Zing.vn trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến xu hướng sống không chồng, không con của nhiều người phụ nữ Philippines. Đây là một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới đang diễn ra ở quốc gia này.
Mới 22 tuổi, Adrienne Onday đã xác định sẽ không trở thành một người mẹ. Cô cho rằng việc sinh đẻ không phù hợp với cuộc sống tương lai của mình.
Nhà nghiên cứu và hoạt động vì nữ quyền người Philippines chia sẻ: “Tôi thực sự đam mê việc giảng dạy và nghiên cứu xã hội học. Tôi sẽ phải đi công tác rất nhiều. Vì vậy, xây dựng gia đình và có con không phù hợp với thực tế đó”.
Onday muốn theo đuổi sự nghiệp thay vì lập gia đình và sinh con. Ảnh: Maro Enriquez. |
Onday thừa nhận cô từng suy nghĩ về việc làm mẹ khi trưởng thành, thậm chí nảy ra nhiều ý tưởng để nuôi dạy con mình. Tuy nhiên, sau khi tự tay chăm sóc 3 đứa em ruột và 1 người em họ, cộng thêm việc cả gia đình kỳ vọng vào chuyện cô lập gia đình, Onday đã thay đổi quyết định.
Quan niệm về phụ nữ không chồng, không con là một điều cấm kỵ trong xã hội Philippines. Những thế hệ lớn tuổi khẳng định nghĩa vụ của giới trẻ là phải tiếp tục duy trì nòi giống.
Tiến sĩ Nathalie Verceles, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giới tính và phụ nữ tại Đại học Philippines, cho biết quan niệm của người già về việc phụ nữ phải sinh con là chuyện bình thường và dễ hiểu.
“Thế hệ ấy được sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh hoàn toàn khác với chúng ta, và chúng ta cần hiểu điều đó”, cô chia sẻ.
Văn hóa “phải làm mẹ” xuất phát từ cách nhìn phụ nữ trong xã hội Philippines.
Bản thân là một người phụ nữ đã có con, Verceles chia sẻ: “Mọi người chỉ đề cao chức năng sinh học của người phụ nữ là mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, phụ nữ còn có thể khẳng định giá trị bản thân trên nhiều lĩnh vực khác”.
“Chúng tôi bị xã hội mỉa mai, chê trách cũng chỉ vì từ chối thiên chức làm mẹ”, cô nói thêm.
Xã hội chê trách những người phụ nữ không muốn sinh con. Ảnh: The Independent UK. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Jazz Tugadi (25 tuổi) cho biết có một tiêu chuẩn kép tồn tại trong xã hội Philippines. Ngay từ khi chào đời, cuộc sống của một người phụ nữ được vạch rõ ràng, nhất định phải sinh con và lập gia đình. Xã hội mặc nhiên đó là nhiệm vụ bắt buộc của phụ nữ.
“Tuy nhiên, nếu một người đàn ông từ chối lập gia đình để gây dựng sự nghiệp, họ lại được tôn vinh và tung hô như một người vĩ đại”, cô nói.
Phải cưới mới được phép có con
Ngoài ra, phụ nữ Philippines cũng được kỳ vọng phải trở thành vợ trước khi trở thành mẹ. Đây là một quan niệm gây nhiều thách thức, khó khăn cho cuộc sống của Jeng Basijan (31 tuổi) - một nhà sản xuất chương trình truyền hình. Cô cùng bạn trai đã có hai đứa con, một trai một gái, nhưng chưa kết hôn.
Basijan kể lại: “Bố mẹ bắt chị em chúng tôi phải tuân theo nguyên tắc của họ. Chúng tôi không được hẹn hò khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chúng tôi vẫn phải kết hôn và không được có con trước khi cưới”.
Basijan vui đùa cùng con gái mình. Ảnh: Maro Enriquez. |
Khi Basijan mang thai lần đầu năm 2016 mà chưa kết hôn, gia đình bảo thủ của cô tỏ ra không mấy vui vẻ. Cô lập tức bị đuổi ra khỏi nhà. Bố tháo hết những tấm ảnh có mặt Basijan ở trên tường và vứt đi những cuốn sách cô nhọc công sưu tập.
Hiện nay, Basijan sống cùng với bạn trai lâu năm với 2 đứa con ruột của họ và 3 đứa con từ cuộc hôn nhân trước của người đàn ông. Mặc dù ở độ tuổi phù hợp để kết hôn, Bajisan không vội thúc giục bạn trai tổ chức đám cưới.
“Tôi đặt nặng chuyện tình cảm giữa hai người nhiều hơn là một lễ nghi truyền thống. Hơn nữa, vì chúng tôi đang nuôi dạy 5 đứa trẻ nên việc làm đám cưới không mấy phù hợp với hoàn cảnh thực tế”, cô chia sẻ.
Xã hội còn kỳ thị người đồng tính
Nhà làm phim Cha Roque (34 tuổi) là một người phụ nữ cũng sống bên ngoài những định kiến của xã hội. May mắn hơn Bajisan, cô lớn lên trong một gia đình tự do hơn và mang tư tưởng mẫu hệ. Hiện cô sống cùng bạn gái, con gái Kelsey và 2 chú chó trong một căn hộ cho thuê.
Roque chưa bao giờ bận tâm về xu hướng tính dục của mình, cho đến khi một vấn đề xảy ra liên quan đến con gái cô.
