Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân viêm gan B cần hiểu rõ lợi ích cũng như nguy cơ của việc ngừng thuốc kháng virus với sức khỏe mẹ và bé trước khi đưa ra quyết định.
Đối với người mẹ
"Với bệnh nhân viêm gan B đã có chỉ định dùng thuốc, việc dừng thuốc chắc chắn có nhiều nguy cơ hơn lợi ích", bác sĩ Khiêm khẳng định.
Phần lớn trường hợp viêm gan B ngừng thuốc kháng virus khi vẫn còn chỉ định sẽ dẫn đến tải lượng virus trong máu tăng cao trở lại. Từ đó, bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện các đợt bùng phát viêm gan, gây tổn thương bộ phận này.
Phụ nữ viêm gan B bỏ thuốc để mang thai phải đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ảnh: NutraIngredients. |
Đặc biệt, nguy cơ này sẽ lớn hơn ở những bệnh nhân có chỉ số kháng nguyên của virus viêm gan B (HbeAg) dương tính hoặc tải lượng virus trong cơ thể còn cao.
Tùy đối tượng, hậu quả của đợi bùng phát viêm gan B cũng sẽ khác nhau. Với bệnh nhân trẻ, mức độ tổn thương gan không nhiều, hậu quả để lại do đợt bùng phát viêm gan B có thể ít nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, trường hợp tổn thương gan nặng, xơ gan, các đợt bùng phát viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan tăng nặng, ảnh hưởng tính mạng hoặc chất lượng cuộc sống. Một số sản phụ mang thai bị thay đổi miễn dịch khi dừng thuốc cũng có thể dẫn đến suy gan cấp nặng, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mẹ và bé.
Bác sĩ Khiêm thông tin việc dừng thuốc, uống thuốc không đều và thất thường còn là yếu tố thuận lợi cho việc virus sinh đề kháng thuốc. Tình trạng này gây khó khăn lớn trong việc lựa chọn thuốc điều trị cho mẹ sau này.
Khi virus kháng thuốc, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Các bác sĩ buộc phải phối hợp các loại thuốc khác nhau hoặc tăng liều. Điều này cũng làm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ cao hơn, chi phí điều trị gia tăng.
Đối với em bé
Theo bác sĩ Khiêm, việc người mẹ dừng thuốc kháng virus giúp hạn chế sự ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển của bào thai, từ đó tránh nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, không phải mọi loại thuốc kháng virus đều gây ra nguy cơ trên.
Việc người mẹ dừng thuốc viêm gan B mang lại lợi ích cho sức khỏe của bé. Ảnh: CLA. |
"Hiện nay, nhiều bằng chứng cho thấy các loại thuốc như Entercavir, Adefovir, Interferon không gây bất lợi đến em bé. Trong khi TAF chưa đủ dữ liệu để khẳng định tính an toàn, TDF lại tương đối đảm bảo cho phụ nữ mang thai", bác sĩ Khiêm cho hay.
Khi người mẹ dừng thuốc kháng virus, nguy cơ xuất hiện các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ của sản phụ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Gia đình có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho bé trong thai kỳ hoặc trẻ khi sinh không nhận được điều trị dự phòng phù hợp.
"Thậm chí, nếu tình trạng người mẹ không tốt với bệnh lý nặng, em bé cũng có nguy cơ không nhỏ về sức khỏe và tính mạng", bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nguy cơ này với bé cũng rất thấp nếu người mẹ được đánh giá có ít khả năng xuất hiện đợt bùng phát viêm gan, chỉ dừng thuốc trong 6 tháng đầu và điều trị trở lại ngay sau đó. Đồng thời em bé phải được tiêm phòng viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B đầy đủ.
Bác sĩ Khiêm kết luận: "Không có quyết định nào là hoàn toàn đúng cho tất cả bệnh nhân. Tùy sức khỏe và tình trạng bệnh lý gan của mẹ, thời gian, kết quả điều trị ra sao, bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ có trách nhiệm giải thích cho bệnh nhân hiểu về lợi ích và nguy cơ, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn là người quyết định cuối cùng".
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực khuyên tất cả phụ nữ nên sàng lọc viêm gan B trước khi có ý định mang thai để được tư vấn cụ thể. Những phụ nữ đang điều trị viêm gan B có ý định mang thai hoặc phát hiện mang thai cũng cần thông báo sớm cho bác sĩ điều trị để đưa ra quyết định phù hợp.