Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phượt từ thiện với không đồng

Nhóm bạn trẻ, đứng đầu là Đỗ Việt Anh (du học sinh Anh) đang áp dụng thử nghiệm chương trình The Jailbreak (Phượt từ thiện không dùng tiền cá nhân) cho các bạn trẻ tại Việt Nam.

Phượt không dùng tiền

Đỗ Việt Anh chia sẻ: “Mình đã từng tham gia chương trình này nhiều năm tại Anh. Đây là một chương trình có ý nghĩa và rất thực tiễn. Lần về nước này, mình cùng một số bạn du học sinh tổ chức tại Việt Nam để cho các bạn trong nước tham gia. Ban tổ chức tin tưởng rằng, đây là cơ hội để các bạn sinh viên bứt phá và chứng tỏ bản lĩnh”.

Luật chơi của chương trình khá đơn giản: Mỗi người chơi có thể đăng ký tham gia theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm. Một nhóm tối đa là 3 người. Trong vòng 36 giờ, với tài khoản cá nhân là 0 đồng, thông qua các hoạt động sáng tạo của mình, người chơi phải gây được một khoản vào quỹ từ thiện và chi phí cho chuyến đi.

Các hoạt động từ thiện được triển khai bởi các đội chơi.
Các hoạt động từ thiện được triển khai bởi các đội chơi.

Nguyễn Thị Diễm My (thành viên tham gia The Jailbreak) kể: “Lúc mới đăng ký tham gia, mình rất e ngại vì nghĩ, nếu đi “phượt” với 0 đồng thì chỉ đi được vài cây số xung quanh thành phố. Nhưng thật bất ngờ, khi tham gia chương trình, nhóm mình đã đi được gần 3.000 km, từ TP. HCM đến Lào Cai, bằng nhiều cách khác nhau mà không dùng đến tiền”.

Những trải nghiệm thú vị

Trở về từ chuyến phượt của chương trình, nhiều nhóm bạn trẻ đã có những trải nghiệm thú vị. Nhóm Unlimited là một trong những đội chơi lập được thành tích đáng nể, khi di chuyển chặng đường gần 2.500 km từ TP. HCM đến Lào Cai. Để làm nên thành tích này, các bạn phải tìm mọi cách để có được nguồn kinh phí cho chuyến đi.

Nguyễn Bình Hải (ĐH Kinh tế TP. HCM, trưởng nhóm Unlimited) cho biết, để tìm được nguồn kinh phí mà không cần dùng đến tiền của cá nhân, nhóm đã phải vận dụng mọi phương thức như xin tài trợ, xin đi nhờ xe, đi bộ… Qua những lần như thế, nhóm của Hải tích lũy nhiều bài học thực tế. 

Hải kể: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhóm là lần bán nón tại ga Hà Nội. Đây là những sản phẩm của nhóm tự làm nên nhìn không được bắt mắt lắm. Tuy nhiên, do khả năng thuyết phục của các bạn nữ khá tốt nên trong buổi sáng nhóm mình đã thu về gần 1 triệu đồng để góp quỹ từ thiện”.

Phượt với tài khoản 0 đồng ban đầu và không được dùng tiền cá nhân là một điều hết sức khó khăn với nhiều bạn trẻ. Các bạn phải đưa ra những dự án gây quỹ khác nhau. Một trong những cách làm được các bạn trẻ áp dụng nhiều nhất đó là làm đồ thủ công, bán gây quỹ. Những chiếc nón ngộ nghĩnh, những bông hoa bằng giấy hay các vật dụng làm từ nguyên liệu tái chế được các bạn rao bán ở nhiều nơi. 

Phan Nhật Lệ (ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM) chia sẻ: “Tham gia phượt từ thiện không chỉ là những chuyến dã ngoại, mà thông qua chương trình này, với những hoạt động cụ thể, tụi mình còn tuyên truyền cho người dân ở các khu vực tụi mình đi qua ý thức bảo vệ môi trường. Đó là điều nhóm mình tâm đắc nhất”.

Xử lý linh hoạt

Không ít lần, các nhóm bạn trẻ bị người dân xua đuổi, do còn lạ lẫm với hình thức phượt này. Nhóm The Help của Nguyễn Hồ Tân (trường ĐH Văn hóa TP. HCM) từng gặp trường hợp như vậy. Với số tiền kiếm được từ việc bán hoa tươi, các bạn đã đi đến Đồng Nai. Sau đó, các bạn đứng dưới nắng hơn 3 giờ đồng hồ, xin đi nhờ xe khách nhưng không nhận được sự giúp đỡ. May mắn đã mỉm cười với nhóm khi có một chiếc xe tải của một trại giam, đồng ý cho đi nhờ đến Bình Thuận. 

Tân cho biết: “Đi trên xe với các cán bộ làm việc tại trại giam, mình được kể cho nghe rất nhiều câu chuyện ý nghĩa. Những câu chuyện ấy để lại ấn tượng sâu sắc. Mình thấy trân trọng và hiểu hơn giá trị của những phẩm chất tốt đẹp”.

Phượt từ thiện để vượt qua giới hạn bản thân, cũng là lúc các bạn ứng dụng những kỹ năng và cách ứng xử tình huống nhanh lẹ, vượt qua khó khăn và nguy hiểm. Nguyễn Bảo Châu (ĐH Ngoại thương, cơ sở 2, TP. HCM), sau chặng đường phượt đến Huế, chia sẻ:

“Nếu các bạn muốn hoàn thành chương trình một cách an toàn, đầu tiên, bạn nên trang bị kỹ năng xử lý tình huống và một vài thế võ cơ bản. Vì có thể phải xin đi quá giang với người lạ, trước khi tham gia chương trình, mình đã được Ban Tổ chức huấn luyện cách phòng thân. Hơn nữa, bản lĩnh khi đối diện với nguy hiểm là rất quan trọng. Sau chuyến đi này, mình mạnh mẽ và can đảm lên rất nhiều”.

Nhóm của Nguyễn Thị Quỳnh ( ĐH Hoa Sen) đã có được một chuyến đi thú vị, khi chọn cách di chuyển là xin đi nhờ tàu hoả. Nhóm đã nhiều lần bị từ chối. Tuy nhiên, sau 3 lần thuyết phục, nhóm đã đi nhờ được một tàu chở hàng ở Ga Sài Gòn để đến Nha Trang. Quỳnh cho biết: “Qua mỗi lần bị từ chối, nhóm rèn thêm kỹ năng thuyết phục người khác. Tham gia The Jailbreak, mình và các bạn khác có cơ hội trải nghiệm và học thêm rất nhiều kỹ năng mềm từ thực tế”.

http://svvn.vn/phuot-tu-thien-voi-zero-dong-2/

Theo Hoài Anh/Báo Sinh viên Việt Nam

Bạn có thể quan tâm