Roque khoe ảnh chụp cùng con gái Kelsey. Ảnh: Maro Enriquez. |
“Kelsey phải hứng chịu chỉ trích ở trường chỉ vì con bé đăng ảnh gia đình chúng tôi lên mạng xã hội. Thậm chí, giáo viên của Kelsey còn nói rằng cô bé hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng tấm ảnh này sau khi con bé trao đổi với họ. Tôi không thấy đó là cách xử lý khôn ngoan của giáo viên đối với một học sinh đang bị bắt nạt”, cô nói.
Roque thừa nhận cô và người bạn đời ngày càng cảm thấy mệt mỏi bởi lời chỉ trích thậm tệ từ những người hoàn toàn lạ mặt. Tuy nhiên, cô phải thật mạnh mẽ để bảo vệ gia đình nhỏ của mình và cả những gia đình có hoàn cảnh tương tự.
Quyền phụ nữ cần được tôn trọng
Nhiều cuộc đấu tranh về quyền phụ nữ diễn ra không ngừng nghỉ để tạo ra những cơ hội mới cho những người sống khác với chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, những phụ nữ lựa chọn cuộc sống hôn nhân và trở thành mẹ cũng không phải xấu hổ vì quyết định của mình.
“Một người phụ nữ có quyền tự quyết định những gì cô muốn và không muốn trong cuộc sống. Không ai có quyền đánh giá lựa chọn của cô ấy”, nhà nghiên cứu và hoạt động vì nữ quyền Onday khẳng định.
Trước nhiều thay đổi mới của xã hội, nhiều phụ nữ vẫn lựa chọn sống và làm theo quy chuẩn vốn tồn tại lâu đời.
Jasmin Carpio (24 tuổi) tin rằng phụ nữ nên kết hôn và sinh con.
Kết hôn và có con là niềm mơ ước nhỏ của Carpio. Ảnh: Maro Enriquez. |
“Theo tôi, phụ nữ cần lập gia đình và trở thành mẹ. Bản thân tôi thấy sẽ thiếu một phần nào đó nếu không làm vậy”, cô nói.
Carpio và người bạn trai 6 năm của cô đã bàn chuyện đám cưới nhiều lần nhưng chưa đi đến quyết định cuối cùng. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức lễ thành hôn theo nghi lễ Công giáo.
Carpio cho biết: “Làm đám cưới ở nhà thờ rất quan trọng để Chúa có thể ở bên chúng tôi trong ngày đặc biệt. Hơn nữa, cha mẹ và họ hàng tôi cũng từng kết hôn trong nhà thờ, nên tôi muốn được có những trải nghiệm tương tự”.
Tiến sĩ Verceles thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi định kiến xã hội.
Cô nói: “Ở Philippines, bạn phải có con sau khi cưới và bạn phải kết hôn rồi mới được có con. Tuy nhiên, thế hệ trẻ dần cởi mở hơn vì xã hội ngày nay có nhiều cơ hội mới”.
Đấu tranh bình đẳng giới còn là quá trình dài
Hiện xã hội nước này đã có sự chuyển mình tích cực về nữ quyền. Nhiều người đứng lên và lên tiếng về quyết định không sinh con, phá vỡ quan niệm vốn tồn tại hàng thế kỷ.
Trong một nghiên cứu năm 2018 về việc phụ nữ Philippines tự nguyện không sinh con, cô Tugadi cho biết tuổi tác, tình trạng dân sự và đặc biệt là tôn giáo đã ảnh hưởng đến quyết định trên.
Hiện Roque sống cùng bạn gái, con gái Kelsey và 2 chú chó. Ảnh: Maro Enriquez. |
Thế giới đã có sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ sinh. Nhiều phụ nữ chia sẻ do tình hình kinh tế bất ổn và sự tự do bị giới hạn nên họ từ chối quyền làm mẹ.
Những cuộc thảo luận về quyền và lựa chọn của người phụ nữ ở Philippines phải liên tục được thúc đẩy ở quốc gia này, đặc biệt trong thời điểm quyền lợi của phụ nữ bị giới hạn trên thế giới. Cuộc đấu tranh về quyền bình đẳng nam nữ sẽ còn là một quá trình kéo dài.
Tiến sĩ Verceles cho rằng việc nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng giới rất quan trọng trong xã hội, đặc biệt là khi giáo dục các chàng trai trẻ Philippines.
Đàn ông cần hiểu về tầm quan trọng của quyền phụ nữ. Bên cạnh việc tích cực vận động để cải thiện quyền và tự do cho phụ nữ, cần phải triển khai các hoạt động giáo dục đối với đàn ông về vai trò của họ trong xây dựng môi trường bình đẳng giới ở Philippines.
Một người phụ nữ hóa trang thành nữ thần hòa bình và tham gia diễu hành ủng hộ quyền phụ nữ ở Philippines năm 2018. Ảnh: Mark Z. Saludes. |
Các nhà hoạt động xã hội cho biết việc đấu tranh quyền phụ nữ không cần gì quá to tát. Hãy xuất phát từ những hành động nhỏ, dễ thực hiện nhưng bền vững. Mọi người đều có thể bắt đầu từ cách nuôi dạy con cái trong gia đình bởi cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ.
Nhà sản xuất truyền hình Basijan chia sẻ: “Tôi muốn những đứa con của mình không bị giới hạn trong những định kiến của xã hội. Nếu tôi thấy con gái tôi thích chơi ôtô thì để nó chơi. Tại sao tôi lại bắt nó bỏ ôtô để chơi búp bê chứ?”