Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Phụ huynh thương con vất vả khi trường lớp Hà Nội quá tải

Năm học tới, số học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng mạnh khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên, lo trường lớp công lập tiếp tục quá tải.

si so lop qua tai anh 1

Năm học vừa rồi, nhiều lớp tiểu học ở Hà Nội có sĩ số trên 50 học sinh, vượt xa quy định 35 học sinh/lớp. Ảnh minh họa: H.H.

“Quá tải" là 2 từ mà chị Thanh Lương (quận Thanh Xuân) nhắc đến khi nói về sĩ số lớp của con trai (sinh năm 2012) đang theo học tại một trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân.

2012 là năm có tỷ lệ sinh tăng đột biến, chính vì vậy, những năm học mẫu giáo, sĩ số lớp con trai chị Lương cũng lên đến 75 trẻ/lớp. Năm năm vừa rồi, ở bậc tiểu học, sĩ số cũng duy trì mức 65-67 học sinh/lớp.

“Lớp ít nhất cũng có tới 60 học sinh, trong khi các khối khác chỉ 50 học sinh/lớp. Các cháu cứ lớn dần nhưng phòng học, bàn ghế 5 năm vẫn không thay đổi", chị Lương chia sẻ.

Lo chất lượng giáo dục không đảm bảo

Trao đổi với Zing, chị Lương cho biết sĩ số lớp đông, giáo viên cũng phải mất cả tháng để nhớ hết tên học sinh cả lớp. Đến bây giờ, cô vẫn hay nhầm tên con chị với một bạn khác do 2 bạn có ngoại hình hơi giống nhau. Ngoài ra, các con cũng rất bất tiện trong giờ nghỉ trưa bởi nhiều bạn trong lớp đã dậy thì.

Tuy nhiên, điều chị Lương lo nhất vẫn là chất lượng giáo dục khó đảm bảo khi giáo viên khó sát sao từng học sinh. Theo vị phụ huynh này, để con không bị rơi rớt kiến thức, nhiều nhà phải khắc phục bằng cách cho con đi học thêm bên ngoài.

“Biết là lớp đông, chất lượng khó đảm bảo nhưng phụ huynh cũng phải chấp nhận bởi nhiều trường công ở nội thành cũng thế. Phương án cho con học trường tư cũng khó bởi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế", chị Lương cho biết.

Chỉ vài tháng nữa, con sẽ bước sang cấp học mới, chị Lương dự tính vẫn cho con học trường công lập. Nhưng với tình hình Hà Nội tăng mạnh số lượng học sinh vào lớp 6, người mẹ này phân vân thêm phương án cho con học trường tư.

Theo chị, hiện một số trường THCS ngoài công lập có chính sách tuyển thẳng hoặc cộng điểm khi chuyển tiếp lên bậc THPT cùng hệ thống. Như vậy, nếu học trường tư từ bây giờ, 4 năm nữa, gia đình chị cũng đỡ căng thẳng khi con chuyển cấp lên lớp 10.

si so lop qua tai anh 2

Với tình hình Hà Nội tăng mạnh số lượng học sinh vào lớp 6, chị Lương phân vân phương án cho con học trường tư. Ảnh: NVCC.

Tương tự, cũng có con đang học tại một trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân, chị Hoàng My cho biết sĩ số lớp con cũng đến 50 học sinh. Lớp đông, chị My thương con phải ngồi chật chội, ghép 3 bạn/bàn.

“Nhất là vào mùa hè, điều hòa không mát, quạt xuống cấp mà lớp đông quá, các con học hành cũng vất vả hơn", chị My cho hay.

Sắp tới, con lên lớp 6, chị My cũng lo trường lớp tiếp tục quá tải. Dù vậy, người mẹ này cho rằng khi xác định cho con học công lập, phụ huynh cũng phải chấp nhận một số nhược điểm.

Trong khi đó, chị N. Phượng (có con học tại trường tiểu học công lập ở quận Hoàng Mai) cho biết do trường thiếu phòng học, kể từ khi vào lớp 1, con chị đã phải học luân phiên. Nghĩa là trong tuần, con được nghỉ thứ tư và đi học bù vào thứ bảy.

Việc con học luân phiên như vậy khiến gia đình chị gặp nhiều bất tiện. Chị Phượng ví dụ cuối tuần, gia đình muốn về quê hay đi chơi cũng khó bởi con lại phải nghỉ học. Chưa kể, con được nghỉ giữa tuần, bố mẹ lại phải tìm lớp cho con học thêm, tránh việc con ở nhà một mình.

“Sĩ số lớp con là 50 bạn. Sắp tới, bé thứ 2 cũng vào cấp một, gia đình đang lo ngại tình trạng trên tiếp diễn với cả 2 bạn”, chị Phượng chia sẻ.

Nhà trường, giáo viên cũng gặp khó

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tại bậc tiểu học, mỗi lớp học không được quá 35 học sinh. Đối với cấp THCS và THPT, do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh. Tuy nhiên, tại nhiều quận ở Hà Nội, sĩ số trung bình vượt xa con số quy định.

Năm học 2022-2023, tại các khu vực quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, nhiều lớp tiểu học có sĩ số trên 50 học sinh. Theo ghi nhận của Zing, thậm chí có lớp học trên 60 học sinh/lớp.

