Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh lo 'gánh' các khoản thu trước thềm năm học mới

Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học mới, phụ huynh đối mặt với nỗi lo còng lưng “gánh” các khoản phí từ tiền đồng phục đến tiền ăn, học phí, học thêm...

Chị Nguyễn Thị Thu Hương có 3 con đang ở độ tuổi đi học (2 tiểu học, 1 THCS). Chị cho biết gia đình vừa chi gần 6 triệu đồng mua sách giáo khoa, đồng phục mới cho các con.

“Ngoài học ở trường, mình cảm thấy khoản chi nặng nhất là học thêm Tiếng Anh, Toán ở ngoài nhà trường. Hai vợ chồng đều là viên chức Nhà nước, thu nhập không được là bao trong khi vẫn thuê nhà trọ nên lo việc học hành của con là một áp lực rất lớn”, chị Hương nói.

Nhiều khoản thu

Đầu năm học mới, học sinh sẽ có các khoản phải chi như: Sách giáo khoa, đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu); sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, vẽ… Phụ huynh phàn nàn về việc sau khi con nhập học lớp 6 một trường THCS tại Hà Nội đã phải đóng tiền mua cả ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ.

Mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, thay vào đó, các em chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, khuyến khích tiết kiệm.

Ông Cương cũng chỉ đạo đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc để cha mẹ chủ động mua sắm.

Tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, cũng yêu cầu các trường thực hiện thu đúng, thu đủ, chi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

“Không được sử dụng kinh phí hoạt động của Hội phụ huynh để chi cho bảo vệ, vệ sinh, mua sắm máy móc, đồ dùng dạy học. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định”, bà Hương nói.

Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Ngọc Châu yêu cầu các trường trong tỉnh tuyệt đối không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới đầu năm học. Địa phương này quy định đồng phục đơn giản là áo trắng, quần xanh đen và đen, nghiêm cấm các trường in phù hiệu, họa tiết, viền, nơ… khiến phụ huynh khó tìm mua hoặc may. Để tiết kiệm, sở hướng dẫn các nhà trường thông báo về mẫu mã, quy cách đồng phục để phụ huynh tự mua hoặc đặt may cho con em của mình.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Ngay đầu năm học này, có nơi, có trường còn yêu cầu học sinh phải đóng tiền bàn ghế mới được học.

Trong khi đó, theo quy định, Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên cho hệ thống trường công lập để dạy học.

"Phụ huynh đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có sách giáo khoa giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hoà, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… Cộng tất cả khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh. Với mức lương của cán bộ, công nhân viên chức hiện nay chỉ 5-6 triệu đồng sẽ rất khó gánh các mức chi cho giáo dục”, ông Dong nói.

Mỗi trường một đồng phục

Tại Hà Nội, thời điểm này, nhiều trường học đã thông báo tới phụ huynh học sinh đăng ký mua đồng phục cho năm học mới. Theo ghi nhận của phóng viên, các trường học ở mỗi cấp học hiện không có sự thống nhất về mẫu mã mà mỗi trường đang có thiết kế đồng phục học sinh khác nhau.

Trong đó, có trường sử dụng áo sơ mi trắng nhưng thêm viền ở cổ, thêm nơ, có trường lại sử dụng áo phông có cổ với nhiều màu sắc. Học sinh nữ kết hợp với chân váy màu ghi, xám, xanh, học sinh nam quần màu ghi, xám, đen…

Giá tiền các bộ đồng phục cũng dao động 200.000-350.000 đồng/bộ. Trong đó, một trường tiểu học thông báo cho học sinh đăng ký lên tới 5 bộ gồm: Sơ mi cộc, sơ mi dài, bộ thể thao cộc, bộ thể thao dài và áo khoác với tổng giá tiền lên khoảng 1,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, cách làm của các nhà trường hiện nay là thông báo cho phụ huynh có nhu cầu mua mới đăng ký. Ai không có nhu cầu mua tại trường có thể tự mua ở ngoài. Một số phụ huynh cho rằng vì quy định đồng phục hiện nay mỗi trường một bộ khác nhau, lại có thêm logo gắn ở tay hoặc ngực, nơ ở cổ… nếu tìm mua ở ngoài sẽ rất vất vả tìm đơn vị cung cấp đúng mới có. Do đó, đa số phụ huynh lựa chọn phương án đăng ký mua ở trường.

Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội, Nguyễn Quốc Dương cho biết trước khi bước vào năm học mới, nhà trường cung cấp cho phụ huynh bảng danh mục đồng phục, giá tiền để ai có nhu cầu sẽ đăng ký.

Đồng phục của trường rất đơn giản gồm áo trắng và quần tối màu, phụ huynh có thể dễ dàng mua ở ngoài, sau đó đến trường cung cấp logo gắn vào.

“Với mẫu đơn giản như vậy, học sinh có thể mua bất cứ nơi nào để phù hợp với hoàn cảnh, túi tiền của mình. Còn đồng phục đưa vào trường học điều đầu tiên nhà trường quan tâm phải là chất liệu bền, đảm bảo thoáng mát với mùa hè và ấm áp mùa đông”, ông Dương nói.

Cấm dùng danh nghĩa hội phụ huynh để thu tiền

Quảng Trị yêu cầu các trường không được sử dụng kinh phí của hội phụ huynh để chi bảo vệ, vệ sinh; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hoặc mua sắm máy móc...

https://tienphong.vn/hoc-sinh-chuan-bi-nam-hoc-moi-phu-huynh-lo-ganh-cac-khoan-thu-post1465317.tpo

Hà Linh / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm