Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thế hệ tìm nơi 'trú ẩn' an toàn tại Trung Quốc

Trong những phòng tự học tại Trung Quốc, sự gián đoạn sẽ biến mất, nguy cơ tương tác xã hội không mong muốn cũng giảm thiểu.

Những phòng tự học hạn chế việc giao lưu hoặc trao đổi giữa các cá nhân. Ảnh: Sixth Tone.

Hai năm trước, vào một ngày mùa đông lạnh giá ở Bắc Kinh, TS Chen Changwen lang thang đến một phòng học chung tại một tòa nhà ở quận Haidian.

Bước vào bên trong, TS Chen được chào đón bởi sự im lặng tuyệt đối. Mọi người đều tập trung vào máy tính xách tay hoặc sách của họ; không ai liếc nhìn vị khách mới đến dù chỉ một cái.

Cảm giác như một kẻ xâm phạm, TS Chen thận trọng di chuyển để tránh làm phiền. Ở đây, không có nhân viên trực tiếp hướng dẫn những vị khách lạ như TS Chen. Thay vào đó, các thông tin cần thiết như số chỗ ngồi và quy định về tiện ích được đăng trên bảng thông báo hoặc cung cấp qua một ứng dụng - điều này gây khó khăn nếu bạn không biết mật khẩu Wi-Fi.

Bối rối, TS Chen thận trọng chạm vào vai một thanh niên gần đó, làm gián đoạn sự tập trung của anh ấy và nhận lại một cái nhìn lạnh lùng. Khi TS Chen đặt câu hỏi, người này nhìn chằm chằm vào ông trong 5-6 giây trước khi đuổi khéo: "Tôi không phải người quản lý cơ sở, tại sao bạn lại hỏi tôi?".

TS Chen lờ mờ nhận ra mình đã vi phạm một quy tắc bất thành văn tại không gian chung này, nhưng phải mất một thời gian, ông mới hiểu hết mức độ nghiêm trọng.

Trong 6 tháng tiếp theo, TS Chen đã đến thăm tổng cộng 13 không gian làm việc chung như vậy - được gọi là "phòng tự học cộng đồng", hướng đến sinh viên, người mới tốt nghiệp và người thất nghiệp ở khắp Bắc Kinh và khu vực xung quanh.

Càng dành nhiều thời gian trong không gian đó, vị tiến sĩ càng tin rằng phản ứng giận dữ của người đàn ông trẻ trước câu hỏi của ông không phải là một trường hợp cá biệt.

Đó là một phần của xu hướng gia tăng hành vi thiếu hòa đồng và không chấp nhận bị làm phiền trong giới trẻ Trung Quốc - những người đang phải chịu quá nhiều áp lực.

Ở một đất nước ngày càng lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy một vị trí, những vị khách lạ như TS Chen không đơn thuần là sự sao nhãng, mà còn là một trở ngại cho thành công, bất kể viễn cảnh đó xa vời.

phong tu hoc Trung Quoc anh 1

Mọi người có thể trả phí để thuê chỗ ngồi theo giờ, theo ngày hoặc thậm chí cả năm. Ảnh: Sixth Tone.

Những người chọn học một mình, cùng nhau

Mô hình phòng tự học xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản và Hàn Quốc vào những năm 1980, trước khi chính thức có mặt tại Trung Quốc vào năm 2014.

Sự phổ biến của mô hình này tăng vọt sau năm 2019, một phần nhờ vào bộ phim Hàn Quốc Reply 1988, trong đó nhân vật chính thường xuyên lui tới phòng tự học. Cùng lúc đó, đại dịch xuất hiện khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Tới năm 2021, đã có khoảng 5.000 phòng tự học rải rác trên khắp cả nước.

Một phòng tự học tiêu chuẩn thường được thiết kế đơn giản, chỉ nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng một không gian học tập. Hầu hết chủ doanh nghiệp đều muốn tiết kiệm chi phí nên họ thường chỉ trang bị phòng ốc với những dãy bàn học được ngăn cách theo tiêu chuẩn, tủ đựng đồ nhỏ và không có nhiều tiện ích khác. Nhiều phòng tự học thậm chí được cải tạo từ các căn hộ nhỏ.

Tương tự mô hình văn phòng chia sẻ, mọi người có thể trả phí để thuê chỗ ngồi theo giờ, theo ngày hoặc thậm chí cả năm, với giá dao động từ 20 đến 100 nhân dân tệ/ngày (72.000-360.000 đồng) tùy theo vị trí, cơ sở vật chất và thương hiệu.

Mặc dù bề ngoài có vẻ giống với các không gian làm việc chung, phòng tự học lại hạn chế được việc giao lưu hoặc trao đổi giữa các cá nhân. Thay vào đó, mọi thứ đều được thiết kế để giảm thiểu các tương tác xã hội và gián đoạn.

Quản lý của một chuỗi phòng tự học nhấn mạnh những không gian này không đơn thuần là bàn ghế được ngăn cách, chúng được tổ chức một cách thông minh, đặc biệt chú ý đến việc mỗi đồ vật có thể khiến khách hàng mất tập trung như thế nào.

"Mỗi chỗ ngồi trong phòng đều được trang bị một thùng rác. Bạn có thể nghĩ điều này là để thuận tiện cho người dùng. Nhưng đây chỉ là một lý do. Lý do lớn hơn là để giảm thiểu việc đi lại, từ đó giảm thiểu sự phân tâm cho những người khác", chủ sở hữu giải thích.

