Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh yêu cầu nam sinh bắt nạt bạn học phải chuyển trường

Nhóm phụ huynh tại Trung Quốc đã kiến nghị chuyển trường một nam sinh 7 tuổi do em này thường xuyên gây rối lớp và khiến các bạn cùng lớp hoảng sợ.

46 vị phụ huynh đã yêu cầu nhà trường chuyển nam sinh có hành vi hung hang sang học trường khác. Ảnh: SCMP.

Vụ việc xảy ra tại một trường tiểu học ở Vũ Hán (Trung Quốc). Cậu bé 7 tuổi có biệt danh là Xiaoming, thường xuyên có hành vi hung hăng, bao gồm đánh đập, xúc phạm và hăm dọa bạn cùng lớp.

Sau nhiều lần bị nhắc nhở nhưng không có tiến bộ, 46 vị phụ huynh đã yêu cầu nhà trường chuyển em sang học trường khác trước ngày 30/4. Ngoài ra, các phụ huynh cũng đề nghị lắp đặt camera giám sát trong lớp học vì lo ngại cho sự an toàn của con em mình.

Sự việc khiến các phụ huynh bức xúc nhất xảy ra vào ngày 29/3 - chỉ một ngày sau khi bị giáo viên khiển trách vì bắt nạt các bạn khác - Xiaoming đã đá một bạn cùng lớp 3 lần.

"Sau sự cố, phụ huynh của Xiaoming cùng giáo viên và các phụ huynh khác đã đưa Xiaoming đi khám bệnh ngay lập tức. Tuy nhiên, hành vi hung hăng của cậu bé vẫn tiếp diễn", một lãnh đạo nhà trường nói với CNR News.

Sau đó, hành vi bắt nạt của Xiaoming càng khiến phụ huynh nạn nhân bức xúc. Ngày 1/4, họ bày tỏ lo ngại trong một nhóm chat và gửi chung một đơn, yêu cầu nhà trường chuyển em sang trường khác.

Tuy nhiên, chị Wang, mẹ của Xiaoming lại cho rằng hành vi của con trai xuất phát bởi hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Trước đó, chị Wang đã đưa con đi bệnh viện để kiểm tra.

"Kết quả kiểm tra cho thấy con có thể mắc chứng ADHD, nhưng bác sĩ không có chẩn đoán chính thức hoặc kê thuốc điều trị", chị Wang nói.

Tuy nhiên, nhà trường bác bỏ tuyên bố của chị Wang, khẳng định rằng Xiaoming dù mới nhập học vào tháng 2 nhưng đã liên tục vi phạm kỷ luật và có hành vi hung hăng với các bạn cùng lớp. Ngày 1/4, cậu bé đã được bố mẹ đón về nhà và đang học online.

Xiaoming sẽ quay lại trường vào tháng 5, sau khi nhà trường đánh giá lại hành vi của em và cân nhắc việc bố mẹ sẽ ở lớp học cùng em trong một thời gian.

Câu chuyện của Xiaoming khiến mạng xã hội Trung Quốc nổ ra cuộc tranh luận giữa các bậc phụ huynh. Nhiều người có hoàn cảnh tương tự bày tỏ sự khó chịu và bức xúc.

"Là người mắc ADHD, tôi hiếm khi làm phiền các bạn học khác. ADHD không đồng nghĩa với hành vi xấu", một người viết.

"Đây không chỉ là vấn đề ADHD. Đó là thiếu kỷ luật. Con trai của hàng xóm tôi ở trường mầm non rất hỗn hào và hung hăng, nhưng bố mẹ lại nghĩ cháu ấy là đứa trẻ có tiềm năng", một người khác bình luận.

"Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được sự bức xúc của 46 vị phụ huynh đã gửi đơn yêu cầu", một người khác viết.

Theo SCMP, bắt nạt học đường đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tháng 3/2024, một học sinh tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã bị 6 bạn cùng lớp hành hung dã man, ép phải quỳ gối và ăn thủy tinh.

Cùng khoảng thời gian đó, một học sinh ở Hà Bắc (Trung Quốc) từng bị bạn bè bắt nạt trong thời gian dài đã bị sát hại. Xác em được chôn trong nhà kính bỏ hoang, mặt mũi biến dạng do bị đánh bằng xẻng.

Để ứng phó với tình trạng bạo lực học đường leo thang, trường Aofeng ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã lắp đặt hệ thống báo động trong khuôn viên trường, bao gồm cả nhà vệ sinh.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Nữ sinh Trung Quốc tử vong sau khi giáo viên ép chạy thể dục

Một sinh viên tại Trung Quốc đã qua đời sau khi bị giáo viên ép tham gia hoạt động thể dục, bất chấp có tiền sử bệnh tim bẩm sinh.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm