Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương pháp trị sởi hiệu quả tại nhà

Nếu không được chữa trị kịp thời, sởi sẽ gây ra nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao. Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh có thể thực hiện ngay tại nhà.

Theo lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, sởi là căn bệnh cấp tính truyền nhiễm, thường những trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi hay mắc phải. Nguyên nhân là cơ thể bị thấp nhiệt, nhiệt độc tích tụ bên trong gây nên cảm, mọc sởi. Bệnh có hai dạng là sởi thuận và sởi nghịch, tùy vào mỗi loại có cách chữa trị khác nhau.

1. Bệnh sởi thuận

Bệnh tiến triển qua 3 giai đoạn, tùy vào từng thời điểm, triệu chứng, lương y Bùi Hồng Minh sẽ chia sẻ các bài thuốc khác nhau.

Giai đoạn sơ khởi (từ 3-5 ngày): Bệnh nhân sốt đột ngột rồi tăng dần, ngạt mũi, ho, mắt đỏ, sợ ánh sáng, rêu lưỡi trắng mỏng, đi ngoài phân lỏng, chảy nước mắt nước mũi, dưới dái tai có nhiều mụn nhỏ màu đỏ nhạt.

Bài thuốc: Cát căn (sắn dây) 12 g, lá tre (12 g), kinh giới (10 g), ké đầu ngựa (10 g), cam thảo đất (10 g), kim ngân hoa (8 g), rau diếp cá (10 g), cây rau mùi đã có hoa (10 g).

Giai đoạn thứ hai là khi sởi mọc sẽ theo một chu trình: Sởi mọc bắt đầu từ sau tai, gáy, đến phần đầu, mặt, lưng, ngực, bụng và tay chân. Lúc này sởi có màu hồng nhạt, bắt đầu rời rạc sau đó tụ thành từng đám, hơi nổi trên bề mặt da. Kèm theo đó bệnh nhân sẽ sốt cao, khát nước, ho suyễn nặng lên, buồn phiền, lưỡi đỏ, trẻ em có thể co giật.

Bài thuốc: Lá tre (20 g), sài đất (16 g), sắn dây (12 g), kim ngân hoa (16 g), sa sâm (12 g), cam thảo đất (12 g), mạch môn (16 g). Ngoài ra, lấy cây hạt rau mùi, hoặc nước lá kinh giới để tắm cho bệnh nhân, giúp những nốt sởi phát nhanh hơn đến hết.

Giai đoạn 3 là giai đoạn sởi bay: Nếu không có biến chứng, thường 3-5 ngày sởi sẽ nhạt dần rồi chuyển sang màu thẫm, tuần tự những nốt sởi sẽ mất như khi mọc, để lại vảy trắng nhỏ, không thành sẹo. Bệnh nhân hạ sốt dần, tinh thần và ăn uống khá lên, sau đó một tuần sẽ trở lại bình thường.

Bài thuốc: Sa sâm (12 g), ngọc trúc (12 g), mạch môn (12 g), cam thảo (4 g), lá dâu (8 g), thiên hoa phấn (6 g), bạch biển đậu (hạt đậu trắng) (6 g).

2. Sởi nghịch

Sởi nghịch là do các nhiệt độc tích bên trong không phát được ra ngoài mà tấn công vào lục phủ ngũ tạng.

Lúc này bệnh nhân thường có những biểu hiện như sởi mọc không theo trình tự thông thường, chưa mọc đầy đã lặn, thời gian mọc sởi thất thường, sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh, sốt kéo dài. Ngoài ra, một số trường hợp có thể sốt kéo dài mà sởi vẫn chưa mọc, hay sởi mọc dày mà vẫn còn sốt cao, quanh môi tím tái.

Bài thuốc: Ma hoàng (8 g), hoàng cầm (12 g), hạnh nhân (8 g), thạch cao (12 g), sắn dây (10 g), lá diếp cá (12 g), cam thảo (4 g).

Lưu ý chung

Cách sắc thuốc: Rửa sạch, đem thuốc bỏ vào nồi, đổ 3 bát nước, đun cạn lại còn một bát. Ba lần sắc như vậy sẽ được 3 bát thuốc, hòa chung số thuốc này vào rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Cách làm này áp dụng cho tất cả các bài thuốc trên. Với trẻ em liều lượng uống ít hơn, mỗi lần chỉ khoảng 15-20 ml. 

Thời gian uống: Mỗi lần uống trước hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút, uống khi thuốc còn ấm. 

Người bệnh kiêng ra gió, không tắm nước lạnh, không ăn hạt tiêu, mít, dứa, thịt bò, thịt gà, tránh ăn những thứ có dầu mỡ. Sau khi sởi bay, bệnh nhân nên ăn cá trê, bệnh sẽ khỏi nhanh hơn.

(Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh)

 

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm