Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Anh, Mỹ phản đối mang giày cao gót, đòi để mặt mộc đi làm

Làn sóng phản đối các tiêu chuẩn như trang điểm, đi giày cao gót vốn nhiều gò bó và quy định khắt khe đang ngày càng gay gắt.

Trong trí nhớ Georgia Brown, trải nghiệm công việc năm 22 tuổi vẫn còn in sâu. Khi đó, cô đang làm tại một công ty chuyên cung cấp đội ngũ trợ lý cửa hàng cho các tiệm tạp hóa.

Cô gái vẫn nhớ như in lý do khiến cô buộc phải nghỉ : Công ty bắt tất cả nhân viên nữ phải đi giày cao gót trong giờ làm.

“Đặc thù công việc khiến những người như tôi phải đứng trên những đôi giày cao gót chênh vênh cả ngày. Khi vừa đặt chân đến chỗ làm, đã có nguyên bộ phận kiểm tra trang phục từng người theo đúng quy định của công ty”, Georgia nhớ lại.

Một vài lần, cô gái lách luật bằng cách đi giày đế bằng. Sau cùng, khi bị phát hiện, Georgia thẳng thừng nói với đội ngũ quản lý: “Chân tôi đau nhức, không ai có quyền bắt tôi phải chịu đựng đau đớn vô lý như vậy”.

phu nu anh 1
Mặc váy, đi giày cao gót, trang điểm là quy định thường thấy dành cho phái nữ tại nhiều môi trường công sở trên thế giới. Ảnh: Medium.

Sau cơn bộc phát, cô gái nhanh chóng nhận quyết định thôi việc.

Công ty của Georgia cho hay trường hợp của cô không đại diện cho tình trạng của người làm việc tại đó. Chính sách của công ty là nhân viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao về trang phục cá nhân để tự tin đại diện cho thương hiệu.

Tuy nhiên, tình huống của Georgia đã trở nên quá quen thuộc với nhiều phụ nữ.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Guardian, phản ánh câu chuyện nữ giới thường bị áp đặt nhiều nguyên tắc về trang phục tại môi trường công sở, khiến không ít phụ nữ cảm thấy gò bó, lên tiếng yêu cầu thay đổi.

Mặc váy, đi giày cao gót, trang điểm kỹ càng

Tháng 5, một loạt tranh cãi nổ ra khi hãng hàng không British Airways của Anh ra thông báo các nữ tiếp viên không được phép mặc áo lót có màu sắc hay hình dạng nhất định dưới lớp áo sơ mi.

“Quy định này có phần hơi cực đoan. Nó không khác gì nói thẳng bạn phải mặc nội y cùng màu với áo mặc ngoài”, Claire Simpson, một nữ tiếp viên kiêm làm việc trong Công đoàn Phi hành đoàn Anh, cho hay.

Trên thực tế, phụ nữ thường là nạn nhân của các quy tắc trang phục tại nơi làm việc, dù họ có phải mặc đồng phục hay không.

Nữ giới công sở thường được mặc định xuất hiện trong hình ảnh váy bó sát ngang gối, giày cao gót. Thực chất, những món đồ như vậy luôn khiến phụ nữ cảm thấy khổ sở khi phải di chuyển thường xuyên hoặc ngồi cả ngày trong những văn phòng máy lạnh.

phu nu anh 2
Các nhà tuyển dụng thường muốn các ứng viên nữ ăn mặc nữ tính, mặt trang điểm xinh đẹp. Ảnh: The Guardian

Tuy nhiên, các quy tắc về trang phục mà phái nữ buộc tuân theo khó có thể bị coi là hành vi công ty vi phạm pháp luật.

“Khó nói việc bắt đi giày cao gót làm việc là bóc lột”, giáo sư Harini Iyengar, chuyên gia về luật lao động và việc làm, cho hay.

Vấn đề này từng gây ra tranh cãi vào năm 2016 khi Nicola Thorp, nhân viên lễ tân tại một công ty bị sa thải vì từ chối đi giày cao gót theo quy định.

Sau đó, một bản kiến nghị phản đối luật lệ này đã thu nhận được hơn 150.000 chữ ký, khiến Quốc hội Anh buộc phải vào cuộc để rà soát lại các quy tắc trang phục nơi làm việc và sự phân biệt đối xử với nữ giới công sở.

“Mấu chốt nằm ở chỗ, khó chứng minh rằng việc bắt đi giày cao gót là hành động phân biệt đối xử giới tính, trừ khi đó là công việc đòi hỏi phải bê vác nặng. Tại môi trường mà ai xung quanh cũng đi loại giày này, không dễ để thuyết phục mọi người đi giày như thế là tồi tệ”, bà Harini phân tích.

Vị giáo sư cũng cho biết kết quả tương tự cũng xảy đến khi nữ giới phản đối việc trang điểm hay mặc váy tại nơi làm việc.

“Trừ khi bạn có thể kết luận nó trái với bản sắc giới tính hay xu hướng tình dục, còn không chẳng có thay đổi đáng kể nào xảy ra”, bà Harini đúc kết.

Tiêu chuẩn kép lên nữ giới

Phải mất hơn một thập kỷ, giáo sư Harini mới cảm thấy thoải mái khi đi giày đế bằng đi làm.

“Khi bắt đầu sự nghiệp và cố gắng hòa nhập, tôi buộc mình đi giày cao gót để giống mọi người. Thật đáng tiếc vì suốt thời còn trẻ, tôi bó mình trong suy nghĩ ấy. Song cũng rất khó để can đảm đi ngược số đông”, nữ chuyên gia cho hay.

Đối với các phụ nữ da màu, vấn đề càng khó khăn hơn. Khi Tara Williams làm luật sư ở Philadelphia (Mỹ), cô thường phải dành cả tối chủ nhật đứng trước tủ đồ, cố gắng chọn lựa trang phục nào sẽ không khiến cô gặp rắc rối vào ngày hôm sau tại công sở.

Tuy nhiên, cô gái vẫn thường xuyên nhận cái lắc đầu chê bai “xấu xí, thiếu chuyên nghiệp” từ cấp trên.

phu nu anh 3
Giày cao gót được coi là tiêu chuẩn khiến phụ nữ trông chuyên nghiệp và quyến rũ, song kiểu giày này đem lại không ít đau đớn cho người đi. Ảnh: Sky News

Tiến sĩ Janet Ainsworth, giáo sư luật tại Đại học Seattle (Mỹ), lý giải: “Nhà tuyển dụng muốn nhân viên nữ trông phải thật nữ tính, mặt trang điểm kỹ càng”.

“Tủ quần áo phản ánh sự thay đổi của phụ nữ trong xã hội”, chuyên gia nghiên cứu lịch sử thời trang Deidre Clemente khẳng định.

Dù vậy, theo Deidre, vẫn có một tiêu chuẩn kép áp đặt lại phụ nữ. Theo đó, nữ giới bị mặc định phải tuân theo các quy chuẩn kể cả chúng không nằm trong quy định chính thức.

Điều tương tự không xảy ra với nam giới. Kể cả người đàn ông có vẻ ngoài cẩu thả, anh ta vẫn dễ dàng được chấp nhận nếu mặc vest và thắt cà vạt.

“Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”

Bất chấp nhiều quy định tồn tại lâu năm, phụ nữ ngày càng có xu hướng không cam chịu và đứng lên đấu tranh.

Tại Nhật Bản, phong trào #KuToo nổi lên nhằm kêu gọi chính phủ cấm các nhà tuyển dụng ở nước này chấm dứt việc buộc các ứng viên nữ đi giày cao gót.

“Những năm gần đây, các quy tắc về tóc và trang điểm cũng dần được nới lỏng. Nhân viên nữ được thoải mái hơn trong việc lựa chọn trang phục mà vẫn giữ được tinh thần công ty”, Claire Simpson chỉ ra.

phu nu anh 4
Nữ giới ở nhiều quốc gia có xu hướng lên tiếng phản đối các quy tắc ăn mặc công sở cứng nhắc, yêu cầu sự thoải mái khi diện trang phục đi làm. Ảnh: The Guardian

Hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) hiện cho phép các nữ tiếp viên được phép mặc quần dài, đi giày đế bằng và không bắt buộc phải trang điểm.

“Càng nhiều phụ nữ dám xóa bỏ định kiến. Một nhà nghiên cứu y khoa kể lại từ khi cô ấy mặc quần jean và áo phông đi làm, mọi người đã ngừng yêu cầu cô đi pha cà phê. Ai cũng cho rằng một nhà khoa học phải ăn mặc giản dị”, tiến sĩ Janet cho hay.

Kate Bertash, làm việc trong ngành an ninh mạng đã "cách mạng hóa" tủ quần áo của mình bằng 8 chiếc váy màu đen giống hệt nhau.

“Mặc cùng một kiểu váy không chỉ tiện lợi, mà là minh chứng cho nữ quyền. Phụ nữ ít nhiều gặp áp lực phải ăn mặc thời trang trong mắt người đối diện, trong khi nam giới có thể thường xuyên diện một kiểu trang phục mà không ai phàn nàn, đánh giá”, người phụ nữ 32 tuổi cho biết.

“Đừng nói tôi phải mặc trang phục như thế nào ? Đây là cơ thể tôi, do đó mọi lựa chọn đều do tôi tự quyết”, chuyên gia Clemente khẳng định.

Còn với Tara, cô gái cuối cùng đã chuyển đến một văn phòng khác sau khi nhận quá nhiều lời bình luận tiêu cực từ sếp và đồng nghiệp.

“Giờ đây, tôi mặc bất cứ thứ gì tôi thấy thoải mái và cảm thấy tự hào về điều đó”, nữ luật sư nở nụ cười hạnh phúc, nói.

Nữ giới Nhật Bản 'đau đầu' tìm cách trở nên vẹn toàn

Văn hóa làm việc đến kiệt sức của Nhật Bản khiến phụ nữ trẻ khó khăn khi vừa cố gắng gây dựng sự nghiệp thành công, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân hạnh phúc.




Trà My

Bạn có thể quan tâm