Học sinh Trung Quốc chuẩn bị cho kỳ thi gaokao. Ảnh: VCG. |
Sở hữu tấm bằng thạc sĩ trường top 100 thế giới cùng nhiều năm kinh nghiệm quốc tế, Zhu Lisha (36 tuổi, sống tại Trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến) kỳ vọng bằng cấp của mình sẽ "rộng cửa" tại thị trường việc làm Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với hầu hết nhà tuyển dụng, chỉ có một yếu tố được quan tâm: Nơi cô lấy bằng đại học đầu tiên. Yếu tố này phụ thuộc phần lớn vào điểm thi gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt của Trung Quốc).
"Khi tôi tốt nghiệp năm 2011, nhà tuyển dụng chủ yếu coi trọng bằng cấp cao nhất của ứng viên. Giờ đây, ngoài điều đó, họ trở nên kén chọn hơn về bằng đại học đầu tiên", Zhu - người có điểm gaokao không cao - chia sẻ với Sixth Tone.
Quy chuẩn "bằng cấp đầu tiên"
Đối với một lượng lớn ứng viên ngày càng tăng ở Trung Quốc, bao gồm cả sinh viên mới ra trường và những người đã có sự nghiệp cấp trung, hiện tượng này được gọi là "kỳ thị cấp đầu tiên", khiến thị trường việc làm vốn đã cạnh tranh khốc liệt trở nên phức tạp hơn.
Những người bị ảnh hưởng thường dùng một "khẩu hiệu" phổ biến để tóm gọn sự kỳ thị này: "Ở các trường đại học danh giá nhất Trung Quốc, cử nhân là hạng nhất, thạc sĩ là hạng hai và tiến sĩ là hạng ba".
Điều này ngầm ý rằng cử nhân từ các trường đại học hàng đầu được coi là nhân tài. Trong khi đó, những người có bằng đại học ở một trường đại học ít uy tín hơn, sau đó hoàn thành chương trình sau đại học cũng tại các trường hàng đầu thì bị đánh giá thấp hơn.
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý trong phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC) kết thúc vào đầu tháng 3. Tại đây, Pan Fusheng (đại biểu NPC, viện sĩ tại Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc) đã đưa ra đề xuất "xóa bỏ kỳ thị bằng cấp đầu tiên".
Nhấn mạnh đến tác động của nó đối với tuyển sinh sau đại học, thị trường việc làm và bình đẳng xã hội, ông Pan kêu gọi các quy định rõ ràng hơn và hệ thống đánh giá nhân tài toàn diện hơn. Ông cũng khuyến khích các cơ quan nhà nước, tổ chức công và các công ty nhà nước đi đầu trong việc thực hiện các quy tắc tuyển dụng công bằng.
Ý kiến của ông đã châm ngòi cho cuộc tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội, với hashtag liên quan trên nền tảng Weibo thu hút hơn 320 triệu lượt xem.
Hiện tượng "kỳ thị bằng cấp đầu tiên" khiến thị trường việc làm tại Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Ảnh minh họa: SCMP |
Cử nhân "đánh bật" thạc sĩ trường top 100 thế giới
Zhu thừa nhận điểm số gaokao của cô rất khiêm tốn. Thay vì ôn thi lại - con đường quen thuộc dành cho những người muốn vào các trường đại học ưu tú của Trung Quốc - cô đã đăng ký chương trình đào tạo liên kết 3 + 1 giữa một trường đại học Trung Quốc và một trường đại học ở Anh.
Sau 3 năm học tập tại Trung Quốc, cô đã lấy được bằng chuyên nghiệp, sau đó học thêm một năm tại Anh để lấy bằng cử nhân và một năm nữa để lấy bằng thạc sĩ.
Ở Trung Quốc, giáo dục đại học được phân thành 4 cấp độ: Bằng chuyên nghiệp (bằng nghề), cử nhân, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Mỗi cấp độ đều cấp tương ứng một loại văn bằng hoặc chứng chỉ.
Thông thường, việc vào các chương trình này phụ thuộc vào kỳ thi gaokao. Những thí sinh đạt điểm cao sẽ được nhận vào các chương trình cử nhân tại các trường đại học danh tiếng như Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh.
Những học sinh có điểm thấp hơn có thể đăng ký vào các chương trình ba năm, tập trung vào học nghề, được gọi là zhuanke (học chuyên nghiệp).
Những sinh viên này sau đó có nhiều lựa chọn. Ví dụ, sinh viên có bằng zhuanke có thể theo học chương trình 2 năm để lấy bằng cử nhân, trong khi sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ít tên tuổi có thể theo đuổi các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ - một lựa chọn ngày càng phổ biến do tính cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, bằng cấp nghề, chẳng hạn như bằng của Zhu, hoặc bằng cử nhân lấy được từ các trường đại học không danh tiếng từ lâu đã bị đánh giá thấp hơn so với bằng cấp từ các trường đại học danh giá.
Một số người đã cố gắng học lên ở các trường đại học uy tín hơn, nhưng mọi người vẫn liên tưởng những trường trước đây họ theo học là dành cho sinh viên kém năng lực và học thuật yếu.
Zhu tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật vào năm 2011. Tấm bằng này đã giúp cô có việc làm tại 2 công ty quốc tế nổi tiếng ở Trung Quốc trước khi chuyển sang một tập đoàn hàng đầu trong nước.
Khi quay trở lại thị trường việc làm vào năm nay, Zhu cho biết cô rất ngạc nhiên trước các yêu cầu về học vấn chi tiết và khắt khe mà các công ty đưa ra.
"Đối với sinh viên mới ra trường, một số nhà tuyển dụng tìm kiếm các ứng viên có cả bằng cử nhân và thạc sĩ từ các trường đại học thuộc Dự án 211 trở lên, và bằng tiến sĩ từ các trường thuộc Dự án 985, thậm chí còn chọn lọc hơn", cô nói, đề cập đến 2 sáng kiến 100 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Theo Zhu, không lẽ, những người có thành tích học tập khiêm tốn nỗ lực để học cao hơn ở các trường đại học danh tiếng lại không được coi là dấu hiệu của sự cống hiến và khả năng cải thiện?
“Tại sao ai đó lại bị đánh giá thấp chỉ dựa trên bằng cấp đầu tiên họ lấy được?”, Zhu đặt câu hỏi.
Để giải quyết những lo ngại như vậy, năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã làm rõ khái niệm "bằng cấp đầu tiên" không tồn tại trong các chính sách giáo dục quốc gia hoặc tài liệu hành chính.
"Khi chúng tôi đề cập đến hồ sơ học vấn trong công tác quản lý, nó thường biểu thị bằng cấp học thuật cao nhất của một người hoặc bằng cấp mới lấy được gần đây nhất", Bộ Giáo dục trả lời các câu hỏi của cư dân mạng.
Một hội chợ việc làm tại Trung Quốc. Ảnh: Wei Liang/CNS/VCG. |
Sự thật phũ phàng
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhưng thị trường việc làm vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Theo Li Tao, chuyên gia tư vấn tuyển dụng cho nhiều công ty trong nước, việc ưu tiên sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú không nên bị coi là kỳ thị. Ông cho rằng kỳ thị là sự loại trừ dựa trên các yếu tố như chủng tộc hay nguồn gốc địa lý.
"Tôi không coi đây là một hình thức kỳ thị vì các ứng viên đã được nhận vào các trường đại học ưu tú thông qua sự nỗ lực của chính họ", ông lập luận, nói thêm rằng điểm thi gaokao giúp ước tính trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.
Tuy nhiên, Xu Yajuan, người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự ở Vũ Hán, chỉ ra rằng sự kỳ thị gia tăng một phần do sự cạnh tranh việc làm khốc liệt và số lượng sinh viên đại học gia tăng.
"Các công ty nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng không phải do yêu cầu của vị trí mà là do số lượng ứng viên quá đông", bà nói.
Dữ liệu chính thức đã chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm. Số lượng nghiên cứu sinh ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 621.300 vào năm 2014 lên 1,25 triệu người vào năm nay.
"Với vô số ứng viên từ các trường ưu tú, các công ty thường bỏ qua những người có bằng cấp từ các trường đại học ít tên tuổi để đơn giản hóa quá trình tuyển dụng và tăng hiệu quả", Xu nói.
Nói với Sixth Tone, một người tìm việc họ Gao chia sẻ các buổi phỏng vấn của anh thường đi đến giai đoạn đàm phán lương cuối cùng, nhưng sau đó lại bị dừng đột ngột khi nhà tuyển dụng nhận thấy bằng cấp đầu tiên của anh là chuyên nghiệp.
Theo Xu, một số công ty thậm chí còn áp dụng AI để lọc các ứng viên bằng cách sử dụng các từ khóa cụ thể, thường bỏ qua những người dựa trên trình độ đại học hoặc lĩnh vực học tập của họ. Điều đó có nghĩa là nhiều hồ sơ thậm chí có thể không bao giờ đến tay các chuyên gia nhân sự. Xu thừa nhận quá trình tuyển dụng như vậy là không công bằng.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia Trung Quốc, chỉ ra "sự quản lý từ bên ngoài" là một yếu tố then chốt đằng sau xu hướng này, nơi quy trình tuyển dụng được giám sát bởi nhân viên hành chính thay vì những người hiểu rõ yêu cầu của công việc.
Chu nhấn mạnh rằng giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải chuyển từ các tiêu chuẩn hành chính sang chuyên môn trong tuyển dụng.
"Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần một hệ thống đánh giá nhân tài đa dạng hơn", ông nói.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.