Ngày 7/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo của Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) và 13 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC diễn ra phần xét hỏi.
Nhiều cựu lãnh đạo PVC nhận sai
Đứng trước bục khai báo, Vũ Đức Thuận (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) là người đầu tiên trả lời HĐXX. Bị cáo 47 tuổi là người duy nhất kháng cáo 2 tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.
Ông Thuận xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và hạ mức bồi thường dân sự cho 2 tội. "Bị cáo thấy tòa sơ thẩm tuyên án 22 năm tù và bồi thường 7,5 tỷ là quá nghiêm khắc”, Thuận giãi bày.
Khai với HĐXX, nguyên Phó tổng giám đốc PVC cho hay thời điểm xảy ra vụ án, ông ta biết hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý và hồ sơ còn thiếu nhiều tài liệu.
Tuy nhiên, ông Thuận trình bày lúc đó, PVC đang gặp khó khăn về tài chính, phải vay ngân hàng khoảng 800 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Bị cáo nói ông đã được HĐQT PVC giao nhiệm vụ, ký hợp đồng để tạm ứng tiền. Sau khi ký, số tiền được dùng để trả nợ ngân hàng và đổ vào các dự án.
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại phiên tòa sáng 7/5. Ảnh: TTXVN. |
Vũ Đức Thuận khẳng định án sơ thẩm kết luận ông ta phạm 2 tội là không oan. “Bị cáo không tư lợi cá nhân, trong việc này PVC có lợi, mong HĐXX xem xét”, ông Thuận bày tỏ.
Tiếp đó, Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch PVC) khai trước tòa và khẳng định, ông ta ký hợp đồng 33 theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh. Ông Quý cho rằng bản thân được giao và ký thay mặt HĐQT.
"Bị cáo có biết hợp đồng 33 không đủ căn cứ pháp lý không?". Đáp lại câu hỏi của chủ tọa, ông Quý nói sau này mới biết.
Trình bày lý do xin giảm nhẹ hình phạt, Nguyễn Ngọc Quý giãi bày do năng lực quản lý tài chính của bản thân còn hạn chế. Bị cáo chỉ là người làm công hưởng lương, thực hiện công việc theo chỉ đạo. "Bị cáo chỉ nghĩ ký hợp đồng là ký, không nghĩ hậu quả gì cả", ông Quý khai.
Cùng xin kháng cáo, Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) tỏ mong muốn tòa phúc thẩm xem xét giảm hình phạt và giảm bồi thường dân sự. Theo bản án sơ thẩm, ông Quỳnh chịu mức án 7 năm tù và liên đới bồi thường 6 tỷ đồng.
"Bị cáo có nhận thức khiếm khuyết về hợp đồng 33. Bị cáo có tiền sử bệnh tiểu đường, sức khỏe yếu, xin nhận tội nhưng kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt", ông Quỳnh nói.
Cha con ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút kháng cáo
Trong phần thủ tục buổi sáng cùng ngày, HĐXX công bố Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch PVC) đã rút đơn kháng cáo cả 2 bản án sơ thẩm trong các vụ án trước. Bị cáo này cho biết do gặp vấn đề sức khỏe, ông chấp nhận án chung thân, không đến tòa phúc thẩm.
Cũng trong phần thủ tục, ông Trịnh Hùng Cường (con trai Trịnh Xuân Thanh) cũng rút đơn. Trước đó, ông Cường kháng cáo đề nghị trả lại biệt thự và ôtô.
Trong vụ án này, theo bản án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh đã ký hợp đồng EPC số 33 khi hồ sơ không đầy đủ. Sau khi ký, ban giám đốc PVC có tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt nội dung. Bị cáo Thanh đã ký phiếu lấy ý kiến phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu.
Trịnh Xuân Thanh biết rõ PVC không đủ năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Khi nhận tiền tạm ứng thực hiện dự án đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Hành vi của bị cáo cũng gây cho hàng loạt các bị cáo dưới quyền vướng lao lý.
Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống để chiếm đoạt, tham ô 4 tỷ đồng.
Sáng mai (8/5), HĐXX tiếp tục làm việc.