Vừa vào hè, nhiều trẻ đã được cha mẹ cho tham gia các lớp tiền tiểu học. Ảnh: Mathnasium. |
Hôm 4/6, chỉ sau lễ tổng kết năm học 3 ngày, chị Vân Anh (sống tại Vĩnh Phúc) đã vội vàng cho con trai (chuẩn bị vào lớp 1) cắp sách đến lớp tiền tiểu học để học chữ.
Lớp của Bơ (tên gọi ở nhà của con trai chị Vân Anh) có khoảng 30 bạn theo học. Giống như chính khóa, lớp học bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào 16h30, buổi trưa sẽ ăn và ngủ lại nhà cô. Các con sẽ học 5 ngày/tuần, từ thứ hai tới thứ sáu. Về nhà, nếu có bài tập, con lại ngồi vào bàn học khoảng một giờ để hoàn thành.
Chưa vào lớp 1 đã học kín tuần
Chị Vân Anh cho biết chi phí khóa học này khoảng 3-4 triệu đồng, con học trong vòng 36 ngày, giáo viên cam kết đầu ra, tức trẻ sẽ đọc thông viết thạo, có nề nếp để tự tin vào lớp 1.
“Lớp học cách nhà 5 km nhưng đáp ứng được các yêu cầu của gia đình như cô giáo có kinh nghiệm lâu năm, dạy ở trường con sẽ theo học và có thể sẽ ‘đón tay' vào lớp cô dạy khi con học lớp 1. Lớp này cũng khó xin vào lắm, do có quen biết từ trước nên cô mới đồng ý nhận con tôi luôn", chị Vân Anh chia sẻ.
Theo phụ huynh này, ở lớp tiền tiểu học, con được được làm quen với chữ cái, ghép vần. Sau khoảng 7 buổi, hiện tại, con đã ê a đánh vần được 3-4 chữ, viết các nét cũng đúng ô ly, đúng dòng kẻ. Về nhà, con cũng quen nếp, biết tự giác làm bài tập xong mới được chơi.
Giáo viên cũng giúp con chỉnh tư thế, dáng ngồi, cách cầm bút... Chị Vân Anh khá hài lòng bởi con cũng không quá căng thẳng, ở lớp vẫn có các hoạt động vui chơi, hay được quà mang về nên Bơ bày tỏ thích đi học.
Vở tập viết của bé Bơ trước (bên trái) và sau khi tham gia lớp tiền tiểu học. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, vừa vào hè, chị Vũ Vân (sống tại Hà Nội) đã tìm gia sư dạy tiền tiểu học cho con trai sinh năm 2019. Dù còn tận một năm nữa con trai Bí Ngô (tên gọi ở nhà) mới lên tiểu học, chị Vân vẫn quyết định cho con học sớm để làm quen dần.
Do không tìm được lớp tiền tiểu học phù hợp để tiện đón con, chị Vân chọn cách thuê một sinh viên đại học để dạy tại nhà. Mỗi tuần, bé Bí Ngô học 6 buổi, mỗi buổi kéo dài trong 2 giờ, từ 15h30-17h30.
"Tôi nóng tính, thiếu kiên nhẫn, không có nghiệp vụ dạy học nên không dám dạy con. Thuê gia sư là phương án tốt nhất để con được thoải mái tiếp thu kiến thức”, chị Vân chia sẻ.
Đặt mục tiêu con có thể đọc thông viết thạo khi lên lớp 1, chị Vân rất vui vì mới 5 buổi đầu, con đã thuộc hết bảng chữ cái tiếng Việt. Vị phụ huynh dự kiến thời gian tới sẽ tìm thêm gia sư dạy toán tư duy để con làm quen dần, có thể mỗi tuần sẽ học 3 buổi.
“Bạn gia sư dạy tốt, nhẹ nhàng với con và có cách dạy giúp con hiểu bài nhanh. Con cũng tỏ ra rất thích học nên mình sẽ thuê gia sư cho đến khi con có thể tự học”, vị phụ huynh nói với Tri Thức - Znews.
Học tiền tiểu học thành “trend"
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn cho con tham gia các lớp tiền tiểu học bên ngoài để con tập đọc, rèn chữ trước vào lớp 1.
Các lớp học này nở rộ từ nông thôn tới thành thị, mức phí, thời gian học cũng tùy điều kiện và nhu cầu của từng gia đình. Trên các mạng xã hội, hàng loạt bài viết chia sẻ tài liệu dạy tiền tiểu học và bài viết quảng cáo lớp học thêm cũng xuất hiện. Các lớp này thường tuyển sinh các khóa rầm rộ nhất từ sau Tết Nguyên đán cho đến trước khi trẻ bước vào năm học mới.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1. Ảnh: Mathnasium. |
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Vân Anh cho biết có một số lý do khiến chị quyết định cho con đi học tiền tiểu học.