Tại quận Hà Đông, năm học hiện tại, sĩ số trung bình ở bậc tiểu học là 49,7 học sinh/lớp, con số này ở bậc THCS là 42,7 học sinh/lớp. Tại quận Bắc Từ Liêm, sĩ số trung bình bậc tiểu học, THCS hiện là 42 học sinh/lớp, trong đó có lớp trên 50 em.

Hay như ở huyện ngoại thành Thanh Trì, sĩ số trung bình ở bậc tiểu học cũng lên đến 42,5 học sinh/lớp.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học tới, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng mạnh. Dự kiến, số lượng học sinh vào lớp 1 toàn thành phố tăng 11.004 em so với năm học trước.

Trong đó, quận Hoàng Mai có số lượng tăng lớn nhất, tăng 3.823 em so với năm học trước và tăng 3.086 em so với lớp 5 sắp ra trường. Tương ứng quận này cần bổ sung 88 phòng học.

Riêng học sinh vào lớp 6, số lượng cũng tăng thêm 38.519 em so với năm học trước, còn so với lớp 9 sắp ra trường, con số tăng lên là 59.158 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu phòng học cho số lượng học sinh vào lớp 6 tăng lên, tính theo quy định không quá 45 học sinh/lớp, Hà Nội cần bổ sung 1.315 phòng học. Trong đó, các quận cần bổ sung nhiều nhất là Hà Đông (116 phòng), Hoàng Mai (77 phòng), Nam Từ Liêm (74 phòng).

Không chỉ học sinh, việc sĩ số lớp quá đông cũng khiến giáo viên, nhà trường gặp khó khăn.

Trao đổi với Zing, giáo viên một trường tiểu học tại quận Hà Đông cho biết khi sĩ số lớp đông, việc giáo viên sát sao được từng học sinh là rất khó. Nếu không tập trung, học sinh sẽ không thể tiếp thu bài, dần dần bị mất kiến thức.

“Khó khăn nhất vẫn là học sinh lớp 1. Thời lượng tiết học quy định ở bậc tiểu học là 35 phút/tiết. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, giáo viên vừa phải ổn định trật tự lớp, đồng thời thực hiện các công tác giảng dạy khiến cho việc duy trì nề nếp và nắm bắt từng học sinh rất khó khăn", giáo viên này chia sẻ.

Không những vậy, theo cô giáo này, khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng, việc sĩ số lớp quá đông sẽ khó đảm bảo được chất lượng giáo dục cũng như mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh.

si so lop qua tai anh 3

Không chỉ học sinh, việc sĩ số lớp quá đông cũng khiến giáo viên, nhà trường gặp khó khăn. Ảnh minh họa: H.H.

Trong khi đó, tại trường Tiểu học Hoàng Liệt, lãnh đạo nhà trường cho biết nhiều năm nay, do không đủ cơ sở vật chất, nhà trường buộc phải dạy học luân phiên cả cuối tuần. Nghĩa là các lớp phải thay nhau nghỉ một ngày trong tuần và học cả thứ bảy. Bên cạnh đó, cũng bởi sĩ số học sinh cao mà đến năm 2022, trường Tiểu học Hoàng Liệt vẫn chưa thể đạt trường chuẩn quốc gia, mặc dù đã có lộ trình.

Cơi nới trường học cho năm học tới

Năm học tới, để đảm bảo đủ chỗ học, tránh quá tải cục bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn áp dụng nguyên tắc tuyển sinh theo tuyến. Trong khi đó, các quận cũng rà soát cơ sở vật chất, tìm phương án cải tạo, mở rộng hoặc xây mới phòng, trường học.

Trao đổi với Zing, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, cho biết năm nào, số học sinh đầu cấp ở quận cũng tăng. Năm nay, riêng học sinh vào lớp 6 dự kiến tăng nhiều hơn mọi năm.

Chuẩn bị cho năm học tới, quận Hà Đông đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên tại các trường như THCS Văn Yên, Tiểu học Nguyễn Trãi, Mầm non La Dương… Bên cạnh đó, quận cũng tăng cường rà soát, lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp và tiếp tục xây dựng thêm phòng học, trường học mới.

Bà Hằng cũng cho hay hiện quận Hà Đông có 41 trường tư thục. Điều này cũng phần nào làm giảm áp lực sĩ số ở các trường công lập. Chính vì vậy, quận cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.

Tại quận Nam Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết quận cũng đang gấp rút tu bổ, cơi nới phòng học. Dự kiến đến năm 2025, quận sẽ xây thêm 4 trường mới.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cho biết huyện đã cho xây thêm phòng học mới tại các trường. Bên cạnh đó, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện các trường ngoài công lập đã khôi phục, hỗ trợ giảm sĩ số cho trường công.

Vị này đảm bảo Thanh Trì đủ chỗ học năm tới, kể cả những điểm nóng như Tứ Hiệp, Thanh Liệt, Văn Điển. Vì vậy, phụ huynh có thể yên tâm.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên

Phụ huynh Hà Nội chật vật tìm trường cho con

Mùa tuyển sinh đang đến gần, thời điểm này, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đang phải đau đầu, chật vật để con được học trường mầm non, tiểu học công lập.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm