PGS Cương chống chọi với bệnh
Gặp PGS Văn Như Cương, trông thầy hơi gầy nhưng vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, tay vẫn gõ bàn phím máy tính, vẫn vui vẻ đọc thơ. Thầy Cương bảo: “Tôi đã 79 tuổi rồi nhưng vẫn sung sức, cường tráng, không thể chết được đâu. Lúc nghe tin mình bị ung thư gan, tôi còn nghĩ hay bác sỹ chẩn đoán nhầm bệnh?
PGS Văn Như Cương đã bình phục. |
Lúc đi khám và kiểm tra đường tiết niệu, không ngờ lại ra ung thư gan nhưng may mắn là phát hiện không phải đã quá muộn. Nếu ung thư gan mà có dấu hiệu đau thì đã muộn rồi. Tôi chả có biểu hiện đau gan gì cả”.
“Thầy có suy sụp tinh thần không khi biết mình bị bệnh nan y?" . Người thầy già cười nhẹ: “Trong cuộc sống, cách xử sự khi tôi gặp khó khăn đều là không e ngại, và tôi phải vượt qua được.
Đối với bệnh tật, mình phải chống chọi đến cùng, lạc quan, nghĩ rằng mình có thể qua được. Người thân còn lo hơn tôi, tôi nói tôi chả lo lắng gì. Trong tôi không hề có ý nghĩ, không hề lởn vởn khả năng xấu nhất.
Tôi còn đùa, tôi lạc quan là vì, tôi đã 79 tuổi, sống thế này đủ rồi”.
Trong cuộc nói chuyện, có người bạn già gọi điện hỏi thăm, thầy vui vẻ nói: “Bệnh ung thư ai cũng sợ chết khiếp nhưng giờ bệnh của mình tan rồi. Hôm bạn đến thăm ở viện, mình không biết gì. Giờ mình khỏi chắc chắn rồi, không lo gì nữa”.
PGS Văn NhưCương kể tiếp câu chuyện, tháng 7/2014, ông đi khám đường tiết niệu, bác sỹ phát hiện ông bị ung thư gan. Đi khám tại BV Việt – Đức, bác sỹ tái khẳng định căn bệnh của ông. Nhưng may mắn là khối u chưa di căn.
Bác sỹ đưa ra 3 khả năng: ghép gan; cắt khối u hoặc nút động mạch gan. Hai phương án đầu khó khả thi vì muốn ghép gan cần đợi người hiến tạng. Phương pháp thứ 2 nguy hiểm vì thầy đã già. Và thầy Cương chọn phương án cuối cùng.
Lần thắt nút động mạch gan đầu tiên, PGS Văn Như Cương được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức. Thầy ở lại viện truyền thuốc, theo dõi 5 ngày.
Sau đó, gia đình đưa ông đến điều trị ở một bệnh viện có điều kiện vật chất tốt hơn để tiện chăm sóc. Tại đây, ông được GS.TS Phạm Minh Thông – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tiến hành nút hóa chất động mạch điều trị ung thư gan. Nút xong, thầy Cương thấy sức khỏe rất tốt, ông có thể làm việc, đi lại được dù ăn vẫn không ngon miệng.
Sau lần nút động mạch gan đầu tiên, PGS Văn Như Cương dùng thuốc của một lương y ở Sóc Sơn, Hà Nội kết hợp thấy sức khỏe tiến triển tốt.
Giáo sư nói về phương pháp thắt nút động mạch gan
Phương pháp thắt nút động mạch gan của bác sỹ Bệnh viện Việt Đức cũng như 2 lần thắt động mạch gan do GS Thông thực hiện cùng với thuốc Đông y mà PGS Cương dùng đã đẩy lùi căn bệnh ung thư gan 1 cách đáng kinh ngạc.
PGS Cương: Trong cuộc sống, cách xử sự khi tôi gặp khó khăn đều là không e ngại, và tôi phải vượt qua được. |
Khi kiểm tra sức khỏe, khối u đã được khống chế, không còn phát triển. Hiện, thầy Cương vẫn dùng thuốc Đông y hàng ngày.
Sáng dậy, thầy Cương ngồi thiền 1 tiếng, uống tam thất trước bữa ăn, thời gian trong ngày, thầy uống nước đun từ nấm lim xanh thay trà.
Về hai phương pháp mà PGS Văn Như Cương áp dụng, bản thân ông cho rằng, nhờ sự kết hợp này mà bệnh ung thư của ông được đẩy lùi.
GS Phạm Minh Thông – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người đầu tiên đưa phương pháp thắt nút động mạch gan vào Việt Nam chia sẻ với VTC News: “Khi tiếp nhận trường hợp bệnh của PGS Văn Như Cương, tổn thương gan khá nặng, khối u đã 7-8 cm, tắc tĩnh mạch cửa, khối u xâm lấn ra tĩnh mạch cửa chưa phải là muộn nhưng sớm nữa vẫn tốt hơn. Nếu không được chữa trị sớm, sẽ tắc hết tĩnh mạch và rất nguy hiểm đến tính mạng”.
Theo GS Thông, nút hóa chất động mạch TACE là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u.
Hình minh họa nút hóa chất động mạch chọn lọc và siêu chọn lọc khối ung thư gan. Hóa chất nút mạch đọng trong khối u, động mạch nuôi (mầu vàng) và trào một phần sang tĩnh mạch cửa (mầu xanh). |
Từ đó, mạch máu chỗ dẫn đến nuôi khối u bị chặn không còn vào nuôi chỗ u nữa. Nếu khối u lớn phải làm nhiều lần, nếu khối u nhỏ có thể làm 3-4 lần tùy kích cỡ.
Có người làm 10-12 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 tháng để kiểm soát máu không cho máuđến khối u. Bệnh nhân bị ung thư thường khám lại 1-2 tháng. Tôi có nhữngbệnh nhân ung thư gan khỏi bệnh, có người vẫn sống khỏe sau 15 năm”, ông nói.
Với bệnh ung thư gan, GS Thông cho biết: Nếu khối u 5-7 cm thì có thể điều trị tốt, trên 10 cm thì khó hơn. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan thường không có triệu chứng mà phải đi khám thường xuyên. Những người bị viêm gan B cần hết sức cẩn trọng.
Người dùng bia rượu cũng có nguy cơ vì có nguy cơ xơ gan, xơ gan hoặc viêm gan mãn tính dẫn đến ung thư gan. Tỉ lệ mắc ung thư gan thường nam nhiều hơn nữ. Về tình trạng sức khỏe của PGS Văn Như Cương, GS Thông cho rằng, kết quả khá tốt, khối u tương đối ổn định, không phát triển. Tuy nhiên, cần tiêm cồn đểtiêu diệt tế bào ung thư.