Cắn móng tay vốn được xem là một dạng “tật” khó bỏ ở nhiều người. Với đa số trường hợp, chúng xuất hiện ngay từ thời thơ ấu và nếu không chủ đích sửa, hành động này thậm chí kéo dài tới lúc lớn, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, sức khỏe cũng như quan hệ xã hội.
Cắn trong vô thức
Chia sẻ với Zing, Đ.L.V. (nam, 25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận đã bắt đầu thói quen cắn móng tay từ khi còn rất nhỏ. Nam thanh niên này không nhớ chính xác mình bắt đầu tật xấu này từ bao giờ.
“Tôi cắn móng tay khi chờ đợi, lúc nói chuyện với bạn bè, ngồi học, suy nghĩ và với tần suất nhiều hơn ở những thời điểm lo lắng, căng thẳng”, V. nói.
Hành động này của V. đã được gia đình và bạn bè phát hiện từ lâu và khuyên nhủ. Bản thân V. cũng nhận thức được thói quen này không tốt nhưng chưa từng nghiêm túc “cai” cắn móng tay.
Ngược lại, V. chấp nhận thói quen cắn móng tay là một phần trong cuộc sống của mình. Đầu ngón tay của V. vì thế luôn trong tình trạng ngắn ngủn, móng tay chưa kịp mọc đã bị cắn nát nên rất nhỏ, chỉ dài khoảng 0,5 cm.
Thói quen cắn móng tay gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và cả nguy cơ về sức khỏe. Ảnh: BSCC. |
V. cho biết còn nhiều lần tự khoe phần ngón tay của mình cho bạn bè và bông đùa về chúng như một “chiến tích”.
“Dù không đẹp nhưng nhờ thế, tôi hiếm khi phải dùng tới dụng cụ cắt móng tay”, V. cười.
Tương tự, C.G.K. (nữ, 24 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) cũng mang theo thói quen khó bỏ của việc cắn móng tay. Tuy nhiên, khác với V., K. bày tỏ sự khó chịu rõ rệt với những phần móng, da thừa ở ngón tay và thường dùng miệng để giải quyết vấn đề ngay lập tức.
“Trong vô thức, đôi khi tôi tự chạm vào các đầu ngón tay. Nếu vô tình phát hiện những phần móng nhọn, da thừa, cảm giác sẽ rất khó chịu. Không phải lúc nào cũng có dụng cụ cắt móng tay bên cạnh nên việc cắn bỏ chúng tiện lợi hơn nhiều”, K. chia sẻ.
Tuy nhiên, K. thừa nhận hành động này cũng mang lại vấn đề ở một số tình huống. Cụ thể, khi vô tình cắn quá sâu, phần đầu ngón tay của T. có thể bị chảy máu hoặc gây cảm giác đau đớn, khó chịu khi làm việc với bàn phím máy tính.
Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Theo bác sĩ chuyên khoa I Đinh Ngọc Liên, khoa Da liễu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), hành vi cắn móng tay ở một số người thường bắt đầu từ thời thơ ấu và có thể tiếp diễn khi trưởng thành.
Vị chuyên gia khẳng định các tác dụng phụ của hành động này có thể nhiều hơn vấn đề gây mất thẩm mỹ.
Cụ thể, cắn móng tay nhiều lần có thể khiến vùng da xung quanh móng tay bị đau, làm hỏng các mô giúp móng tay phát triển, dẫn đến móng tay có vẻ ngoài bất thường.
“Cắn móng tay mạn tính còn khiến bệnh nhân dễ bị tổn thương khi truyền vi khuẩn và virus có hại từ miệng sang ngón tay và từ móng tay tới mặt hay miệng”, bác sĩ Liên nói thêm.
Từ đây, vị chuyên gia đưa ra một số mẹo có thể xử lý tình trạng này cũng như ngừng việc cắn móng tay:
- Cắt ngắn móng tay: Có ít móng hơn sẽ giúp chúng ta hạn chế hành vi cắn, giảm sự cám dỗ.
- Sơn móng tay có vị đắng: Loại sơn này thường có sẵn trên thị trường, không cần kê đơn, công thức an toàn. Loại sơn có hương vị khó chịu này sẽ khiến nhiều người ngừng cắn móng tay.
Sơn móng tay có vị đắng là một trong những phương pháp giúp "cai nghiện" cắn móng tay. Ảnh minh họa: rashid_khreiss. |
- Dùng băng dính, miếng dán để che móng tay hoặc đeo găng tay nhằm tránh bị cắn.
- Thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt: Ví dụ, khi cảm thấy muốn cắn móng tay của mình, chúng ta có thể thử chơi với một quả bóng mềm hoặc các loại đồ chơi dẻo. Điều này sẽ làm cơ thể xao nhãng, bận rộn, từ đó để tay tránh xa miệng.
- Xác định các yếu tố kích thích dẫn đến cắn ngón tay: Theo bác sĩ Liên, đây có thể là những yếu tố thể chất, chẳng hạn sự xuất hiện của xước măng rô hoặc các tác nhân khác như buồn chán, căng thẳng hoặc lo lắng.
“Bằng việc tìm ra nguyên nhân gây cắn móng tay, chúng ta có thể có cách tránh những trường hợp này và lập kế hoạch ngăn chặn”, vị chuyên gia nói.
- Cố gắng dần ngừng cắn móng tay: Trước tiên, người bệnh được khuyên nên cố gắng ngừng cắn một ngón tay bất kỳ, chẳng hạn móng tay cái. Khi việc này thành công, chúng ta sẽ tiếp tục loại bỏ dần móng tay ở ngón trỏ, sau đó tiến tới toàn bộ bàn tay.
Dù vậy, bác sĩ Liên lưu ý với một số người, tình trạng cắn móng tay có thể là dấu hiệu của vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Do đó, sau khi nhiều lần cố gắng “cai” cắn móng tay nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng da và móng tay, người bệnh nên tìm tới bác sĩ để thăm khám và tham khảo ý kiến.