Trong góc tường của chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh (Trung Quốc), một người đàn ông đứng quay lưng với phóng viên khi được hỏi về việc đi tu.
Từng là sinh viên top đầu của Đại học Bắc Kinh, nhận thư trúng tuyển từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), đoạt giải toán quốc tế, người đàn ông này từ bỏ tất cả để trở thành một nhà sư bình thường vào năm 2010.
Năm đó, ông khiến cả nước sửng sốt, truyền thông chấn động khi quyết định từ bỏ sự nghiệp học tập để đi theo con đường Phật pháp.
Người đàn ông đó là Liễu Trí Vũ, một thiên tài toán học từng rất nổi tiếng ở đất nước tỷ dân.
Thông minh nhưng luôn cô độc
Liễu Trí Vũ sinh năm 1988 trong một gia đình chuyên về khoa học và kỹ thuật ở Vũ Hán (Trung Quốc). Cha là giáo viên vật lý tại một trường phổ thông nổi tiếng còn mẹ là một kỹ sư xuất sắc.
Nhờ nền tảng gia đình tốt, Trí Vũ được lớn lên trong môi trường học thuật rất mạnh, giúp anh sớm phát triển khả năng tư duy phản biện và học hỏi.
Khi đi nhà trẻ, cậu bé Liễu Trí Vũ rất nội tâm và không thích nói chuyện. Khi những đứa trẻ khác đuổi bắt và chơi đùa với nhau, Trí Vũ lại cho đó là vô kỷ luật rồi bỏ đi.
Liễu Trí Vũ có nền tảng học tập tốt và rất chăm chỉ học để tồn tại trong môi trường học tập khắc nghiệt. Ảnh: 163. |
Kể lại quãng thời gian học mẫu giáo, Liễu Trí Vũ cho biết ông luôn cảm thấy trong lòng "trống rỗng". Vì không thể kết bạn, ông chỉ có thể đọc sách và học tập trở thành người bạn đồng hành duy nhất.
Trí Vũ gần như "cách ly" với thế giới cho đến khi lên lớp 4. Dưới sự kỳ vọng của cha mẹ, cậu bé năm đó thành công tham gia lớp năng khiếu Toán tại địa phương. Kể từ đó, cậu cảm thấy cuộc sống trở nên trọn vẹn và thú vị hơn.
Đến năm 2003, Liễu Trí Vũ được nhận vào trường Trung học số 1 trực thuộc Đại học Sư phạm Trung Quốc - trường phổ thông tốp đầu cả nước. Đây là ngôi trường rất khắt khe, đặc biệt là với các học sinh tham gia thi olympic toán.
Khi đó, Liễu Trí Vũ rất hiếu thắng, cậu biết rõ điểm yếu của mình nên đã dành gấp đôi thời gian để học toán và nghiên cứu các tài liệu thi đấu. Nhờ thiên phú và sự chăm chỉ, cậu hoàn thành hơn 20 nội dung về toán chỉ trong năm đầu trung học.
Đến năm 2005, khi mới là học sinh lớp 11, Liễu Trí Vũ đã được chọn vào đội tuyển quốc gia để tham dự Olympic Toán Quốc tế (IMO). Mọi người đều đặt hy vọng vào nam sinh lớp 11 - người luôn được coi là "vua bất bại" trong mọi kỳ thi.
Sau hơn 100 ngày luyện tập, Trí Vũ cùng đồng đội đến Slovenia tham dự IMO. Trong ngày thi hôm đó, cậu là người đầu tiên nộp bài và bước ra khỏi phòng thi một cách tự tin.
Đúng như mong đợi của mọi người, Liễu Trí Vũ dẫn dắt đội Trung Quốc giành huy chương vàng với điểm số tuyệt đối. Kết thúc cuộc thi năm đó, tin tức thiên tài người Đức Peter Schultz bị thiên tài Trung Quốc Liễu Trí Vũ đánh bại ngay lập tức xuất hiện trên các mặt báo.
Tuy nhiên, không ai ngờ trong tương lai, hai thiên tài toán học nổi tiếng lại đi theo hai con đường hoàn toàn trái ngược.
Mất hứng với toán học
Sau mùa Olympic 2005, Peter Schultz tiếp tục vùi mình vào học tập. Anh khiến nhiều người bất ngờ khi hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ chỉ trong 5 học kỳ, sau đó trở thành giáo sư trẻ nhất nước Đức ở tuổi 24.
Trong khi đó, Liễu Trí Vũ lại trượt dài sau lần giành huy chương vàng Olympic. Tâm lý cậu đã thay đổi.
Khi lên lớp 12, Trí Vũ trở nên mâu thuẫn. Một mặt, cậu thấy thích thú với những thành tựu toán học, một mặt, cậu thấy bối rối vì không biết danh vọng có thực sự phù hợp với mong muốn thực sự của bản thân hay không.
Từ nhỏ, Liễu Trí Vũ đã luôn ốm yếu và không thể thi đạt trong các bài thi thể dục. Một lần, giáo viên Thể dục cho cậu điểm tuyệt đối vì muốn nâng đỡ học sinh thiên tài.
Điều mà không ai ngờ là cậu đã viết thư nặc danh tố cáo giáo viên gian lận điểm số. Giáo viên, phụ huynh đều đau đầu với thứ mà Trí Vũ đang đi tìm, đó chính là công lý.
Thời gian này, thiên tài toán học dần mất hứng thú với toán và chỉ muốn hướng đến sự tự do về mặt tinh thần. Cậu không thể chấp nhận xã hội chỉ biết theo đuổi danh vọng và tiền tài.
Do đó, Trí Vũ quyết tâm tìm hiểu về văn học và triết học để tìm kiếm lối đi mới cho mình. Những năm cuối trung học, khi bạn bè vùi mình trong sách vở để tranh suất vào đại học, cậu lại dành thời gian để sáng tác một lượng lớn thơ văn.
Đi tu
Năm 2010, cựu thiên tài toán học Lưu Trí Vũ trở thành nhà sư ở chùa Long Tuyền. Khi quy y, anh chỉ để lại một câu rằng: "Học toán không thể cứu được trái tim và khối óc của con người".
Trước khi vào chùa, Trí Vũ vẫn theo học Đại học Bắc Kinh như bình thường. Ở đại học, toán vẫn không thể thỏa mãn được lý tưởng của anh.
Một lần, Liễu Trí Vũ tình cờ gặp được một nữ sinh khoa Nghệ thuật. Chính người bạn gái này đã dạy anh niệm phật và đưa anh đi thăm chùa Long Tuyền.
Bạn gái từng hỏi đùa anh rằng sau này anh có đi tu không, Liễu Trí Vũ đã trả lời "rất có thể". Thời điểm đó, mọi người chỉ nghĩ anh nói đùa, nhưng thực ra kể từ khi đến chùa Long Tuyền, anh đã âm thầm hạ quyết tâm đi tu sau khi tốt nghiệp
Liễu Trí Vũ đi tu sau khi tốt nghiệp đại học và sống "ẩn mình" suốt 8 năm. Ảnh: Sohu. |
Năm 4 đại học, Liễu Trí Vũ vẫn tốt nghiệp đại học đúng hạn, đồng thời nhận được lời mời học tập từ MIT với suất học bổng toàn phần trị giá 70.000 USD.
Đối diện với lời mời hấp dẫn, anh vẫn không thay đổi quyết định. Trong thư gửi chủ tịch MIT, Trí Vũ nói anh quyết định cống hiến cuộc đời cho Phật giáo và trở thành một nhà sư ở chùa Long Tuyền.
Từ năm 2010 đến năm 2018, Liễu Trí Vũ sống một cuộc sống ổn định trong chùa và không hề xuất hiện ở thế giới bên ngoài.
Trong thời gian này, nhiều người chỉ trích anh vì đã từ bỏ cơ hội để mang về danh dự cho đất nước. Thậm chí, một số người nói anh là điển hình của việc lãng phí nguồn lực giáo dục. Việc đi tu cũng là sự xúc phạm tài năng của chính mình.
Bất chấp chỉ trích, Trí Vũ vẫn thành tâm tu tập. Đến năm 2018, anh mới xuất hiện trở lại với vai trò là một cố vấn tâm lý. Bằng cách kết hợp ý nghĩa của Phật giáo với thuyết tâm lý, anh đã giúp đỡ về mặt tinh thần cho rất nhiều người.
Sau đó, đến năm 2021, cựu thiên tài tiếp tục kết hợp Phật giáo và tâm lý học để thúc đẩy các dịch vụ tâm lý cho cộng đồng.
Hoàn tục
Tháng 9/2023, Liễu Trí Vũ bất ngờ tuyên bố sẽ hoàn tục. Khi đó, người đàn ông 35 tuổi nói rằng ông nhận ra bản thân "gần gũi hơn với thế giới rộng lớn" và muốn trở thành một phần của xã hội, theo SCMP.
Cựu thiên tài toán học đã hoàn tục và kết hôn. Ảnh: Sohu. |
Đầu tháng 1/2024, ông làm việc tại một công ty tư vấn tâm lý, đồng thời thông báo trên mạng xã hội là đã kết hôn. Bạn đời của Liễu Trí Vũ cũng theo đạo Phật, là người đã dạy ông trở thành một người chồng tốt.
"Tôi chưa bao giờ gặp một người như cô ấy. Cô ấy hiểu và hoàn toàn ủng hộ tôi. Tôi có thể chia sẻ mọi suy nghĩ, cảm xúc và niềm vui với vợ", Trí Vũ chia sẻ.
Ngoài ra, cựu thiên tài toán học cho biết ông cũng đã thay đổi quan điểm về việc không sinh con vì ông nhận thức được mình cần chia sẻ những quyết định quan trọng trong cuộc đời với vợ.
Dù đã kết hôn, ông vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo như ăn chay, khiêm tốn và không nói dối.
Gần đây, Liễu Trí Vũ cũng xuất bản một cuốn sách với tựa đề Every Step is Accountable nhằm chia sẻ những kiến thức khi còn là tu sĩ. Mục đích của cuốn sách là giúp mọi người tìm được sự giác ngộ trong cuộc sống hàng ngày.
"Tôi là một người bình thường, tôi khao khát được sống thật với chính mình và tôi hy vọng mọi người sẽ chấp nhận phiên bản này của tôi", Liễu Trí Vũ nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.