Có thể gây tàn phế
Chị Võ Kim Thoa (50 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) suốt ba tháng nay bị sốt, sưng hai chân, tay không thể nắm, không giơ lên được, đặc biệt là vào những buổi sáng. Sau khi đi khám nhiều nơi, tại phòng khám Dị ứng - miễn dịch (BV ĐH Y Dược TP.HCM), chị được chẩn đoán bị viêm đa khớp.
Theo BS Cao Thanh Ngọc (BV ĐH Y Dược TP.HCM), một số bệnh nhân có rất nhiều khớp bị đau, sưng. Biểu hiện ở các khớp nhỏ (bàn tay, ngón tay, cổ tay) và chi dưới. Bệnh còn kèm theo sốt, cứng khớp, không nắm chặt được. Cơn cứng khớp có thể kéo dài từ 30 phút đến một giờ.
Nếu không được điều trị sớm và đầy đủ, bệnh có thể bị phá hủy, biến dạng khớp và tàn phế nặng nề. Tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. BS Ngọc cảnh báo: “Khoảng 30% BN có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán và tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng hai năm. Việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (VKDT) chủ yếu dựa trên bệnh cảnh lâm sàng, với sự hỗ trợ của các xét nghiệm huyết thanh tìm các tự kháng thể như yếu tố dạng thấp. Điểm cốt yếu trong điều trị là phải sử dụng sớm các thuốc điều trị cơ bản đặc biệt là methotrexate, và liệu pháp mới nhất là điều trị sinh học".
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ lưu hành của bệnh ước tính vào khoảng 0,8% dân số người lớn. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu tại miền Bắc, tỷ lệ này vào khoảng 0,28% dân số. Nghiên cứu về tình hình bệnh tật tại Khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai), bệnh VKDT chiếm tỷ lệ 21,94% trong số các bệnh lý cơ xương khớp, trong đó nữ chiếm 92,3%, đa số bệnh nhân nữ trong độ tuổi 36-65 (72,6%).
Dấu hiệu chủ yếu của viêm khớp sớm trong VKDT là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ. Tình trạng viêm khớp được cho là đang hoạt động nếu đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp.Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp.
Di truyền chiếm 50%
Đau, sưng khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa, ảnh hưởng tới các khớp nhỏ là những triệu chứng thường gặp nhất. Các triệu chứng này thường đi kèm với tình trạng cứng khớp buổi sáng, kéo dài thường trên một giờ và mệt mỏi toàn thân. Viêm khớp trong VKDT thường không gây sốt hoặc chỉ sốt nhẹ trong đợt tiến triển.
Nguyên nhân của VKDT vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Sự xuất hiện của bệnh được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hormone, miễn dịch và nhiễm trùng. Các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống (chẳng hạn vấn đề hút thuốc lá, uống cà phê, tiếp xúc silicon) có thể ảnh hưởng. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể khởi phát sớm hơn ở những người hút thuốc lá.
BS Ngọc cho biết: “Yếu tố di truyền có thể chiếm tới 50% nguy cơ mắc bệnh VKDT. Các nghiên cứu về sinh đôi và gia đình cho thấy anh chị em của bệnh nhân VKDT có nguy cơ tăng 2-4 lần so với những người không có quan hệ huyết thống. Nhiều tác nhân nhiễm khuẩn cũng liên quan đến sự xuất hiện của bệnh VKDT, trong đó có các vi khuẩn mycoplasma, virus Epstein-Barr, Rubella...”.
Bệnh nhân cần tuân thủ tái khám định kỳ và dùng thuốc đều đặn, thường xuyên. Trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, người bệnh nên tăng cường các axít amin thiết yếu, chế độ ăn giàu rau quả, cá, hạn chế thịt và mỡ động vật, ngưng hút thuốc lá.
Song song với điều trị nội khoa, bệnh nhân cần chú ý tập luyện thường xuyên trong khả năng, có thể kết hợp với các phương pháp phục hồi chức năng giúp tăng cường sức khỏe nói chung, cải thiện vận động khớp, hạn chế teo cơ, cứng, dính khớp. Các phương pháp vật lý trị liệu, châm cứu và các phương pháp điều trị y học cổ truyền khác có thể có ích trong việc hỗ trợ cải thiện triệu chứng, cải thiện chức năng vận động khớp; tuy nhiên nhìn chung không thể thay thế điều trị nội khoa.