Chưa đầy 18 tuổi đã lầm lỗi
Trở lại xã hội sau những tháng ngày ngồi tù, “hành trang” đặc biệt của anh Nguyễn Phạm Thiên Huy (31 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỷ phú nhà rường trên đất cố đô) là những bức thư người mẹ viết anh ta.
Hơn mười năm qua, những trang thư đã cũ, có nét bút đã nhòe màu thời gian, nhưng vẫn được Huy nâng niu cất giữ cẩn thận. Đó như là bằng chứng sinh động cho những tháng ngày lầm lỗi, nhắc nhở người thanh niên phải sống thật tốt.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con út, nên Huy rất được cưng chiều. Đang là học sinh trung học, chàng thanh niên đã sớm tụ tập theo bạn bè ăn chơi, bỏ bê việc học. Rồi một lần theo đám bạn đánh nhau, Huy phải “xộ khám” vì tội Cố ý gây thương tích và phải lĩnh 6 tháng tù.
Những ngày ngồi trong trại, vây quanh là bốn bức tường lặng câm, điều khiến Huy ám ảnh nhất vẫn là đôi mắt mẹ lúc nhìn con đứng trước vành móng ngựa.
Đôi mắt ấy mang vẻ đau đớn, nhưng cũng đầy bao dung, chất chứa niềm tin một ngày con trai phục thiện.
Chưa đầy 18 tuổi đã phải tra tay vào còng, trước đó Huy không hề rớt nước mắt bởi quan niệm ngông cuồng “dám chơi, dám chịu”. Vậy mà nhìn dáng mẹ nơi sân tòa, nhìn cách mẹ lặng lẽ giấu vội giọt nước mắt sau vành nón, chàng trai bỗng thấy cay cay nơi sống mũi.
Anh Huy nay là thợ phục dựng nhà rường có tiếng. |
Mỗi đợt thăm nuôi, điều Huy mong đợi nhất không phải là mấy thứ đồ dùng mẹ anh gửi vào, mà chính là những bức thư.
Những dòng chữ ngả nghiêng, được người mẹ viết vội phía sau mảnh giấy “Phiếu gửi hàng thăm nuôi”, như là nguồn sức mạnh vô hình, tiếp sức cho con trai. Những bức thư ngắn ngủi nhưng gói trọn tấm lòng của người mẹ, thể hiện tình yêu thương vô biên dành cho đứa con lầm lỗi.
“Lúc đó Huy còn nhỏ, tính tình lại sốc nổi. Dù mỗi lần gặp mặt, tôi đều dặn dò, động viên con, nhưng vẫn sợ con trai quên lời mẹ dặn, nên mỗi lần thăm nuôi, tôi đều gửi thư vào. Cầm bức thư trên tay, tôi biết con trai mình sẽ đọc nhiều lần và sẽ ghi nhớ lâu hơn”, mẹ Huy tâm sự.
Đúng như dự đoán của bà, Huy giữ những bức thư của mẹ rất kỹ, thường xuyên mang ra đọc, xem như một thứ “kim chỉ nam” để làm lại cuộc đời.
Những lá thư bao dung
Trong bức thư đề ngày 22/3/2012, mẹ Huy viết: “Rô thương của mẹ! Tôm thịt mẹ rim cho con, vì trời nắng đồ ăn dễ bị ôi, con dùng đũa sạch để gắp ăn dần. Chuối nhà mình trồng nay chín thêm một buồng, mẹ gửi cho con đây. Thương con nhiều. Con nhớ sạch sẽ và đọc báo hằng ngày, tập thể dục mỗi sáng”.
Thư đề ngày 6/4/2012, sau những lời thăm hỏi, bà không quên dặn dò con trai: “Vẫn hằng mong con út của mẹ khỏe, ngoan và chăm học Anh văn. Luôn nhớ những lời mẹ dặn: Tác phong đúng đắn, thích nghi trong mọi hoàn cảnh, biết thương những người cùng cảnh ngộ”.
Lá thư sức mạnh của Huy. |
Mỗi lần nhận thư mẹ, Huy lại lần nữa ngộ ra, mình đã làm đau lòng mẹ quá nhiều. Và anh biết mình không đơn độc, bởi bên anh luôn có gia đình, có mẹ đang dõi theo từng bước chân. Chàng trai càng không ngừng phấn đấu.
“Có con trai đi tù, tui mặc cảm với mọi người xung quanh nhiều lắm. Có thời gian dài, tui không dám ngẩng mặt nhìn ai, sống khép kín hẳn”, mẹ Huy nhớ lại.
