Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương pháp điều trị sống còn sau mổ ung thư trực tràng

Nhạc sĩ Trần Lập vừa trải qua ca phẫu thuật ung thư trực tràng hôm 6/11. Theo chuyên gia y tế, bước tiếp theo trong việc điều trị căn bệnh đặc biệt quan trọng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, hiện sức khỏe nhạc sĩ Trần Lập tạm ổn sau ca phẫu thuật ung thư đại trực tràng ngày 6/11. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định căn bệnh của anh thì phải đợi 4-7 ngày sau mổ. Nguồn tin này từ chối tiết lộ thêm tiên lượng căn bệnh của Trần Lập.

Để hiểu rõ hơn về các bước tiếp theo trong cuộc chiến chống ung thư đại tràng, Zing.vn đã tìm đến chuyên gia chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản trong việc điều trị ung thư đại tràng sau phẫu thuật.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết, ung thư đại trực tràng chia thành các giai đoạn dựa trên kích thước bướu và tình trạng của bướu xâm lấn các cơ quan tại chỗ.

Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, khả năng trị khỏi bệnh rất cao. Ở giai đoạn trễ, các tế bào ung thư có thể chạy đến hệ hạch bạch huyết (di căn hạch) và cuối cùng là di căn các cơ quan khác như gan, phổi. Nếu khối ung thư có thể cắt bỏ được, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật. Ngược lại, nếu không thể cắt bỏ được khối ung thư, hóa trị liệu thường là chọn lựa đầu tiên.​

Phương pháp phẫu thuật trong điều trị ung thư đại trực tràng là giải pháp được chọn lựa đầu tiên để cắt bỏ đoạn ruột mang bướu ra khỏi cơ thể với khoảng an toàn cách xa bướu. Đồng thời phải lấy hết các hạch bạch huyết đi kèm nhằm phòng tránh nguy cơ tái phát tại chỗ. Hai đầu ruột sau khi cắt sẽ được nối lại, tạo sự thông thương như đường ruột bình thường nhờ các phương tiện khâu nối máy.

Bệnh nhân có thể được phẫu thuật ít xâm lấn (mổ nội soi) hoặc mổ mở cũng tùy theo tiến trình bệnh. Trong đó, phẫu thuật nội soi chỉ có thể thực hiện được tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo dõi tái phát

Bệnh nhân sau mổ phải được theo dõi chặt chẽ về tình hình bệnh để tìm ra những biểu hiện sớm của các triệu chứng tái phát. Chúng có thể tái phát tại chỗ (gần vị trí khối u trực tràng ban đầu) hay tại các cơ quan xa như phổi hoặc gan.  Ung thư tái phát thường từ 2-3 năm đầu sau phẫu thuật. Phát hiện sớm ung thư tái phát có ý nghĩa sống còn đối với việc cứu sống bệnh nhân. Theo bác sĩ Viết, phát hiện tái phát càng sớm, kết quả điều trị càng cao. Mổ lại có thể trị khỏi khi tái phát còn giới hạn tại chỗ.

“Phẫu thuật cũng có thể trị khỏi cho những vị trí di căn còn giới hạn, như di căn gan. Gần 40% bệnh nhân sống được 5 năm sau khi được cắt một phần gan do di căn. Thời gian theo dõi được khuyến cáo là từ 3-6 tháng trong ba năm đầu, mỗi 6 tháng cho năm thứ tư và năm thứ năm, sau đó là mỗi năm nên tái khám một lần”, bác sĩ Viết thông tin thêm.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm