Chiều 8/5, phụ huynh trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (TP.HCM) nhận được bảng kê học phí chi tiết và chương trình học sau khi học sinh trở lại lớp.
Theo nhà trường, học phí đã được tính và giảm trên số ngày thực học của học sinh. Trong khi đó, một số phụ huynh cho rằng nhà trường kéo dài năm học, dạy bù để thu tiền.
Bảng kê chi tiết học phí của con chị K.M. được trường gửi ngày 8/5. Ảnh: PHCC. |
Phụ huynh thắc mắc việc kéo dài năm học
Chị K.M, phụ huynh có con học lớp 6 tại trường cho biết khi nhận được bảng kê chi tiết học phí học phần 3 và học phần 4, chị không hiểu tại sao lại cao hơn mức học phí bình thường.
Cụ thể, học phần 3 (từ ngày 2/1 đến 13/3), học phí niêm yết là hơn 50 triệu đồng. Con chị K.M. học trực tiếp 4 tuần (từ ngày 2/1 đến 31/1), được tính học phí là 21 triệu đồng.
Thời gian con chị học online 4 tuần (từ ngày 17/2 đến 13/3), học phí được tính khi đã giảm 70%, còn 6 triệu đồng. Sau khi trừ học phí học trực tiếp và online, Chị K.M. được trả lại 23,2 triệu đồng.
Trong học phần 4, tổng học phí theo niêm yết là hơn 50 triệu đồng. Trong đó, con chị học online gần 8 tuần (từ ngày 16/3 đến 7/5), trường thu 30% là 11,8 triệu đồng. Từ ngày 8/5 đến 15/7 (10 tuần), học sinh sẽ đi học bình thường tại trường với số học phí được thu là 49,5 triệu đồng.
Ngoài ra, trường còn thông báo dạy bổ sung một tiết mỗi ngày. Tổng số tiết bổ sung này cộng lại bằng 2 tuần học và trường thu thêm 10 triệu đồng.
Như vậy, tổng số học phí nữ phụ huynh phải đóng cho học phần 4 là hơn 71,2 triệu đồng, cao hơn 20 triệu đồng so với học phí được niêm yết.
Chị K.M. đặt câu hỏi tại sao trường phải dạy bù thêm đến 10 tuần và bổ sung tiết mỗi ngày (cộng lại bằng 2 tuần học).
"Thay vì học 20 tuần, trả học phí 20 tuần, học sinh phải học và trả học phí 100% cho 16 tuần cộng thêm 12 tuần học online", chị K.M. nói.
Cũng với cách tính như trên, chị T.P., có con học lớp 8 tại trường, phải nộp học phí học phần 4 là 79,3 triệu đồng. Trong khi, học phí niêm yết là 56,8 triệu đồng.
Người này cho rằng Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình, nên chưa đồng ý với cách giải quyết trên của trường.
Anh T.T., phụ huynh học sinh tại cơ sở Ba Tháng Hai, cũng không đồng ý với mức thu 30% học phí trong thời gian dạy online. Theo anh, mức học phí cho việc dạy học online là 10-15% mới hợp lý.
"Tôi gọi lên trường để bày tỏ ý kiến và nhận được giải thích rằng 30% học phí bao gồm học phí online và tất cả chi phí để trường duy trì vận hành, sẵn sàng hoạt động lại khi Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu. Trường mong được phụ huynh chia sẻ trong mùa dịch", anh T. cho biết.
Phụ huynh phản đối chính sách học phí của trường Việt Úc ngày 5/5. Ảnh: H.L. |
Trường sẽ gặp mặt trực tiếp để giải thích
Trước những thắc mắc của phụ huynh, Zing đã trao đổi với đại diện trường Dân lập Quốc tế Việt Úc.
Theo thông tin gửi báo chí ngày 9/5 của nhà trường, những người có thắc mắc về chương trình học và bảng kê chi tiết học phí, trường sẽ tổ chức gặp mặt trực tiếp để giải đáp cho phụ huynh.
Về việc thu học phí online, trường Việt Úc thông tin mức thu được căn cứ học phí niêm yết đã được phụ huynh đồng thuận từ đầu năm học và trường tuân thủ các quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM, Bộ GD&ĐT về việc dạy và học online trong thời gian nghỉ dịch.
Giải thích về việc điều chỉnh thời gian năm học đến ngày 15/7, trường cho rằng đây là biện pháp giúp học sinh có thể vượt qua các kỳ thi trong năm nay và sẵn sàng bước vào năm học mới. Đồng thời, trường cũng tuân thủ quy định về thời gian học bổ sung của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Trao đổi thêm với Zing chiều 9/5, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, xác nhận những thông tin phản hồi trên từ phía nhà trường. Bà sẵn sàng làm việc, trả lời những câu hỏi của phỏng viên trong buổi làm việc trực tiếp vào tuần tới.
Trước đó, trong tháng 4, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc thông báo thu 100% học phí học phần 4, khiến nhiều phụ huynh phản đối.
Ngày 2/5, trường thông báo giảm 70% học phí bậc tiểu học và trung học trong thời gian nghỉ, phải học online, miễn 100% học phí đối với bậc mầm non.
Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng học sinh chỉ bắt đầu học online từ cuối tháng 3, trong khi trường thu 30% học phí tính từ khi học sinh nghỉ (cuối tháng 1) là không hợp lý.
Ngày 5/5, hàng trăm phụ huynh cùng lên trường, căng băng rôn, biểu ngữ phản đối và đề nghị được đối thoại với nhà trường. Sau một ngày chờ đợi, các phụ huynh vẫn chưa được đối thoại với nhà trường.