Đại sứ Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada Jacqueline O’Neill phát biểu tại sự kiện ngày 30/5. Ảnh: An Bình |
Sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là "những nhân tố mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi, giúp xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài", Đại sứ Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada Jacqueline O’Neill khẳng định tại hội nghị quốc tế "Nữ sĩ quan công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc - cơ hội và thách thức" ngày 30/5 tại Hà Nội.
Sự kiện do Học viện An ninh Nhân dân phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức với sự hỗ trợ của chính phủ Canada. Tại hội nghị, ngoài thảo luận những rào cản mà các sĩ quan phải đối mặt trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đào tạo, các đại biểu cũng chỉ ra những thay đổi tích cực do sự tham gia của nữ sĩ quan vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Những đại biểu tham dự hội nghị cũng được nghe chia sẻ của 2 nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là đại úy Vũ Nhật Hương và trung tá Lương Thị Trà Vinh. Trong đó, trung tá Lương Thị Trà Vinh là nữ sĩ quan cảnh sát đầu tiên tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cao hơn mục tiêu của Liên Hợp Quốc
Phát biểu tại hội nghị, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân cho biết tỉ lệ nữ chiến sĩ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc chiếm trên 13%, cao hơn tỉ lệ trung bình các nước khoảng 9%. Tỉ lệ này đang ngày càng tăng lên với quá trình mở rộng về quy mô và hình thức gìn giữ hòa bình.
"Những chia sẻ của các quân nhân trong hội nghị là cơ sở để Việt Nam triển khai hiệu quả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó có sự tham gia của các nữ sĩ quan. Việc các nữ chiến sĩ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là điểm nhấn trong công tác quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam với tư cách một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tin cậy, có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế", đại Trịnh Ngọc Quyên cho hay.
Trung tá Lương Thị Trà Vinh giới thiệu phần quà là bức chân dung được một em học sinh ở Nam Sudan tặng sau thời gian cô công tác tại quốc gia châu Phi. Ảnh: An Bình |
Theo Đại sứ O’Neill, một trong 5 trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada là hợp tác với các quốc gia khác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh cho khu vực. Điều này bao gồm việc hợp tác trong lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, giải quyết khủng hoảng, chống khủng bố.
"Chúng tôi hiểu rằng sự tham gia đầy đủ của phụ nữ nhằm tạo ra một góc nhìn toàn cảnh có vai trò then chốt trong việc thực hiện tất cả mục tiêu trên, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh", đại sứ Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada cho biết.
"Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế với tỷ lệ cao hơn mục tiêu được Liên Hợp Quốc đặt ra, đặc biệt là sự tham gia của các nữ sĩ quan", bà O'Neill bổ sung.
Tại thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada, Đại sứ O'Neill khẳng định sự hợp tác, phát triển sâu rộng nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ, ổn định hòa bình và an ninh sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia.
"Trong chuyến thăm lần này, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, tôi cũng muốn học hỏi những chính sách được các bạn áp dụng trong lĩnh vực liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh", bà cho biết.
Thực hiện ước mơ
Trả lời phóng viên bên lề hội nghị, đại úy Đỗ Huyền Trang, sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại Trung Phi (MINUSCA), cho biết từ lâu đã có ước mơ muốn được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
"Càng làm việc trong môi trường quân đội, tôi càng đam mê một ngày sẽ đạt được quân hàm cần thiết để được tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Khi được thủ trưởng hỏi rằng có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù phải xa con nhỏ và xa gia đình, tôi đã nói rằng đây là ước mơ của tôi. Tôi tin khi con trai lớn lên, cháu sẽ hiểu mẹ và biết được công việc ý nghĩa mà tôi đã làm", đại úy Đỗ Huyền Trang chia sẻ.
Theo đại úy, người dân bản địa thường có xu hướng cởi mở và chia sẻ nhiều hơn với những nữ chiến sĩ của phái bộ thay vì nam quân nhân.
Đại úy Đỗ Huyền Trang nói về trải nghiệm khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ảnh: An Bình. |
"Các đối tượng dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột tiềm ẩn thường là phụ nữ và trẻ em. Những người này khi tâm sự với nữ quân nhân thì họ sẽ chia sẻ nhiều hơn. Phụ nữ cũng có điểm mạnh là rất mềm dẻo, kiên nhẫn và có sức chịu đựng, giúp hạ nhiệt các tình huống xung đột căng thẳng khi các bên rất hiếu chiến", cô cho biết.
Bên cạnh lợi thế khi làm việc trong phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đại úy Đỗ Huyền Trang cũng nói về những rủi ro mà nữ quân nhân phải đối mặt.
"Từ cơ sở hạ tầng đi lại cho đến các điều kiện sinh hoạt như điện và nước đều rất thiếu thốn. Có nhiều thời điểm chúng tôi phải sống cả tuần mà không có nước và phải đi lấy nước từ sở chỉ huy hoặc đi mua ở ngoài. Phụ nữ khi tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình cũng dễ bị thương tổn hơn so với nam giới", đại úy Đỗ Huyền Trang chia sẻ.