Đây là phương pháp chống tại nghiên trên cơ sở xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PDS) công bố.
Cai nghiện sau 10 năm chìm đắm trong khói thuốc
Phương pháp này dựa trên nền tảng lý thuyết về hệ thống chức năng được phát triển bởi P.K. Anokhin; các phương pháp khơi gợi ngôn ngữ tình cảm của các nhà khoa học như I.M, Schenov, P.V, Pavlov...
Ông Lê Trung Tuấn, chủ tịch hội đồng sáng lập trung tâm cho biết: Phương pháp nhằm ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn, thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy, trong đó căng thẳng tâm lý là động cơ chủ yếu.
Theo đó, nó tập trung vào giai đoạn chống tái nghiện, với tỷ lệ cai nghiện bước đầu thành công là 60%. Đây là phương pháp điều trị ngoại trú, không dùng thuốc, tác động đến tâm lý tạo cho người nghiện niềm tin nghiện ma túy hoàn toàn chữa được.
Là một trong số những người cai nghiện thành công bằng phương pháp này, anh Lương Minh Tuấn (sinh năm 1977) kể lại, anh bắt đầu sử dụng ma túy từ năm 2001 khi bắt đầu bước chân vào trường ĐH Luật. Trong suốt thời gian nghiện, anh đã rất nhiều lần đi cai ở các trung tâm và cũng tự mua thuốc về cai tại nhà nhưng tất cả các hình thức cai nghiện đều trở nên vô nghĩa.
“Chỉ cần bước ra khỏi trung tâm, trở về nhà, vào nhà vệ sinh là tôi lại lên cơn thèm thuốc. Trong hơn 10 năm nghiện, không nhớ bao lần đi cai, tôi chỉ biết thời gian cách ly với thuốc lâu nhất chỉ từ 10- 15 ngày, rồi lại tái sử dụng”, anh Tuấn nói.
Chiếc gương trong nhà tắm – nơi anh Tuấn thường đứng trước gương, soi mình và hưởng thụ cảm giác phê sau mỗi lần hút, chích mang lại – chính là lý do khiến anh tái nghiện.
Sau khi tìm đến Trung tâm PDS, anh Tuấn đã được các chuyên gia hướng dẫn tập luyện. Những buổi chuyện trò, những bài test tâm lý đã giúp anh cân bằng tâm lý, thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của bản thân, cũng là tác nhân gây tái nghiện.
Chuyên gia nói gì?
Có mặt tại buổi hội thảo,Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, phương pháp này xuất phát từ cơ sở khoa học quốc tế, không dùng thuốc. Tuy nhiên, kết quả thực tế đến đâu còn phải chờ xem xét, công nhận của nhà khoa học.
“ Qua các bài trình bày chúng tôi chưa rõ lắm về khía cạnh họat động thực tiễn của việc đưa phương pháp này vào như thế nào? Nói gì với người nghiện, ai nói, nói ở đâu, thời điểm nào, nói trong bao lâu thì người nghiện có thể có chuyển biến...
Vì thế, tôi đề nghị Trung tâm cố gắng nghiên cứu thêm, đăng ký đề tài với cơ quan khoa học để được công nhận bằng hội đồng khoa học; từ đó mới có cơ sở để áp dụng”, thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm Ma túy (Bộ Công An) cho rằng, đã từng đọc một tài liệu của Nga trong đó nêu rõ muốn cai nghiện chỉ có “ khoét não”- điều này cho thấy việc cai nghiện ma túy không hề dễ dàng. “Trên thực tế việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình không hiệu quả - 100% tái nghiện.
Còn vào trung tâm cai nghiện thì như biến tướng của trại tù. Đặc biệt, người nghiện nói nhẹ không nghe, động viên cũng khó suy chuyển chỉ có dùng bạo lực cưỡng ép thì mới thay đổi hành vi. Vì thế, khi nghe về phương pháp này, tôi thấy rất hay. Tuy nhiên vẫn cần có những nghiên cứu, những dẫn chứng cụ thể hơn nữa” – vị đại diện nhấn mạnh.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến tháng 9/2014 cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy vẫn gia tăng hằng ngày, hằng giờ.
Cùng với đó là tình trạng trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy khi có tới 74% người nghiện nằm trong độ tuổi lao động 18-35 và 1% dưới 18 tuổi.