"Bản thân tôi là một phụ nữ ngoài 40, nhưng khi đọc những câu văn này, tôi còn đỏ mặt tía tai, huống hồ gì bé con nhà tôi chỉ là một học sinh lớp 11 vẫn còn non nớt. Tôi ngồi đọc sách cùng con mà giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm như vậy để dạy cho học sinh".
Khi đọc những chia sẻ của phụ huynh A.L., phụ huynh trong vụ học sinh trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) được giáo viên cho đọc sách chứa nội dung 18+, chị Hà Anh (Hà Nội) nói rằng người mẹ phản ứng như vậy là điều dễ hiểu và có thể thông cảm được.
Nếu điều đó xảy ra với con trai, có thể chị Hà Anh cũng sẽ có phản ứng như vậy vì giáo viên đã quá sơ suất khi để trẻ tự đọc sách có nội dung không phù hợp.
16-17 tuổi chưa thể đọc sách 18+
Là mẹ của một bé trai đang ở tuổi dậy thì, chị Hà Anh nhận định việc giáo dục giới tính cho con từ sớm là điều cần thiết, nhưng hình thức giáo dục cho con rất quan trọng để đảm bảo con hiểu đúng những kiến thức về giới tính, tình dục và xu hướng tính dục.
Nếu con trai được giáo viên cho đọc sách có nội dung 18+ như trường hợp của con chị A.L., chị Hà Anh sẽ yêu cầu giáo viên giải thích về hình thức giáo dục này, đồng thời trao đổi với con rằng những nội dung trong sách chưa phù hợp với lứa tuổi của con hiện tại.
Theo đó, chị sẽ hướng dẫn con tìm kiếm những thông tin, đầu sách giáo dục giới tính khoa học, phù hợp với lứa tuổi của con. Tùy thuộc độ tuổi, người mẹ đưa ra các kiến thức để con tiếp nhận dần.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giáo dục giới tính sớm nhưng với phương pháp khoa học và được hướng dẫn từ các giáo viên, chuyên gia có chuyên môn. Việc để các con tự tìm hiểu bằng hình thức đọc sẽ gây ra các hiểm họa khôn lường từ việc tưởng tưởng, hành động mà không biết đúng hay sai”, chị Hà Anh nêu quan điểm.
Từ khi con lên lớp 1, chị Triệu Biển đã cho con gái đọc các cuốn sách về giáo dục giới tính phù hợp với độ tuổi. Ảnh: NVCC. |
Chung quan điểm với chị Hà Anh, chị Triệu Biển (Hà Nội) nói rằng ở độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ có những thay đổi về tâm sinh lý. Giai đoạn này, nhu cầu trẻ tự khẳng định bản thân rất cao và các con thường dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn là gia đình.
Khi dậy thì, trẻ gặp nhiều áp lực trong học tập và các mối quan hệ. Độ tuổi “ẩm ương” này cũng là khi các con có nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn nếu không được hướng dẫn, giáo dục giới tính đúng cách.
Chị Biển nói thêm việc cho con đọc sách là rất tốt. Bản thân chị cũng cho hai con đọc sách về giáo dục giới tính ngay từ lớp 1, nhưng sẽ có chọn lọc những đầu sách dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi của con. Khi con lớn, chị cũng sẽ “nâng cấp” nội dung sách để con hiểu hơn về cơ thể mình, từ đó biết cách bảo vệ bản thân.
Về việc giáo viên trường Quốc tế TP.HCM cho trẻ đọc sách chứa nội dung 18+, chị Biển không khuyến khích việc này, dù một số phụ huynh nói trẻ 16-17 tuổi đã có thể đọc được.
Theo chị, việc giáo dục giới tính không đồng nghĩa với việc cho con đọc nội dung 18+ khi con chưa đủ tuổi. Khi trẻ chưa đủ trưởng thành về mặt tâm, sinh lý, các con dễ tò mò, quan tâm đến cơ thể. Chính những nội dung 18+ trong sách có thể sẽ trở thành tác nhân kích thích hành vi quan hệ tình dục không an toàn ở trẻ.
Do đó, người mẹ cho rằng phụ huynh, nhà trường chỉ nên cho trẻ đọc sách đúng với mục tiêu giáo dục (trở thành người tự lập, trưởng thành, có trách nhiệm, biết yêu thương…) và đúng độ tuổi - có thể bổ trợ cho những lý thuyết trong sách giáo khoa.
“Tôi từng đọc một bài viết về bộ não của con người, nôm na là ‘món ăn’ yêu thích của bộ não là sự tưởng tượng, những thông tin tiếp nhận vào não bộ chính là ‘nguồn thức ăn’ để nó tưởng tượng. Vậy nên, ở độ tuổi gần trưởng thành, người lớn chỉ nên cho con tưởng tượng những thứ phù hợp với độ tuổi”, chị Biển nói với Tri thức - Znews.
Đừng lấy cớ "con lớn con tự biết"
Thảo luận về việc phụ huynh trường Quốc tế TP.HCM phản ứng khi con được cho đọc sách có nội dung 18+, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), nói rằng người mẹ trong câu chuyện trên có những phản ứng gay gắt như vậy là điều có thể hiểu được vì cha mẹ nào cũng lo lắng và yêu thương con.
Trong trường hợp này, dựa vào những đoạn văn do phụ huynh chia sẻ lên mạng, anh An nhận thấy đây không phải là thể loại sách khoa học nhằm trang bị kiến thức về giới tính, tình dục an toàn cho học sinh mà là một tác phẩm văn học.
Do là sách văn học, những câu từ, lời lẽ bên trong sẽ có phần bay bổng, gợi hình, từ đó gây ra cảm giác phản cảm, trần trụi.
“Phải thừa nhận những tác phẩm tương tự không khó để tìm mua hay đọc trên mạng, nhưng việc trẻ đọc sách xuất phát từ đề xuất của thầy cô hoặc nhà trường lại là một câu chuyện khác. Lý do là sản phẩm giáo dục cần được sàng lọc kỹ lưỡng, được đánh giá từ nhiều mặt như giáo dục, sức khoẻ, tâm lý, pháp lý... để tránh gây ra những hiểu lầm không đáng có cho học sinh và phụ huynh”, anh Tâm An nêu quan điểm.
Nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An trong một buổi tư vấn về tình dục an toàn cho sinh viên. Ảnh: NVCC. |
Nói thêm về việc trẻ tiếp xúc với nội dung 18+ ở độ tuổi đi học, anh Tâm An cho biết ngay từ giai đoạn dậy thì, các em đã có sự tò mò về cơ thể, về sự tương tác với thế giới xung quanh và hình thành nhu cầu tình dục.
Chuyên viên tâm lý nêu rằng những quan niệm như "con lớn lên tự động biết" hoặc "con còn nhỏ, chưa biết gì" là những nhận định có phần ngây thơ từ phía người lớn. Việc cha mẹ ngăn cấm trẻ tiếp cận với kiến thức giáo dục giới tính và tình dục an toàn chính là đang đi ngược lại với việc trang bị “bộ lọc”, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân.
Thực tế khi tiếp xúc với học sinh thông qua những buổi tư vấn trực tiếp hay những chia sẻ trên mạng xã hội, anh Tâm An thấy rằng đa phần học sinh đã tò mò, tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội từ giai đoạn dậy thì.
Nếu thiếu vắng sự hướng dẫn, trò chuyện, định hướng một cách khoa học, các em dễ đưa ra những quyết định sai lầm, gây tổn hại đến sức khỏe sinh sản và tinh thần của bản thân và người các em yêu thương.
Tuy nhiên, một điều mà anh An lưu ý là việc tiếp cận với văn hoá phẩm đồi truỵ trên internet không được xem là cách giáo dục giới tính.
Mục đích của những sản phẩm này là gợi dục, hoặc cài cắm quan điểm sai lầm về tình dục an toàn nên không thể giúp trẻ trang bị kiến thức về biện pháp phòng tránh thai hoặc phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục.
Do đó, khi phát hiện con tiếp cận với nội dung 18+ như phim ảnh, truyện, sách… anh An khuyên phụ huynh không nên hoảng loạn, la mắng, ngăn cấm con một cách cực đoan, vì điều đó dễ gây ra tác dụng ngược, con sẽ tìm cách che giấu tinh vi hơn. Hoặc khi đối mặt với những rủi ro trong vấn đề tình dục, con sẽ không tìm đến gia đình như một nơi an toàn để chia sẻ.
Vì vậy, trước hết phụ huynh có thể cập nhật các kiến thức về giáo dục giới tính toàn diện thông qua các ấn phẩm, tài liệu tập huấn chính quy từ Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế... hoặc các video từ các chuyên gia tâm lý, y tế, giáo dục... để tìm hiểu thêm.
Sau đó, phụ huynh hãy cùng con thảo luận về những trường hợp có thể xảy ra như: Lần đầu có kinh nguyệt hoặc mộng tinh; con có nhu cầu thủ dâm; con có những xúc cảm, hấp dẫn giới tính với người cùng hoặc khác giới; những biện pháp phòng tránh thai ngoài ý muốn và hạn chế bệnh lây qua đường tình dục...
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần khuyến khích nhà trường nghiên cứu, tổ chức những buổi tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính để các con được tiếp cận một cách đúng đắn, khoa học với những chuyên gia trong lĩnh vực này.
“Quan trọng hơn, sự chủ động cập nhật, trao đổi giữa phụ huynh và con cần diễn ra từ giai đoạn tiền dậy thì, đến dậy thì, và trưởng thành. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, mức độ kiến thức và nội dung chia sẻ cũng khác nhau để phù hợp với con”, anh An nhấn mạnh.
Theo tiêu chuẩn của WHO hiện nay, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện bao gồm 3 thành tố cơ bản: Chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì; xu hướng tính dục, bản dạng giới, tôn trọng sự đa dạng tính dục; tình dục an toàn, bao gồm biện pháp phòng tránh thai, đồng thuận trong tình dục..
Những kiến thức này vốn được xây dựng bài bản, tiếp cận một cách khoa học, có lớp lang, từ đó giúp trẻ hình thành thái độ đúng đắn về tính dục, tình dục của bản thân và tôn trọng người khác trong giao tiếp, ứng xử. Những buổi tư vấn, giáo dục giới tính cũng được thiết kế, trình bày bởi những chuyên gia trong lĩnh vực y tế, tâm lý, giáo dục... và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc hoặc hiểu lầm của trẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.