị Hà có con đang học lớp 5 trường Tiểu học Ngôi Sao (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm nay chị cũng có nguyện vọng cho con thi thử vào lớp 6 trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tuy nhiên chị không gây áp lực cho con nên bản thân rất phấn khởi sau lệnh cấm này.
Tương tự, chị Lệ có con đang học lớp 5 trường TH Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết gia đình chỉ cho con thử sức vào trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Dù vậy, từ năm lớp 4, hàng tuần chị vẫn cho con đi học thêm 2 buổi để củng cố kiến thức Toán, tiếng Việt…
Trong khi đó, không ít người bức xúc vì con em họ đã bỏ công sức, thời gian ôn luyện vào trường chuyên lớp chọn tại các lò luyện suốt thời gian dài, khi đã sắp tới ngày hái quả thì… hình thức thi tuyển lại bị xóa bỏ.
Anh Hoàng, có con đang học trường TH Đặng Trần Côn A (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Hai năm qua, tôi đã cho con học luyện thi vào lớp 6 trường Hà Nội-Amsterdam. Mới rồi, cháu thi thử và lọt vào top 3 bạn có điểm thi cao nhất của trung tâm luyện thi với dự đoán 80% là trúng tuyển. Giờ, nếu trường này chỉ tuyển sinh bằng học bạ tiểu học thôi tôi thấy không công bằng. Công sức đầu tư của bố con tôi đã bị đổ xuống sông biển”.
Trong tâm trạng hoang mang, anh Hải – phụ huynh trường TH Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi muốn cho cháu vào học trường THCS Cầu Giấy nhưng thấy phương án của trường chủ yếu xét học bạ và giải thưởng thấy rất buồn. Nhưng giờ không kịp thay đổi nữa và cũng không để con quá khổ sở nên cứ để cháu theo học ở trung tâm luyện thi đã học 2 năm nay”.
Tương tự, chị Hương một phụ huynh khác cũng có mong muốn cho con vào trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: “Điều mà nhiều PHHS lo nhất hiện nay là nếu bỏ thi tuyển THCS bằng môn văn hóa thì các trường trên có đảm bảo chất lượng đầu vào. “Tới đây, liệu có tình trạng PHHS chạy điểm đẹp từ bậc tiểu học để hy vọng lên cấp 2 con được vào học tại trường chuyên, lớp chọn không?” - chị Thư đặt câu hỏi.
Xoay xở với phương án tuyển sinh mới
Chị Thu Hương có con học lớp 5 trường TH Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Giờ các trường không thi nữa, thay vào đó là kiểm tra kiến thức dưới dạng trắc nghiệm, IQ… con chưa ôn luyện các dạng đề thi thế này chắc là sẽ bỡ ngỡ, không làm được. Nếu như áp dụng kiểm tra kiến thức như một số trường dự kiến, chắc tôi sẽ phải cho con đi học ôn ở một số trung tâm hoặc sưu tầm các dạng bài kiểm tra trắc nghiệm, IQ dành cho học sinh”.
Tuy nhiên hiện nay chị cũng cho con nghỉ học ở trung tâm để đợi phương án chính thức của các trường được công bố rồi mới tiếp tục tìm hướng học mới.
Còn anh Dũng có con học lớp 5 trường TH Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Bắt đầu từ kỳ hai lớp 2, gia đình đã cho con ôn luyện ở 1-2 trung tâm của chính các thầy cô giáo có tiếng về ôn luyện và vẫn học cho tới thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây cháu nhà anh Dũng đã quen và bắt đầu làm khá tốt các dạng bài toán tiếng Việt mà trường đã ra cho các kỳ thi năm trước.
Tuy nhiên, cách thức tuyển sinh đã thay đổi. Hiện tại, anh vẫn cho các cháu học tiếp do đã đóng tiền hết tháng 4. Anh cho biết các trung tâm cũng đang thay đổi chương trình học, giảm bớt kiến thức Toán, tiếng Việt thay bằng học khoa học, thí nghiệm khoa học và cũng đã bắt đầu thi IQ. Các trung tâm này cũng tính mở thêm các buổi học IQ, EQ. Tất nhiên cùng với đó sẽ là tăng thời gian học và phụ huynh phải đóng thêm tiền.
Không dừng lại ở đó, anh Dũng và nhiều phụ huynh hiện cũng định hướng cho con chuyển sang ôn các bài trắc nghiệm IQ, EQ theo các loại sách mà vợ chồng anh tự sưu tầm.
Nếu được thông báo sớm
Chị Thư, có con học trường TH Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết gia đình đã thuê gia sư tới nhà luyện thi trường chuyên cho con với mức học phí 200.000 mỗi giờ suốt một năm qua.
“Lẽ ra Bộ nên thông báo về lộ trình điều chỉnh thi cử ở bậc THCS từ 2, 3 năm trước để các gia đình có sự điều chỉnh. Nay “súng đã lên nòng” thì đột nhiên chúng tôi bị Bộ GD-ĐT đặt vào thế đã rồi” – chị ví von.
Một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục tại TP HCM trao đổi với báo Tiền phong cho rằng, việc bỏ thi tuyển vào lớp 6 không đáng quan tâm mà quan tâm là có tồn tại trường chuyên hay không?
“Về nguyên tắc, trường chuyên được thành lập là để đào tạo học sinh giỏi, vì thế, cung luôn luôn nhiều hơn cầu nên phải tiến hành nhiều phương án để chắt lọc học sinh, trong đó thi cử là phương án được chú trọng”, chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia này, việc tồn tại trường chuyên nhưng không cho thi tuyển, có khả năng dẫn đến tiêu cực, gây khó khăn với các trường này trong vấn đề chọn lọc thí sinh. Về phương án khảo sát năng lực bằng tiếng Anh thay cho việc thi ba môn Toán, tiếng Việt và Anh văn vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, chuyên gia cho rằng: “Phương án này chưa thật sự phù hợp và dễ làm rào cản đối với một số học sinh không có điều kiện học ngoại ngữ”.