Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng của vaccine Covid-19 ở người tiêm đủ liều bị giảm, đặc biệt đối với biến chủng đang phổ biến là Delta. Những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể không được bảo vệ tốt trước Covid-19. Vì vậy, tiêm thêm liều thứ 3 giúp họ tăng cường phản ứng miễn dịch.
Ngày 21/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã mở rộng khuyến nghị của họ về những người, tính đến thời điểm hiện tại, có thể tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường.
Cụ thể, người đã được tiêm 2 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer được tiêm nhắc lại nếu họ: 65 tuổi trở lên; từ 18 tuổi trở lên, sống/làm việc trong viện dưỡng lão; từ 18 tuổi trở lên và có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn; từ 18 tuổi trở lên và làm việc/sống trong môi trường có nguy cơ cao.
Những người đã được chủng ngừa J&J một liều có thể được tiêm nhắc lại nếu họ từ 18 tuổi trở lên và đã tiêm vaccine J&J trên hai tháng.
Tuy nhiên, với những khuyến nghị này, phụ nữ mang thai sẽ tự hỏi liệu họ có thể và nên tiêm mũi vaccine tăng cường hay không?
Mang thai được xem là trường hợp suy giảm miễn dịch
Theo CDC, mang thai về mặt lý thuyết được coi là tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khi nói đến Covid-19. "Những người mang thai và gần đây mang thai (ít nhất 42 ngày sau khi kết thúc thai kỳ) có nhiều khả năng bị bệnh nặng do Covid-19 hơn những người không mang thai", CDC cho biết.
Niclole Fahey được tiêm mũi tăng cường vaccine Pfizer vào ngày 3/11 ở Los Angeles khi đang mang thai tháng thứ 6. Ảnh: Latimes. |
Theo tạp chí Time, Hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cũng cho biết những người mang thai, 6 tuần sau sinh, bao gồm cả nhân viên y tế, nên tiêm liều vaccine tăng cường sau khi hoàn thành các mũi vaccine ban đầu.
Hiệp hội Y học Bà mẹ - Thai nhi (SMFM) khuyến cáo phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ phải điều trị ICU gấp 3 lần; phải sử dụng ECMO gấp 2,4 lần và nguy cơ tử vong gấp 1,7 lần so với bệnh nhân không mang thai có triệu chứng.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Today, tiến sĩ Iffath Hoskins, bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế NYU Langone ở New York, cho biết khả năng miễn dịch của phụ nữ mang thai bị suy yếu khi có thêm bào thai phát triển bên trong mình.
"Với Covid-19, chúng tôi biết rằng khả năng miễn dịch thấp là một trong những yếu tố nguy cơ có thể khiến một người dễ bị nhiễm bệnh. Ở phụ nữ mang thai, điều này còn đe dọa đến tính mạng. Họ có thể mắc bệnh nặng hơn, khả năng cao cần máy thở và gặp các biến chứng rất nghiêm trọng vì hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm", tiến sĩ Hoskins chia sẻ.
Theo tiến sĩ Hoskins, nếu người mẹ giảm nguy cơ nhiễm nCoV vì tiêm liều vaccine tăng cường, thai nhi cũng tự động được bảo vệ bởi “nếu cô ấy không mắc Covid-19, đứa trẻ cũng không có nguy cơ bị lây nhiễm”. Và khi phụ nữ mang thai tạo ra các kháng thể, chúng sẽ được truyền qua nhau thai và hỗ trợ bảo vệ thai nhi bên trong.
Tiến sĩ Melissa Simon, bác sĩ chuyên khoa tại Northwestern Medicine, chia sẻ trên tạp chí Health: "Tôi nói với bệnh nhân của mình rằng vaccine Covid-19, dù là mũi đầu tiên hay mũi tiêm nhắc lại, đều hoàn toàn an toàn và được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai".
Bác sĩ phụ khoa Christine Greves tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ sơ sinh Winnie Palmer (Florida, Mỹ) kêu gọi những người mang thai cân nhắc tất cả rủi ro, lợi ích và lựa chọn thay thế trong bất kỳ tình huống y tế nào, bao gồm cả quyết định tiêm liều vaccine tăng cường.
"Chúng tôi không nhìn thấy nhiều rủi ro từ vaccine, nhưng lại chứng kiến rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 và tử vong. Việc tiêm liều tăng cường trong thời kỳ mang thai sẽ rất hợp lý khi hiện có nhiều dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm sau 6 tháng", tiến sĩ Greves nói.
Liều vaccine Covid-19 tăng cường sẽ bảo vệ cho cả phụ nữ mang thai và em bé. Ảnh: Methodisthealthsystem. |
Khi nào phụ nữ mang thai nên tiêm mũi nhắc lại?
Những người đang mang thai, từ 18 tuổi trở lên và đã chủng ngừa bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna, nên tiêm nhắc lại sáu tháng sau mũi thứ 2.
Trong khi đó, phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở lên và đã được tiêm vaccine J&J nên tiêm nhắc lại ít nhất hai tháng sau liều ban đầu. Họ có thể chọn tiêm vaccine nhắc lại giống loại của những liều trước đó hoặc có thể trộn với loại khác tùy thuộc nhu cầu và khuyến cáo.
SMFM lưu ý rằng liều vaccine nhắc lại cũng giống những mũi trước đó, có thể được tiêm bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Tiến sĩ Hoskins nói: "Tam cá nguyệt đầu tiên là khoảng thời gian quan trọng vì các bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ nên cẩn thận trong thời kỳ này. Tuy nhiên, hiện tại, không có khuyến cáo nào về việc phụ nữ mang thai cần tránh tiêm vaccine hoặc liều nhắc lại trong 3 tháng đầu tiên".
Hiện tại, nhiều người vẫn băn khoăn, lo lắng về mũi 3 khi từng gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau các mũi tiêm trước đó hoặc thấy nhiều người bị tác dụng phụ sau liều nhắc lại.
Giáo sư Kjersti Aagaard, khoa Sản và Phụ khoa thuộc Đại học Y Baylor và Bệnh viện Nhi đồng Texas, khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc Tylenol (được coi là an toàn khi mang thai) trong trường hợp bị sốt sau tiêm và cần uống nhiều nước.
"Nếu bạn cảm thấy không khỏe với các liều trước đó, tôi thực sự khuyên bạn nên uống thuốc sau mũi tăng cường và có thể nghỉ ngơi ngày hôm đó nếu có thể, để an toàn", tiến sĩ Simon nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết rất nhiều người không gặp tác dụng phụ sau tiêm mũi tăng cường, ngay cả khi họ có phản ứng trong loạt vaccine trước đó.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.