Mông và ngực đè bẹp tất cả
- Hãy bắt đầu bằng tên chuyên đề: Chấn hưng nhạc Việt, theo chị nhạc Việt có gì để chấn hưng và sẽ chấn hưng như thế nào?
- Phải có một chấn động mang tính tích cực, nhạc Việt mới hưng thịnh được. Truyền thông đã làm cho một số gương mặt không phải là nghệ sĩ nhưng vẫn tồn tại trên mặt báo. Muốn có nền âm nhạc hưng thịnh, đẹp đẽ và có sự tôn trọng như ngày trước phải có sự chọn lọc, sự tự cao của một bộ phận báo chí cũng như công chúng.
Bây giờ làm nghệ sĩ dễ quá nên không còn giá trị nữa, chỉ cần hát vài bài được luyện trong phòng karaoke là đã thành ca sĩ. Giá trị thực sự của nghệ sĩ thua hẳn mông và ngực. Một người làm nghề đàng hoàng ra sản phẩm chất lượng chỉ ồn ào trong vài ngày rồi bị mông và ngực đè bẹp hết tháng này qua năm khác. Vì họ quá thừa sự trơ trẽn nên tối ngày chường những thứ đó trên mặt báo.
- Chị xuất phát điểm là một vận động viên điền kinh, việc chị trở thành ngôi sao như một câu chuyện cổ tích cho mọi người ngưỡng mộ. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, chị không có trình độ về chuyên môn?
- Cấp 2, cấp 3 trong trường học đều dạy kiến thức căn bản về 7 nốt nhạc. Tất cả các bài hát hiện nay cũng chỉ từ 7 nốt đó và tăng khung lên hai, ba quãng. Một người bình thường đều có kiến thức đó, những ca sĩ như tôi không đi chuyên sâu bởi không có căn bản, tôi vẫn có thể ký xướng âm được như bình thường.
Tôi vẫn nhận tôi không phải dạng trường lớp để phân biệt người được luyện và người có năng khiếu trời cho. Chắc gì một người được đào tạo bài bản đã ký xướng âm được nhanh bằng tôi? Hơn thế nữa, vào phòng thu chỉ cần biết ca sĩ có thể ký xướng âm một bài hát trong vòng bao nhiêu tiếng và công chúng chỉ cần biết nghệ sĩ đó hát bài đo có hay hay không, có cảm xúc hay không. Công chúng không quan tâm nhiều đến kỹ thuật. Họ cần người ca sĩ có thực lực, giọng hát hay và cảm xúc đi vào trái tim họ.
- Từ những nghệ sĩ không trường lớp như chị sẽ dẫn đến đám đông công chúng của chị. Người ta liệu có quyền quy chụp đám đông đó có thị hiếu tầm thường khi hâm mộ người ca sĩ không được đào tạo?
- Con người tầm thường hay không nằm ở tính nết, cách đối nhân xử thế. Còn âm nhạc là những thanh âm làm cho con người ta bay bổng nhẹ nhàng. Nghệ thuật là giải trí, giải trí thì công chúng có cần quan tâm lắm đến kỹ thuật điêu luyện không?
Tôi không được đào tạo chuyên sâu nhưng giọng lên được hơn hai quãng tám, chắc chắn không phải là bình thường, nếu đi luyện thanh, tôi sẽ như thế nào? Đã là năng khiếu trời cho, không phải ai cũng có, kể cả được đào tạo bài bản.
Anh đưa kỹ thuật cao vào nơi người ta chỉ cần giải trí có hợp lý hay không, hay có khi còn bị lạc lõng. Tôi đã thấy những nghệ sĩ có trình đô chuyên sâu về thanh nhạc vẫn hát trật nhịp, phô nốt, ký xướng âm rất chậm trong khi tôi chỉ cần một tiếng. Từ khi tôi chưa nổi, chú Nguyễn Ngọc Thiện đã ngạc nhiên với khả năng đọc bài của tôi. Âm nhạc cũng như buôn bán kinh doanh, nhanh nhạy là quan trọng nhất. Ngành nghề nào cũng có đặc trưng riêng của nó nhưng bạn phải thông minh, xử lý và xoay chuyển vấn đề nhanh, bạn mới thành công.
