“Have it all” (tạm dịch: có tất cả) là cụm từ được phổ biến vào những năm 1980 để nói về một người phụ nữ hiện đại hoàn hảo. Theo khái niệm này, phụ nữ tốt nhất là nên vừa có sự nghiệp thăng tiến, vừa có khả năng chăm sóc gia đình, chồng con.
Theo CNA, ba thập kỷ trôi qua, xã hội đánh giá lại vai trò giới và những tiêu chuẩn nêu trên trở thành kỳ vọng phi thực tế cùng áp lực không cần thiết đối với phụ nữ.
Phụ nữ vẫn tìm cách cân bằng công việc và gia đình, cố gắng đạt thành công trong khi chu toàn chuyện nhà cửa, con cái. Nhưng sau tất cả, thành quả họ nhận về lại là tâm trạng căng thẳng, tội lỗi, hối hận thay vì thỏa mãn và hài lòng như tưởng tượng.
Phụ nữ thường bị áp đặt khuôn mẫu phải thành công trong công việc lẫn gia đình. Ảnh: The New York Times. |
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, đại dịch Covid-19 càng làm sáng tỏ những thách thức mà phụ nữ trên toàn cầu phải đối mặt khi họ cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ không lương. Họ cũng là nhóm rời bỏ lực lượng lao động với tốc độ nhanh hơn so với nam giới.
Kiệt sức vì trách nhiệm và áp lực, cứ 3 phụ nữ thì có một người cân nhắc rời bỏ công việc hoặc chuyển sang nghề nghiệp ít căng thẳng hơn, tăng từ một trong 4 vào năm 2020, theo nghiên cứu của Women in Workplace vào năm 2021.
Định nghĩa lại “Have it all”
Theo Renée McGowan, Chủ tịch Mercer khu vực châu Á, Trung Đông & châu Phi, “have it all” giờ đây là tổn thương chứ không giúp ích gì cho phụ nữ. Chúng ta không thể định nghĩa sự thành công của một người phụ nữ với những khía cạnh hạn hẹp như sự nghiệp hay gia đình.
Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn so với thế hệ trước đây. Họ được quyền định nghĩa lại sự thành công theo cách của riêng mình.
Một số phụ nữ có thể ưu tiên gia đình và các mối quan hệ cộng đồng, trong khi những người khác lại chú trọng vào thành tích nghề nghiệp, không có lựa chọn nào kém hay tốt hơn.
Người phụ nữ tên Sarah Abou-Saleh và chiếc xe máy trong Women Riders World Relay’s - hành trình chạy xe tiếp sức của 3.500 phụ nữ khắp 6 châu lục vào năm 2020. Ảnh: The New York Times. |
Một nghiên cứu của Đại học Georgia (Mỹ) trên 250.000 người đàn ông trên toàn cầu cho thấy nam giới cũng phải vật lộn nhiều như phụ nữ để cân bằng giữa công việc và nghĩa vụ gia đình.
Thực tế cho thấy phụ nữ thường gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình nặng nề hơn nam giới, nhưng nghiên cứu chỉ ra khoảng cách này đang được thu hẹp.
Báo cáo của Ipsos & United Women Singapore 2020 cho thấy sự thay đổi thái độ giữa các thế hệ đối với việc chia sẻ trách nhiệm gia đình là đáng kể hơn ở những người dưới 35 tuổi.
“Tất cả những điều này là đáng khích lệ và chúng ta cần tiếp tục giáo dục, vận động để thay đổi tư duy về vai trò giới và chống lại định kiến giới rằng nam giới là trụ cột gia đình và phụ nữ là người chăm sóc”, McGowan nói trên CNA.
Tạo điều kiện để đàn ông chia sẻ
Cũng theo McGowan, việc một người đàn ông tạm gác sự nghiệp để chăm lo cho gia đình cũng nên được xã hội chấp nhận. Các chính sách làm việc thân thiện với gia đình nên hướng tới đối tượng là cả nam và nữ, điều này sẽ giúp xóa bỏ phân biệt đối xử về giới.
“Một số người đàn ông mong muốn được làm việc part-time hoặc linh hoạt để chăm sóc gia đình nhưng bị định kiến rằng điều này sẽ khiến họ không thể gắn bó hoặc thăng tiến tốt trong sự nghiệp. Các công ty cần phải giúp nhân viên thoát khỏi những nấc thang nghề nghiệp thông thường này.
Ví dụ, tại Đức, các công ty chỉ cho phép cặp vợ chồng nghỉ thêm thời gian thai sản có lương nếu như cả hai cùng xin làm part-time hoặc giảm giờ làm trong ít nhất 4 tháng. Điều này giúp khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình cùng vợ”, bà cho hay.
Các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc thân thiện với gia đình. Ảnh: The Straits Times. |
Trong nhiều thập kỷ, phụ nữ phải chịu sự hạn chế trong nghề nghiệp vì bị cấp trên định kiến rằng họ hướng về con cái nhiều hơn và ít cam kết với sự nghiệp. Họ cũng phải vật lộn với cảm giác mệt mỏi và sống theo những kỳ vọng truyền thống để trở thành người chăm sóc gia đình.
Họ cố gắng để “có tất cả” - làm điều người khác muốn để đạt được thành công do người khác trông đợi.
“Đã đến lúc chúng ta viết lại câu chuyện từ ‘have it all’ sang ‘share it all' (chia sẻ tất cả). Phụ nữ được quyền yêu cầu chia sẻ trách nhiệm từ cuộc sống, công việc cho đến nuôi dạy con cái và việc nhà”, McGowan nói thêm.