Theo đó, họ cần nộp hàng chục khoản như tiền học hè 150.000 đồng/cháu/20 buổi; dụng cụ vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây cảnh 40.000 đồng/cháu/năm; kế hoạch nhỏ 9.000 đồng/cháu/năm; bổ sung tu sửa cơ sở vật chất 300.000 đồng/cháu/năm.
Ngoài ra, trường còn thu phí bổ sung đồ dùng, sách thư viện 110.000 đồng/cháu/năm; học tin học (lớp 3,4,5) 90.000 đồng/cháu/năm; tu sửa hệ thống điện 40.000 đồng/cháu/năm; giáo dục ngoài giờ 10.000 đồng/cháu/tháng.
Giáo dục kỹ năng sống 50.000 đồng/cháu/tháng; hồ sơ, phiếu thi, tài liệu, học bạ 100.000 đồng/cháu/năm; học tăng buổi 10.000 đồng/cháu/buổi; quỹ dự phòng 50.000 đồng/cháu/năm…
Danh sách các khoản thu tại trường tiểu học Quảng Cát. Ảnh: N.D. |
Theo danh sách nhà trường thông báo, tất cả có trên 20 khoản phí, quỹ. Một phụ huynh bức xúc cho biết với từng ấy khoản thu, chị phải đóng gần 4 triệu đồng cho con.
"Khổ nhất là những gia đình có hai cháu học tại trường, đóng gần chục triệu mỗi năm. Ở địa phương, nhiều hộ còn rất khó khăn.
Tuy quá sức, chúng tôi vẫn cố lo đủ tiền đóng cho con học. Dù biết nhiều khoản không hợp lý, tôi không dám thắc mắc", chị nói.
Bà Đỗ Thị Thân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Cát - chia sẻ nhà trường có hơn 600 học sinh. Kế hoạch thu, chi các loại quỹ như trên là hợp lý, đúng quy định.
Nữ hiệu trưởng lý giải một số khoản như cơ sở vật chất, dụng cụ vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh, tu sửa điện, đồ dùng sách thư viện, trông giữ xe đạp.... là khoản xã hội hóa, thu theo thông báo của UBND xã.
Trường tiểu học xã Quảng Cát. Ảnh: N.D. |
Các khoản tiền dụng cụ cắt tỉa cây cảnh để thuê người làm việc này trong trường. Thu tiền cơ sở vật chất để làm sân chờ, mái tôn, đóng bàn ghế và lợp mái tôn. Thu phí tin học dùng nhằm trả lương cho giáo viên dạy Tin học (do nhà trường phải thuê giáo viên hợp đồng).
"Những khoản trên do phụ huynh không đi họp nên mới không nắm rõ và thắc mắc" - bà Thân nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cát - cho hay đầu năm, trường tiểu học Quảng Cát có văn bản gửi đến xã về việc thu, chi cho năm học 2016-2017.
Qua đó, xã đã tổ chức hội nghị và đi đến thống nhất cho trường thu 7 loại quỹ như cơ sở vật chất; đồ dùng dạy, sách thư viện; dụng cụ vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh; tiền điện; quỹ cha mẹ học sinh; nước uống và gửi xe đạp.
Ngoài ra, các khoản thu dịch vụ do nhà trường và hội phụ huynh bàn bạc, không báo nên xã không nắm được.
"Nhiều khoản thu đến bây giờ nhận được phản ánh chúng tôi mới biết được. Thời gian tới, xã sẽ cử cán bộ xuống để nắm lại thông tin" - ông Tuấn nói.
Trước đó, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa - đã ký văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm thu, yêu cầu các trường đã thu những khoản trái quy định phải hoàn trả cho cha mẹ học sinh chậm nhất vào ngày 20/10.
Sau ngày này, đơn vị cố tình vi phạm, còn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.