Đầu tiên là năm tới, chị sẽ đăng ký cho con vào trường tiểu học “điểm" của thành phố. Trường này sẽ xét hồ sơ của học sinh. Dù trường không ghi rõ yêu cầu con phải biết đọc - viết trước nhưng những phụ huynh có dự định như chị Vân Anh đều ngầm hiểu con phải đạt yêu cầu này. Vậy nên, chị phải chuẩn bị cho con có hồ sơ đẹp, có chứng nhận “hoàn thành 36 buổi tiền tiểu học".
Lý do thứ hai là học sinh lớp 1 hiện theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), được đánh giá là "nặng" hơn trước kia. Bố mẹ bận rộn, lại không có chuyên môn nên khó kèm cặp, việc học của con bập bõm. Chị Vân Anh lo khi vào lớp một, con sẽ không theo nổi.
Thứ ba, theo nữ phụ huynh, ở khu vực nhà chị, các gia đình khác cũng đều cho con tham gia các lớp tiền tiểu học như một trend (xu hướng - PV). Chị sợ nếu con không tham gia, lên lớp 1, con sẽ tự ti vì thấy khác biệt, thua kém các bạn.
“Đúng là tiến thoái lưỡng nan, không đi học thì sợ con không đáp ứng yêu cầu của trường, thiếu tự tin, khác biệt với bạn cùng trang lứa. Nhưng cho con đi học thì lo con áp lực hoặc về sau sẽ có tâm lý chủ quan", phụ huynh nói.
Cuối cùng, chị Vân Anh chỉ còn cách tìm cho con giáo viên có phương pháp học nhẹ nhàng, gần gũi, mang tính chất làm quen chứ không học trước quá nhiều. Cùng với đó, bố mẹ cũng phối hợp với cô, quan sát, theo dõi và đồng hành cùng con.
Chỉ có ý định cho con học trường công lập gần nhà, không học trường điểm như con chị Vân Anh, nhưng chị Vũ Vân vẫn áp lực chuyện cho con đi học trước. Lý do lớn nhất chính là bây giờ nhiều gia đình cho con học trước khi lên lớp 1, nếu không cho con học giống các bạn, chị sợ con sẽ bị tụt lại khi đi học chính thức.
Chị Vũ Vân mời gia sư đến nhà dạy chữ cho con trước khi vào lớp 1. Ảnh: NVCC. |
Chị Vân mô tả việc phụ huynh cho con học tiền tiểu học ngày nay giống như một “guồng quay”. Nếu không cho con chạy theo xu hướng học trước, chị lo là con sẽ không thể theo kịp các bạn.
“Nếu mọi người không cho con học tiền tiểu học, tôi cũng không áp lực cho con đi học trước. Ngày trước tôi đi học nhẹ nhàng, đến tuổi mới bắt đầu học chữ chứ không như con bây giờ, mọi thứ đều phải chuẩn bị sớm”, người mẹ tâm sự.
Bản thân áp lực với việc cho con học tiền tiểu học nhưng chị Vân không muốn tạo áp lực trực tiếp cho con mà vẫn để con học theo đúng sở thích và năng lực.
Ngoài 2 giờ học đọc, viết, chị Vân dành thời gian còn lại để con được nghỉ ngơi và tham gia hoạt động thể thao phù hợp lứa tuổi. Thông thường, sau khi học xong, chị lại cho con tắm rửa, ăn tối rồi dẫn con đi học trượt patin từ 19h30 đến 21h.
“Để con ghi nhớ những kiến thức được học, tôi thường dành ít phút hỏi bài con vào buổi tối, sau khi học trượt patin xong. Buổi sáng, khi con ngủ dậy, hai mẹ con lại cùng nhau hỏi - đáp những nội dung mà con đã được học”, chị Vân thông tin.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên không ủng hộ việc cho con học trước. Họ cho rằng điều này có thể tạo tâm lý chủ quan - "à, cái này mình đã biết" - cho trẻ khi vào học chính thức.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội nhận định việc cho con học thêm tiền tiểu học tùy thuộc vào nhu cầu mỗi gia đình nhưng không quá quan trọng bởi khi vào lớp 1, giáo viên sẽ dạy chương trình từ đầu, vẫn phải cầm tay nắn từng chữ.
Thực tế, nhiều trẻ không học tiền tiểu học nhưng đến khi học cùng nhau, chỉ khoảng một thời gian ngắn, con theo kịp, thậm chí ngang hoặc hơn các bạn học trước.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.