Ngày 27/9, học sinh tiểu học ở Singapore dự kỳ thi tốt nghiệp. Con trai của Serene Eng-Yeo (trợ giảng tại trường đại học) là một trong số đó.
Chứng kiến cảnh con chán nản và kể với mẹ việc cậu bé "chết lặng" khi đọc câu hỏi trong bài thi môn Toán, ngày 29/9, Serene quyết định viết thư, gửi đến tài khoản mạng xã hội của ông Ong Ye Kung - Bộ trưởng Giáo dục Singapore.
Bà mẹ Singapore gửi thư đến Bộ trưởng Giáo dục vì đề thi quá khó khiến con trai mình và nhiều đứa trẻ tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm nay nản lòng. |
Nội dung bức thư như sau:
Bộ trưởng Ong kính mến,
Xã hội chúng ta nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng và báo chí gần đây cũng rung chuông cảnh tỉnh về việc tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử ngày càng cao ở Singapore, đặc biệt ở nam sinh.
Ngày 5/8/2019, CNA báo cáo số vụ tự tử ở Singapore tăng 10% vào năm ngoái với số lượng nam sinh trong độ tuổi 10-19 ở mức cao kỷ lục. Bài báo có tiêu đề: MOE, MSF rất lo lắng về tình trạng tự tử ở giới trẻ.
Bài báo còn viết: "Chuyên gia nhận định vấn đề trong các mối quan hệ, áp lực học tập, sức ép từ bạn học và tương lai thiếu chắc chắn có thể là nguyên nhân khiến trẻ nghĩ đến chuyện tự tử".
Phải chăng những đứa trẻ thế hệ "dâu tây" của chúng ta quá mong manh, nên chúng phải chọn cái chết chỉ với lý do chính là không thể đối phó áp lực học tập?
Singapore là nhà vô địch PISA ở môn Toán và Khoa học năm này qua năm khác - báo chí chúng ta tự hào tuyên bố. Những đứa trẻ trở thành minh chứng cho thành công của hệ thống giáo dục, nhưng cái giá phải trả là gì?
Bài thi Toán kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) hôm thứ sáu gây đau đớn và tàn phá, khiến những đứa trẻ 11, 12 tuổi cảm thấy thất bại, bị đè nén và hoàn toàn nản lòng.
Thôi nào, nó chỉ là một kỳ thi - vấn đề lớn là gì? Cả ông và tôi không bao giờ hiểu được lòng dũng cảm của những đứa trẻ đã dành phần lớn thời gian thời tiểu học để luyện tập, học hỏi cho một kỳ thi. Thật không may, mọi nỗ lực của chúng chỉ để phục vụ cho 4 ngày "làm hay chết". Là phụ huynh Singapore, chúng ta muốn thoát khỏi nó không? CÓ! Nhưng chúng ta được lựa chọn sao? KHÔNG!
Liệu tôi có phóng đại quá chăng? Hoàn toàn không. Những đứa trẻ đó đã nỗ lực rất nhiều. Hàng giờ, hàng loạt kỳ thi, cố gắng không ngừng. Cùng đó là nước mắt, nỗi đau, đặc biệt với những trẻ không giỏi Toán.
Thưa ông, đừng nói với tôi về những điệp khúc xưa cũ - rằng tất cả điều này đều do phụ huynh kỳ vọng quá cao. Con tôi học Toán chỉ ở mức trung bình. Mọi điều tôi cầu nguyện, cũng như mọi điều cậu bé mong muốn, chỉ là nó có thể, tối thiểu, làm được bài và cảm thấy được cổ vũ.
Thế nhưng, bé lại cảm thấy tan nát, thất bại. Con nói với tôi rằng nó chết lặng khi đọc câu hỏi trong bài thi 2. Và tôi biết nó không phải đứa trẻ lớp 6 duy nhất cảm thấy như vậy.
Tại sao bài thi phải khó đến vậy? Liệu Bộ Giáo dục có thể giải thích lý do hợp lý đằng sau điều này không?
Bộ sẽ cần thuyết phục các bên rằng bài thi có tiêu chuẩn tương đương PSLE năm ngoái? Hay chúng ta định đổ lỗi cho trường học vì đưa ra đề thi không đúng tiêu chuẩn?
Đương nhiên không. Trường học rất nhân văn. Đề thi hợp lý và giúp trẻ cảm thấy có hy vọng, được khích lệ.
Con tôi đã mỉm cười khi về nhà sau kỳ thi thử, kể với tôi lần đầu tiên, nó cảm thấy đầy sức mạnh và được cổ vũ rằng có thể hoàn thành bài thi. Nó giúp con có động lực để học hành chăm chỉ cho bài thi Toán PSLE.
Bộ Giáo dục không thể im lặng mãi. Những người quan tâm đến giáo dục cần lời giải thích. Đừng gạt bỏ suy nghĩ của chúng tôi và cho rằng chúng tôi đang phóng đại hay phản ứng thái quá.
Serene Eng-Yeo hiện là trợ giảng tại một trường đại học. Ảnh: FBNV. |
Bộ chỉ cần soạn đề rồi chấm điểm nhưng lại gây ra vết sẹo với thế hệ tương lai mà bố mẹ chúng phải nhìn thấy và chữa lành trong cuối tuần này để đảm bảo nó không ảnh hưởng con cái trong hai bài thi tiếp theo hôm thứ hai và thứ ba.
Ra đề khó, đề có thể làm được, tôi đồng ý. Nhưng tôi không hiểu tại sao phải ra đề khó đến mức vô lý, để trẻ bật khóc, thoái chí, nản lòng và tan nát.
Phụ huynh phải làm dịu nỗi thất vọng của con bởi chúng còn hai bài thi nữa. Nỗi sợ hãi về những bài thi này sẽ chẳng bao phai mờ.
Chắc chắn. Sự bền bỉ, quá trình định hình tính cách và sức bật. Nhưng nếu bài thi ở mức độ mà người lớn cũng thấy khó thì hệ thống của chúng ta đang có lỗi. Đây không phải chủ đề mới. Bộ Giáo dục cũng nhận nhiều ý kiến lo ngại về tiêu chuẩn môn Toán quá cao nhưng không may, chẳng thay đổi được gì, đặc biệt trong năm nay. Điều này thật khó hiểu.
Nếu chúng ta muốn thế hệ trẻ của Singapore học tập suốt đời, biết yêu thương, luôn dũng cảm trước thất bại và dám phạm sai lầm, sáng tạo, tư duy đột phá, sở hữu năng lực của thế kỷ 21, hãy nhìn nhận lại việc thi cử và các vấn đề liên quan.
Nếu sau tất cả tháng, ngày và hàng giờ dồn nỗ lực, trẻ vẫn không thể giải được phần lớn bài thi Toán, tôi không nghĩ do trẻ chưa chuẩn bị mà chính chúng ta phải xem lại mình,
Đương nhiên, PSLE không để đánh giá trẻ. Nhưng việc phải ứng phó với nó ở độ tuổi 11, 12 thực sự tàn nhẫn.
Đừng nói về sức khỏe tâm thần hay mối lo lắng về cảm xúc của trẻ nếu chúng ta không thực hiện những gì mình rao giảng.
Trẻ em là sản phẩm do hệ thống tạo ra. Đừng đổ lỗi khi chúng chọn cách tự tử vì không thể thoát khỏi áp lực học hành. Bởi vì Singapore đã khiến PSLE thành kỳ thi quyết định tất cả, cũng kết thúc tất cả đối với học sinh 12 tuổi. Và nực cười là rời trường học, không ai quan tâm việc trẻ đạt điểm tốt nghiệp bao nhiêu. Không ai ghi điểm T tại PSLE vào hồ sơ của trẻ.
Tôi muốn hỏi tại sao lại biến PSLE 2019 thành ác mộng như vậy. Và trước khi thi nốt 2 môn, chúng vẫn phải trải qua cuối tuần trong sợ hãi, băn khoăn liệu hai bài thi kế tiếp có khó hơn, làm thế nào để đối mặt với kỳ thi.
Tốt thôi. Khiến trẻ trở nên rắn rỏi hơn chút.
Không! Không phải khi chúng còn quá nhỏ, vẫn ám ảnh bởi kỳ thi quốc gia và khi mầm mống sự bất ổn tinh thần có thể nảy sinh.
Nếu thực sự quan tâm sức khỏe tâm thần của trẻ, chúng ta còn nhiều cách để rèn luyện sức bền, ý chí cứng cỏi cho các bé. Đừng thử thách chúng những thứ nằm ngoài khả năng của những bộ não còn non nớt.
Từ một phụ huynh quyết liệt bảo vệ sức khỏe tâm thần cho con mình.
Dưới bức thư, Serene Eng-Yeo gửi kèm hình ảnh một số câu hỏi lan truyền trên Internet vì quá khó. Nhiều người vào bình luận, đặt câu hỏi về sự chênh lệch trong độ khó của bài thi năm nay so với các năm trước.
Chia sẻ với The Independent Singapore, Serene cho biết con trai bà đánh giá đề thi "siêu khó" và không thể làm hết câu hỏi ở bài 2. Cô hỏi một số học sinh khác và họ cũng nhận xét tương tự.