Tôi không đào tạo bài bản vẫn là ngôi sao
- Đã bao giờ chị thấy kém cạnh với người khác do thiếu hụt chuyên môn?
- Cuộc đời tôi tìm đến với âm nhạc không bằng mục đích trở thành ngôi sao. Số phận sẽ định đoạt vị trí của bạn trong xã hội. Tôi có làm tốt đến mấy nhưng người ghét vẫn ghét. Xã hội là nơi có nhiều thể loại người mang nhiều cá tính khác nhau, lúc nào cũng đối nghịch tạo ra nhiều chiều hướng trái ngược nhau.
- Vậy chị tìm đến âm nhạc với định hướng như thế nào nếu không phải là ngôi sao?
- Con đường tôi đi không có định hướng trước. Ngay đến giờ tôi cũng không định hướng cụ thể. Ai cũng sống tùy theo số phận của họ, có muốn vạch sẵn đường đi cũng không được. Cuộc sống là ẩn số, đã gọi là ẩn số thì giấu đi rất nhiều, mình làm sao chạy trước số phận được. Tôi chỉ đi theo linh cảm của bản thân mình.
- Chị có nghĩ mình là hình mẫu để nhiều người không được học hành quyết tâm làm ca sĩ, điều đó sẽ làm cho những người có học tự ái về điều đó?
- Đừng áp đặt quan điểm trường lớp đối nghịch với không trường lớp. Không trường lớp, tôi vẫn là ngôi sao đấy thôi?
Ai khó chịu tùy họ. Trường học chỉ là một ly nước trong khi trường đời là cả một đại dương. Chính trường đời đã dạy cho tôi phải thay đổi linh hoạt tùy sóng to hay nhỏ, dạy tôi đối mặt với đau khổ và vượt qua chính mình. Những bài học đó làm cho tôi phù hợp với khán giả bởi họ chính là người đang đối mặt với những khó khăn hàng ngày.
Những chương trình mang tính đẳng cấp một năm làm được bao nhiêu lần, trong khi chương trình giải trí thì ca sĩ hát hàng ngày, hàng tuần, thậm chí một buổi chạy ba show. Hãy nhìn vào điều đó thể thấy sự khác biệt nằm ở đâu.
Có đào tạo cũng chỉ trong 7 nốt nhạc
- Có phải từ những ngày chạy đua với những lời mời biểu diễn mà ca sĩ bây giờ đang hoạt động quá gấp gáp không?
- Ca sĩ bây giờ không đủ can đảm để ngừng 1-2 năm như trước bởi cuộc sống bây giờ cái gì cũng nhanh. Vì thế họ phải ra sản phẩm liên tục, đặc biệt lúc nào cũng phải xuất hiện trên báo, không có sản phẩm cũng phải bày ra cái này cái kia.
Nó không sai, đơn giản là điều đó hợp lý với giai đoạn này. Những người như tôi chậm hơn các bạn khi 1-2 năm mới ra sản phẩm và chắc chắn không hot bằng các bạn, nhưng tôi cũng chẳng thay đổi để thắng hay thua mọi người.
Mỗi người có một mục đích sống khác nhau, ai coi trọng đường dài thì chơi với người quan tâm tới giá trị đường dài và ngược lại. Vấn đề là điều đó có phù hợp trong các năm tới hay không, nếu không nó cũng chẳng thể tồn tại mãi được.
- Công chúng yêu thích chị, nhưng người có học lại cho rằng, chị đang hạ thấp thẩm mỹ công chúng?
- Mỗi một dòng nhạc có đặc trưng riêng của vùng miền đó. Như người miền Tây với bản tính thật thà, chất phác nên những ca khúc thường mang những lời lẽ gắn liền với cuộc sống mà chẳng cần kỹ thuật cao siêu. Làm sao người có học được quyền đánh giá điều đó.
Đối với tôi, thật thà chất phác là quan trọng nhất. Như khi yêu, người ta nói với nhau những lời yêu thương chân thành và thật thà nhất thì thường đùa là sến. Đó chính là yêu thật lòng, nói ra câu chân thực nhất nhưng lại là yêu thương sâu đậm nhất. Trong cái thấp có cái cao và trong cái cao có cái thấp tuỳ theo cảm xúc của mỗi người.
- Thế với ý kiến công chúng đang quá dễ dãi với ca sĩ thị trường, chị nghĩ sao?
- Dễ dãi ở chỗ ca sĩ được hay không được đào tạo công chúng đều chấp nhận. Thị trường có cả chợ và siêu thị, nếu hàng hoá ở siêu thị tốt và phù hợp với số đông tại sao công chúng lại không được mua?
Nhạc sĩ, bác học cũng lòng vòng trong 7 nốt nhạc như ca sĩ. Đó là khuôn mẫu đã được định sẵn. Âm nhạc là bài toán cộng trừ, hơn nhau ở chỗ cùng một bài hát, bạn có thể háy và làm khác đi không? Hầu hết nhạc Rock n Roll Âu Mỹ trước những năm 80 đề sử dụng thanh âm ngũ cung pentatonic còn nhạc dân tộc Việt Nam sử dụng ngũ cung: hò, xừ, xang, xê, cống nên làm gì có chuyện có nhạc cấp cao hay thấp. Người thích hoa mỹ đánh giá cao, nhưng tôi lại cho rằng xạo, vì tôi không thích kiểu cách. Hai chiều hướng đi ngược lại nhau chẳng bao giờ chấm dứt tranh luận được.
Tôi không tôn trọng kẻ khinh thường người khác
- Chị nghĩ sao về các sáng tác của những nhạc sĩ được đào tạo bài bản nhưng lại không thành công?
- Bài hát không ai nghe do người viết đặt cái tôi quá lớn vào trong đó, đây là một điều không hay. Anh có cá tính, nhưng cá tính của anh phải có người công nhận và thưởng thức, không là anh thua. Anh viết nhạc để trưng trổ cái tôi của anh hay để chia sẻ với công chúng? Anh nghĩ anh tốt hơn người không có nghĩa là anh được quyền chê người khác. Đó chính là sai lầm của anh.
Môi trường nghệ thuật vốn dĩ không cao, không thấp vì nó thuộc về phạm trù cảm xúc. Nó nằm ở lưng chừng giữa âm và dương nên nghệ sĩ có thể đứng ở những sân khấu cao nhất cũng như biểu diễn ở những nơi được cho là thấp nhất. Vậy anh đặt mình cao quá để làm gì?
- Theo chị có cần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của khán giả không?
- Công chúng không cần bạn đưa lên cao bởi bản thân họ đã có cảm xúc riêng. Ai sinh ra thích thẳng thắn hay ẩn ý, hoa văn đều có dòng nhạc cho họ. Những lúc bức bối, buồn bực họ chỉ thích nghe những câu hát bình thường, chân thành. Chính sự đơn giản mới là đỉnh cao trong nghệ thuật.
- Vậy là cần nâng cao chất lượng ca sĩ?
- Cần nhưng không phải theo kiểu hiện nay. Nhớ lần xét duyệt cấp giấy phép hành nghề, người được đào tạo cấp giấy phép 5 năm nhưng rất ít show trong khi tôi và một số đồng nghiệp chỉ được cấp giấy phép tạm thời nhưng lại liên tục được mời đi hát. Tại sao lại không nhận ra được điều vô lý đó? Thậm chí, người có đào tạo không tồn tại được với nghề đôi khi vẫn phải hát theo thị hiếu để tồn tại được.
- Theo chị, nếu vấn đề không nằm ở ca sĩ, không ở công chúng, vậy tại sao giới chuyên môn vẫn luôn nói âm nhạc Việt Nam đang bị bình dân hoá bằng âm nhạc thị trường?
- Tại sao có những năm âm nhạc rất phát triển như thời Nhã Phương, Bảo Yến. Ngày đó thế giới hát nhạc gì là mình hát nhạc đó mặc dù chỉ là hát lại. Đó là năng khiếu và đam mê mình phải tôn trọng. Có những người không đủ điều kiện được học hành nhưng vẫn đam mê thì phải tôn trọng, sao lại lên án người ta không được học hành đầy đủ?
Tôi chỉ không tôn trọng người không có thực lực hay tham vọng, người mưu mô coi thường người khác, ghen tỵ, bất tài vô dụng. Hãy chê chính bản thân mình trước rồi hẵng nhận định cái dở của người khác. Đừng lên án người khác trước rồi lại quên đi bản thân mình như thế nào.