Phương tiện
Ở TP HCM có rất nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể ra khu Đề Thám hay bến xe miền Đông. Giá vé tương đối rẻ, khoảng 150.000 đồng cho chặng đường hơn 300 km. Có nhiều chuyến xe từ 19-21h, tùy bạn đặt xe sao cho thuận tiện nhất. Khoảng 5h hôm sau, xe đến bến xe Phan Rang, mọi người ăn sáng và lên xe đi tiếp ra Ninh Chữ.
Do thời gian là 2 ngày nên nhóm mình chọn đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) để qua đêm chứ không thuê khách sạn ở Phan Rang hay Ninh Chữ. Khi thuê xe máy ở thành phố Phan Rang (Ninh Thuận), bạn nhớ kiểm tra xe kỹ. Giá thuê từ 100.000-150.000 đồng.
Xuất phát
Từ bến xe, bạn hỏi đường ra Ninh Chữ. Đường khá mới. Bạn chạy khoảng 6 km về hướng đông là tới, nghỉ trưa, tắm biển tại đây. Bãi biển mới nhưng dịch vụ cũng tương đối ổn.
Sau khi xuyên qua cung đường Đầm Vua - Hang Rái - xuyên qua vườn quốc gia Núi Chúa, ta sẽ đến vịnh Vĩnh Hy. Quãng đường khá xa, nhưng khi đến nơi sẽ thấy cảnh đẹp tới mức không có gì để than thở.
Điểm đến kế tiếp đầy hấp dẫn cách hơn 5 km đường đèo là đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa). Tới nơi, chúng tôi gửi xe ngay bãi biển và ra bè, ăn uống trên bè và thuê tàu đi ngắm san hô. Tính trung bình, chi phí cho mỗi người trong đoàn trên đảo này chỉ hơn 300.000 đồng, tính cả tiền thuê thuyền đi lặn san hô.
Đảo Bình Hưng chỉ cách đất liền 10 phút đi thuyền. Bạn lên đảo và thuê một phòng nghỉ qua đêm, giá phòng 200.000-300.000 đồng tùy bạn trả giá. Chúng tôi chọn phòng cho 6 người, giá 200.000 đồng, có máy lạnh, Wi-Fi. Buổi tối không khí rất tuyệt vời. Hải sản cũng như đồ ăn vặt rất ngon và rẻ. Trước khi ngủ, chúng tôi dặn chủ nhờ đánh thức để đón bình minh sáng hôm sau.
Ngày thứ hai là thời gian khám phá Phan Rang. Mọi người đều nạp năng lượng từ sáng đầy đủ, vì biết chặng đường tiếp theo không dễ chịu như ngày đầu. Chúng tôi không đi theo đường cũ mà đi hướng mới, ngang qua đảo Bình Lập - cung đường có cảnh đẹp đến tê người. Khi tới quốc lộ 1A, bạn quay xe và tiến về làng gốm Bàu Trúc. Đoạn đường này hơn 60 km và không tốt lắm, đầy bụi và nắng nóng như rang. Dọc đường, bạn có thể ghé ngang quần thể ba Tháp của người Chăm.
Bàu Trúc là một làng gốm cổ nhất Đông Nam Á , với lịch sử và nét đặc trưng riêng. Đồ gốm hoàn toàn được nặn bằng tay. Tôi đã mua 3 món đồ với tổng chi phí chưa tới 100.000 đồng. Dân làng rất nhiệt tình. Bạn không mua sản phẩm của họ vẫn không sao, có thể chụp hình và trò chuyện.
Cách đó không xa là làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp, khá nhỏ nên chúng tôi chỉ ghé thăm một rồi đi tiếp. Hai bên theo tỉnh lộ 703 đầy táo và nho.
Vườn nho Ba Mọi cũng nằm trên đường này, nhưng nếu thích bạn vẫn có thể ghé vào bất kỳ vườn nho dọc đường nào, chụp hình mua nho lẻ nếu họ bán lẻ. Nếu bạn muốn đi vườn nho Ba Mọi, bạn đến Cầu Mống sẽ thấy bảng chỉ đường, vào tham quan thoải mái và được mời uống mật nho miễn phí.
Điểm đến tiếp theo là tháp Chàm, cách cầu Mống 2 km, nằm trên đường Bác Ái. Tháp Chàm được coi là kiến trúc hoàn chỉnh nhất còn lại trong quần thể tháp còn lại ở khu vực Nam Trung Bộ.
Theo tiếng Chăm, các đến tháp Champa này được gọi là kalan, nghĩa là lăng. Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần, có thể là thần của Ấn Độ giáo tiêu biểu như Silva (thần hủy diệt), Ganesha (phúc thần đầu người mình voi)... hoặc có thể là các vị Phật.
Ở trên tháp và ngắm toàn bộ thành phố Phan Rang, nghỉ ngơi sau một chặn đường 3 ngày sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần trước khi trở lại thành phố. Ở bến xe, bạn hãy tự thưởng cho mình một ly cà phê và ăn bún ốc Phan Rang, hay bánh canh sứa, bánh xèo... Đi dọc đường 16/4 có rất nhiều quán xá để bạn lựa chọn.
20h, cả nhóm lên xe về Sài Gòn phồn hoa, nhưng cảm giác vu vi, băng đèo, trải qua cái nắng cái gió sẽ không thể nào quên.
Bạn là người đam mê du lịch, từng được khám phá nhiều vùng đất của Việt Nam? Bạn có những trải nghiệm thú vị muốn chia sẻ cùng mọi người?
Hãy gửi bài viết của bạn về địa chỉ toasoan@zing.vn, đặt tiêu đề mail "Cuộc thi bạn đọc chia sẻ du lịch". Mỗi tuần, 1 bài viết được nhiều người đọc nhất trong vòng 48 tiếng sau khi đăng, 1 bài được ban biên tập lựa chọn sẽ nhận được nhuận bút 500.000 đồng. Quyết định của ban biên tập là quyết định cuối cùng.