Đóng học phí là bài toán khiến nhiều phụ phải cân nhắc kỹ. Ảnh: Pexels. |
“Học phí trường ngoài công lập nào cũng có chiết khấu, nhưng chỉ trên danh nghĩa thôi chứ thực ra lạm phát thực tế còn nhiều hơn mức giảm”.
Đây là những chia sẻ của chị Võ Thi khi nói về các chính sách chiết khấu, giảm học phí ở trường quốc tế. 6 năm cho con theo học một trường quốc tế ở TP.HCM, chị Thi nhận thấy việc đóng trước học phí cho cả năm học vừa có lợi, nhưng thực tế vẫn có những hạn chế nhất định.
Lợi ích
Mong muốn con được phát triển toàn diện, không bị áp lực quá nhiều bài vở, chị Thi cho con học tại một trường quốc tế ở TP.HCM với mức học phí dao động từ 140-500 triệu đồng/năm.
Giống như nhiều trường quốc tế khác, trường của con chị Thi có chính sách giảm 5% học phí nếu phụ huynh đóng trước cho cả năm học và giảm 3% nếu đóng theo từng kỳ học.
Từ khi cho con đi học, chị Thi đã chọn đóng học phí theo năm để được hưởng mức chiết khấu lớn nhất, tương đương với vài chục triệu đồng cho một năm học.
Nhưng lý do lớn hơn cả là chị muốn có sự an tâm để con ổn định đi học trọn vẹn một năm. Nếu có ý định chuyển môi trường học tập mới cho con, chị cũng có thêm thời gian để tìm hiểu.
Trước khi đăng ký học cho con, phụ huynh tìm hiểu kỹ về các chính sách học phí, chiết khấu của trường. Ảnh minh họa: Pexels. |
Tương tự, trao đổi với Tri thức - Znews, chị Phạm Quỳnh (sống tại Hà Nội) cho biết hiện chị có 2 con cùng theo học tại một hệ thống trường tư thục trên địa bàn. Học phí mỗi tháng khoảng 17-18 triệu đồng cho cả 2 bạn.
Theo chị Quỳnh, hàng năm, cứ đến đầu năm học, chị đều nhận được biểu phí tài chính từ nhà trường. Theo đó, nếu đóng học phí cả năm (một lần vào đầu năm học), chị sẽ được giảm 5% tiền học phí, còn nếu đóng theo kỳ (2 lần/năm học), chị sẽ được giảm 2%. Các trường ngoài công lập khác cũng có chính sách ưu đãi này.
Nữ phụ huynh đánh giá phương án này có một số mặt lợi. Thứ nhất, phụ huynh sẽ được chiết khấu, giảm học phí. Với những trường có học phí và mức chiết khấu cao, con số này không hề nhỏ, có thể lên đến vài chục triệu đồng.
“Đối với những phụ huynh dành riêng một khoản ngân sách để đóng học phí, thay vì gửi tiết kiệm không kỳ hạn với mức lãi suất thấp và hàng tháng rút ra để đóng học, họ có thể chọn đóng học theo kỳ, theo năm để nhận phần chiết khấu cao hơn. Những gia đình có 2-3 con cũng có thể áp dụng phương án đóng học phí này bởi số tiền được giảm sẽ là khoản lớn", chị Quỳnh đánh giá.
Thừa nhận đóng một lần cũng có nhiều cái lợi song với tình hình riêng của gia đình, chị Quỳnh quyết định đóng hàng tháng và cỉ nhận chiết khấu nhờ có hai con học tại trường. Ảnh: Phạm Quỳnh. |
Bên cạnh đó, nữ phụ huynh cũng nhận định nếu đóng học phí trước cả năm, hàng tháng, phụ huynh sẽ không phải nghĩ đến việc phải lo tiền học cho con, tránh những vấn đề như chậm nộp, không xoay xở kịp…
Cũng bàn về chuyện chiết khấu học phí, chị Nguyễn Thanh (TP.HCM) nói rằng việc các trường đưa ra chương trình chiết khấu là điều tốt vì giúp các phụ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, nhất là đối với các gia đình trung lưu, thu nhập không quá cao.
Tại trường của con chị Thanh, phụ huynh đóng học phí một năm trước thời hạn do trường quy định sẽ được giảm 5-10%. Như vậy, mức giảm cao nhất mà phụ huynh nhận được có thể lên đến 20 triệu đồng.
Chuyện gì cũng có rủi ro
Đánh giá chính sách chiết khấu học phí có mặt lợi, hấp dẫn phụ huynh, tuy nhiên, chị Nguyễn Thanh vẫn chọn đóng học phí theo từng kỳ dù xác định cho con học trường quốc tế lâu dài.
Chị cho hay gia đình không dám mạo hiểm đóng học phí "cả cục" vì sợ rủi ro. Vì vậy, việc đóng học theo từng kỳ sẽ đảm bảo mọi thứ đi theo đúng định hướng.
Nếu có tình huống không hay xảy ra, chị vẫn có thể chủ động rút hồ sơ để cho con học trường khác và tránh bị mất một số tiền lớn. Quan điểm này chị Thanh đã xác định ngay từ trước khi cho con theo học trường quốc tế.
Vị phụ huynh cho biết chị cũng từng được nhân viên trường giới thiệu về chính sách chiết khấu học phí, nhưng chị không quan tâm. Điều chị muốn không phải là được chiết khấu, mà là tìm được môi trường thực sự phù hợp cho con mình.
"Cá nhân mình cần mọi thứ phải rõ ràng, mà để rõ ràng thì mình cần thời gian để quan sát và tìm hiểu. Đó cũng là lý do mình không bao giờ đóng học phí trước cả năm", chị Thanh nói với Tri thức - Znews.
Học phí trường ngoài công lập thường khá cao, nhất là các trường quốc tế có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trong khi đó, khi nói về chương trình chiết khấu học phí, chị Võ Thi cho rằng chính sách này có thể đánh trúng tâm lý thích được giảm giá của phụ huynh. Nhưng thực tế, nếu so với mức tăng học phí thực tế của trường (trung bình mỗi năm tăng khoảng 8-10%) thì việc chiết khấu 5% không mang lại nhiều ý nghĩa.
Do đó, dù được chiết khấu hay không, chị Thi vẫn chọn đóng học phí cả năm cho con như một cách để “mua” sự yên tâm khi cho con đi học.
Tương tự, với mức chiết khấu 2-5%, so với lãi suất ngân hàng có kỳ hạn, chị Phạm Quỳnh đánh giá đây không phải là mức hấp dẫn. Bên cạnh đó, nhiều lý do khác khiến chị quyết định đóng học cho 2 con theo từng tháng.
Thứ nhất, gia đình chị làm kinh doanh, cần nguồn vốn lưu động, việc chi một khoản tiền lớn để đóng học rồi nhận mức chiết khấu thấp với chị là không cần thiết. Việc đóng học phí theo tháng cũng giúp chị dễ kiểm soát tài chính gia đình hơn.
Thứ hai, chị Quỳnh nhận định bộ phận kế toán của trường có phần không tốt, nếu đóng cả năm, nguy cơ có sai sót là rất lớn.
“Thực tế vào đầu năm học, khi đóng một số phí ban đầu, hệ thống kế toán của trường đã có một số lần tính toán sai, vậy nên tôi không tin tưởng", chị Quỳnh nói.
Nữ phụ huynh cũng nhận định trường không quyết toán hàng tháng mà đều để dồn đến cuối năm học. Lúc đó, phụ huynh cũng khó kiểm soát hết các vấn đề như số ngày nghỉ ăn bán trú của trẻ, các ưu đãi dành cho học sinh trong năm.
Nếu tính hàng tháng, số tiền có thể không nhiều nhưng nếu cộng dồn cả năm, đây sẽ là khoản tiền lớn. Phụ huynh không kiểm soát được sẽ dễ bị thiệt phần này.
Trong khi đó, nếu đóng theo từng tháng, chị Quỳnh có thể dễ dàng tra soát ngay khi đóng học và giải quyết ngay khi có vướng mắc. Bên cạnh đó, đóng theo tháng cũng là cách để chị theo dõi sát sao quá trình học của con cũng như kết nối với nhà trường.
“Nếu cứ đóng ‘cả cục' rồi bỏ bẵng, coi như hoàn thành nhiệm vụ, phụ huynh dễ bỏ qua các kế hoạch, sự kiện của nhà trường liên quan đến việc học của con”, chị Quỳnh nói.
Ngoài ra, nữ phụ huynh cũng đánh giá phương án đóng học trước rồi nhận chiết khấu cũng có một số hạn chế khác như không phải phụ huynh nào cũng có thể chuẩn bị khoản tiền lớn một lúc.
Với những trường mới thành lập, hoạt động chưa quy củ, hệ thống kế toán chưa rõ ràng, hoặc những trường hoạt động theo hình thức cổ phần, phụ huynh cũng dễ gặp rủi ro nếu trường có vấn đề về tài chính, không đủ ngân sách.
Ngoài ra, trong trường hợp phụ huynh có kế hoạch chuyển trường giữa chừng, nếu đóng cả năm hoặc cả kỳ, thủ tục hoàn lại tiền sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian, thậm chí khó được hoàn lại tiền nếu trường không có chính sách.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.