Để đạt lợi nhuận, các chủ sở hữu luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu cho đa dạng sinh viên. Các phòng tự học mà TS Chen đến đều sử dụng đồ nội thất tương đối giống nhau, nhưng hầu hết đều phân chia không gian thành các khu vực, tạo ra các góc học tập với cường độ ánh sáng, mức độ tiếng ồn và loại ghế ngồi đa dạng.

Điều này có vẻ hơi thái quá, nhưng văn hóa học tập tại phòng tự học lại thu hút những cá nhân như Beibei, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đã một lần trượt kỳ thi sau đại học.

Không còn là học sinh, Beibei cần một nơi mới để học khi chuẩn bị thi lại. Nhà riêng và các không gian công cộng khác bị loại trừ vì áp lực quá lớn, cô cho rằng những nơi đó quá ồn ào, không phù hợp cho mục đích của mình.

"Khi bạn đang học, mọi thứ dường như rất hấp dẫn, và tôi thấy mình cứ nằm lăn ra giường mỗi khi cảm thấy hơi chán", cô giải thích.

Beibei coi phòng tự học là một lựa chọn thay thế tốt hơn nhiều cho cái mà cô gọi là "học tập nghiêm túc". Ở đó, sự gián đoạn ở nhà sẽ biến mất, nguy cơ tương tác xã hội không mong muốn cũng giảm thiểu.

phong tu hoc Trung Quoc anh 2

Văn hóa học tập tại phòng tự học thu hút giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Áp lực đánh dấu cuộc đời bằng các cột mốc

Mong muốn tối đa hóa khả năng tập trung và loại bỏ gián đoạn là điều có thể hiểu được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường việc làm Trung Quốc, nơi bằng cấp giáo dục đại học không còn đảm bảo việc làm tốt.

Theo Sixth Tone, hơn 4,5 triệu người đã tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học vào năm 2021, tăng gần gấp 3 lần so với 10 năm trước. Cũng trong năm 2021, khoảng 1,42 triệu người đã tham dự kỳ thi công chức, tăng 40% so với năm 2020.

Hầu hết đều thất bại. Cứ 3 thí sinh đăng ký dự thi thì 2 người sẽ phải đối mặt với quyết định có nên thi lại hay bước thẳng vào thị trường việc làm. Thống kê về kỳ thi công chức thậm chí còn đáng ngại hơn. Không hiếm gặp các bài báo đưa tin về hàng trăm ứng viên tranh giành một vị trí.

Giáo dục là chìa khóa để vượt qua đối thủ, điều này giải thích cho bầu không khí căng thẳng trong nhiều phòng tự học. Nhiều sinh viên có kế hoạch học tập nghiêm ngặt, với thời gian biểu chi tiết đến từng phút. Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể phá hỏng lịch trình học tập cả ngày.

Zaozao (25 tuổi) làm kế toán tại một cơ quan nhà nước, đã giải thích áp lực theo cách này: "Tôi cảm thấy cuộc sống được chia thành nhiều giai đoạn. Khi không đạt được giai đoạn tiếp theo, tôi cảm thấy cuộc sống của mình đang trì trệ. Do đó, tôi sẽ rất sốt ruột để đạt được mục tiêu đó càng sớm càng tốt để có thể thực hiện bước tiếp theo của cuộc đời".

Zaozao đã có một công việc đáng mơ ước, phản ứng của cô ấy có thể khiến người khác bất ngờ. Nhưng thực tế, cô ấy vẫn tin rằng mình cần nâng cao trình độ học vấn để thăng tiến trong sự nghiệp và chuẩn bị cho việc có thể bị sa thải trong tương lai. Lý tưởng nhất là cô lấy được bằng thạc sĩ, ở Trung Quốc hoặc nước ngoài.

Đánh dấu cuộc đời bằng các cột mốc như ZaoZao cũng là quan điểm được nhiều thanh niên Trung Quốc ủng hộ, ngay cả với những người đã đạt được mục tiêu.

Lớn lên trong một hệ thống giáo dục lấy kỳ thi làm trung tâm, những người trẻ Trung Quốc coi việc không học hành và thi trượt là bằng chứng cho thấy họ đang giậm chân tại chỗ hoặc tụt hậu.

Ngược lại, có khả năng học tập không chỉ đơn thuần là vượt qua kỳ thi, nó có nghĩa là người ta có thể thăng tiến và bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.

Mặt tích cực (nhưng có phần khắc nghiệt) của niềm tin này là bất kỳ nỗi đau nào trải qua trong quá trình học tập đều có thể chịu đựng được và thậm chí mong muốn được trải qua.

Ngược lại, những hạn chế của quan điểm này quá rõ ràng khi những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nhu cầu học tập liên tục đã trở thành một gánh nặng khiến nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và vô dụng, đặc biệt là khi nó không mang lại kết quả như mong đợi.

Sự cạnh tranh không ngừng nghỉ này khiến mọi người kiệt sức. Cùng với việc khả năng thăng tiến xã hội không còn dễ dàng đạt được như trước, người trẻ ngày càng tìm đến phòng tự học như một nơi trú ẩn an toàn.

Những không gian này hứa hẹn sự phát triển và cải thiện bản thân, ngay cả khi chúng khuyến khích mọi người vắt kiệt sức lực của mình.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Lý do học sinh Trung Quốc 'chốt' số phận ở kỳ thi đại học

"Ở các trường đại học danh giá nhất Trung Quốc, cử nhân là hạng nhất, thạc sĩ là hạng hai và tiến sĩ là hạng ba", những người bị ảnh hưởng nói về hiện tượng gần đây tại Trung Quốc.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm