Người hâm mộ Tunisia trên khán đài trong trận đấu với Australia tại sân vận động Al Janoub. Ảnh: Coen Lammers. |
Những vụ tai nạn do giẫm đạp không phải chưa từng xuất hiện trong lịch sử bóng đá thế giới. Hay mới gần đây, sự cố đáng tiếc trên con phố Itaewon (Hàn Quốc) dẫn đến cái chết của hàng trăm người đã tạo ra những quan ngại lớn về mối nguy trong các sự kiện đông đúc.
World Cup, đương nhiên, cũng được liệt vào danh sách những mối nguy tiềm tàng, thậm chí là lớn nhất của vấn đề này. “Những cơn sóng thần” người hâm mộ bóng đá đang “cuốn qua” Doha (Qatar) mỗi ngày xuyên suốt kỳ World Cup 2022.
Nền tảng hệ thống giao thông công cộng
Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về cách tiểu vương quốc nhỏ bé này có thể xử lý các vấn đề hậu cần nhằm tổ chức giải đấu với sự xuất hiện của 32 đội trong 64 trận đấu và khoảng một triệu du khách chỉ trong một thành phố là Doha.
Mật độ người lúc này chắc chắn là rất khác so với việc để những đội bóng, người hâm mộ bóng đá di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác khắp nước chủ nhà.
Đám đông tại một sự kiện đồng hành của World Cup 2022 ở Doha, Qatar. Ảnh: Coen Lammers. |
Thay vào đó, Qatar đã xây dựng 8 sân vận động tối tân để tổ chức toàn bộ sự kiện tại chỉ một thành phố.
Ngoài sân vận động Al Bayt tráng lệ cách trung tâm thành phố Doha khoảng một giờ di chuyển, các sân vận động còn đều chỉ tốn của du khách tới xem giải bóng đá lớn nhất hành tinh khoảng 30 phút đi lại nếu xuất phát từ trung tâm.
Với quá nhiều sân vận động và tần suất tổ chức 4 trận đấu mỗi ngày, một số du khách gặp khó khăn trong việc nắm rõ thông tin về trận đấu cũng như địa điểm. Nhiều người hâm mộ cũng như nhà báo thậm chí đã lên nhầm xe bus và đến nhầm sân vận động.
Bất chấp mọi lo ngại trước giải đấu, thực tế đang cho thấy ban tổ chức World Cup 2022 đã tuyển dụng được những chuyên gia quy hoạch giao thông xuất sắc, từ đó giúp những đám đông khổng lồ di chuyển khắp thành phố mà không gặp nhiều sự cố.
Hệ thống tàu điện ngầm hoàn toàn mới cùng số lượng xe bus khổng lồ đã vận chuyển hàng chục nghìn người hâm mộ, giới truyền thông và nhân viên tổ chức World Cup đi khắp thành phố mỗi ngày, từ khách sạn đến sân vận động, từ sân vận động đến ga tàu điện ngầm hoặc từ sân vận động này đến sân vận động khác.
Công tác hậu cần đã đảm bảo tốt vấn đề di chuyển thông suốt giữa 4 sân vận động chật kín người hâm mộ mỗi ngày song song với lưu lượng giao thông vốn có của thành phố này.
Chưa kể tới việc người hâm mộ bóng đá tới Qatar cũng thường xuyên di chuyển đến các lễ hội, sự kiện đồng hành bên lề các trận đấu chính thức. Đây là mức độ kiểm soát đám đông chưa từng thấy.
Mặt khác, một số sân vận động tại Qatar còn nằm giữa sa mạc và không ở gần ga tàu điện ngầm. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch di chuyển cho các khán giả xung quanh những trận đấu tại đây đặc biệt phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ lớn.
Vai trò của đội ngũ hướng dẫn
Trên thực tế, trong vài ngày đầu tiên, nhiều người hâm mộ đã phàn nàn về việc phải đi bộ một quãng đường dài để có mặt tại các trận đấu trong lượt trận vòng bảng World Cup 2022.
Họ thường đi lạc, thậm chí đi theo vòng tròn trước khi tới được sân vận động. Tuy nhiên, những ngày sau đó, hầu hết du khách đã phát hiện ra giải pháp vấn đề này tại Qatar.
Cụ thể, sau mỗi trận đấu, làn sóng người hâm mộ sẽ di chuyển ra khỏi sân vận động một cách chậm nhưng đảm bảo an toàn thông qua một con đường đã được sắp xếp từ trước bằng hàng rào.
Người hâm mộ đi qua hệ thống hàng rào hiệu quả tại sân vận động Lusail trước trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay. Ảnh: Coen Lammers. |
Sau đó, mọi người sẽ được hướng dẫn để di chuyển từ đường chính sang các hướng riêng biệt để đến tàu điện ngầm, bãi đỗ xe hoặc bến xe bus phù hợp. Từ đó, người hâm mộ sẽ tiếp tục đi theo các chỉ dẫn nhỏ hơn để đến các địa điểm cụ thể.
Bên ngoài mỗi sân vận động, các nghệ sĩ địa phương và quốc tế cùng những ca sĩ đường phố sẽ tạo nên bầu không khí lễ hội nhằm giúp đám đông giải trí trong thời gian xếp hàng.
Hàng trăm tình nguyện viên với thái độ niềm nở cùng những ngón tay bằng xốp sẽ hướng dẫn người hâm mộ đi đúng vạch và theo dòng xe bus dài để đến và rời đi nhanh chóng, từ đó đưa hàng chục nghìn người trở về nơi ở của họ.
Du khách cũng sẽ được di chuyển bằng một chiếc xe bus sang trọng, có điều hòa, đi trên đường cao tốc với 8 làn đường để trở lại điểm trả khách tại địa phương.
Tại sân vận động Al Janoub, người hâm mộ được hướng dẫn để rời đi qua 30 cổng - nơi cách mỗi 2 phút sẽ có 30 xe bus mới đến để đưa hành khách đến ga tàu điện ngầm địa phương.
Chi phí không phải là vấn đề ở Qatar. Số lượng xe bus nhiều đến nỗi một số tài xế còn nói đùa rằng họ thường khởi hành chỉ với 1-2 hành khách.
"Điều này thật tuyệt. Nó giống như bạn có tài xế riêng vậy", Tetsya, một cổ động viên đến từ Nhật Bản, người vốn quen với việc chen chúc trên tàu điện ngầm ở Tokyo, cho biết.
Tetsuya đang có mặt tại kỳ World Cup đầu tiên của mình và tỏ ra rất ấn tượng với công tác hậu cần ở Qatar.
"Tôi chỉ vừa bước ra khỏi khách sạn là đã có xe bus chờ sẵn để đưa tôi đến mọi sân vận động. Đây là điều chưa từng xảy ra khi chúng ta có thể xem nhiều trận đấu khác nhau trong cùng một ngày. Tôi đang cố để tận hưởng nó", một cổ động viên làm nghề cố vấn công nghệ tỏ ra thích thú với việc tất cả trận đấu diễn ra gần nhau.
Những người nước ngoài đã sinh sống và làm việc ở Qatar trước đó cho rằng khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng kể trên sẽ là tài sản lâu dài phục vụ người dân bản địa sau khi World Cup kết thúc.
Khoảng 6-7 năm trước, thành phố này thậm chí không có phương tiện giao thông công cộng. Mạng lưới giao thông đường bộ khi đó cũng tỏ ra không hiệu quả, tạo ra bất tiện lớn cho người dân địa phương.
Thực trạng này kết hợp với cách lái xe được mô tả là “hung hãn” của cư dân địa phương trên những chiếc SUV cỡ lớn khiến đường phố Doha không dành cho những người yếu tim.
Sau vài năm, địa phận Doha hiện rộng lớn hơn và được kết nối bởi nhiều đường cao tốc với 8 làn xe.
Dù vậy, để đạt được những kỳ tích này, Doha đã gây ra những tranh cãi lớn về cái giá phải trả liên quan vấn đề con người.
Hàng chục nghìn công nhân nhập cư đã được tuyển dụng từ các quốc gia láng giềng để làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt. Nhiều người trong số đó thậm chí đã không còn có thể trở về và sử dụng những con đường chính họ tạo ra.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.