Thế nhưng trong những bức thư gửi cho con trai, bà không ngừng khích lệ: “…Con là tất cả niềm hạnh phúc và hy vọng của me. Mẹ không mặc cảm về con đâu. Thế nào con của mẹ cũng thay đổi thôi mà. Mẹ vẫn tin con là người bản lĩnh, mạnh mẽ”.
Xen lẫn trong số đó, là những quan tâm tưởng như rất vụn vặt đời thường, nhưng lại thể hiện tình yêu bao la: “Rô thương của mẹ! Mấy hôm nay trời nóng quá, không biết con ở trong phòng có bí lắm không? Mẹ lo cho con quá….”.
“…Con đừng nặn mụn mà lây cả mặt. Hôm ra gặp mặt, mẹ thấy có hai nốt đỏ, mẹ quên dặn con. Mẹ gửi báo vào con đọc, vừa mở mang kiến thức, vừa đỡ buồn. Giữ làm sưu tập chứ tuyệt đối không xé cẩu thả”.
Ở tuổi ngoài ba mươi, nhưng nụ cười của Huy vẫn trong sáng như trẻ thơ khi cầm trên tay những bức thư ố màu mà anh thuộc đến từng dấu chấm phẩy. Giọng Huy xúc động: “Hồi đó đọc những chữ ni, rất nhiều lần tui rớt nước mắt khi biết mẹ quan tâm mình từng li từng tí như thế. Dù mình có lỗi lầm chi, vẫn là con của mẹ, vẫn được mẹ yêu thương vô bờ”. Chính tình thương của người mẹ đã phần nào cảm hóa chàng thanh niên từng lầm lỗi.
Ngày bước chân ra khỏi trại giam, ngoài sách vở, thứ duy nhất Huy mang theo là những bức thư của mẹ. Dù có những lúc mặc cảm khi làm lại cuộc đời, nhưng chàng trai vẫn cố ngẩng thật cao đầu, bước chân thật điềm tĩnh, vì biết rằng luôn có ánh mắt mẹ dõi theo bên mình.
Tình thương của mẹ là “tài sản”
Sau khi ra tù, không thể tiếp tục con đường chữ nghĩa, Huy đi học nghề cơ khí. Ra trường, loay hoay kiếm việc không thành, một phần do “vết đen” trong bản lý lịch, Huy thử sức đủ các ngành nghề, từ buôn trâu bò, buôn cây cảnh, rồi bén duyên với nghề phục dựng nhà rường.
Huy kể: “Gia đình tui có truyền thống buôn bán đồ cổ từ xưa nay, nên tui vốn thích những thứ cổ kính, rêu phong. Một lần tình cờ tiếp xúc những đường nét chạm khắc tinh xảo như rồng bay phượng múa trên những ngôi nhà rường, tui mê mẩn”.
Thời gian này, phong trào chơi nhà rường ở Huế nổi lên mạnh mẽ, sẵn máu kinh doanh trong người, chàng thanh niên nhận ra cơ hội kiếm tiền đã đến. Huy đi khắp nơi, thu mua những ngôi nhà rường xuống cấp, tháo dỡ phục dựng lại, mang bán cho những ai có nhu cầu.
Nay anh đã trở thành một tay thợ phục dựng nhà rường tay nghề cao dù tuổi đời chỉ mới bước qua ngưỡng 30.
Năm 21 tuổi, Huy đã trình làng công trình nhà rường Tịnh Tâm Kim Cổ do một chủ tiệm vàng xứ Huế đặt hàng. Tiếng tăm từ đó lan đi, những khu nhà rường có tiếng như Lâm Chấn Âu (An Giang), Huế Xưa (Phú Quốc), Về nguồn, chùa Châu Lâm (Huế)… đều là sản phẩm do đôi bàn tay khéo léo của Huy cùng những đồng nghiệp phục dựng.
Từ một xưởng mộc với số vốn khiêm tốn ban đầu, nhà xưởng ọp ẹp ngày nào giờ đã được nâng cấp thành công ty với số vốn lên đến hàng tỷ, cung cấp việc làm cho hàng chục lao động.
Từng lâm cảnh tù tội, từng phải chật vật khi đứng lên làm lại cuộc đời, Huy hiểu rất rõ sự khó khăn của những người ra tù hòa nhập xã hội. Anh không ngần ngại chào đón những người từng lạc lối đến với xưởng mộc của mình.
Không chỉ những người từng thụ án trở về, cả những người tàn tật cũng được Huy nhận vào dạy nghề, giúp họ một công việc ổn định. Nói về những ngày tháng đã qua, giọng Huy hồ hởi: “Lúc mới lập nghiệp, tui chẳng có chi mô, chỉ có ý chí và sức khỏe, cùng tình yêu của mẹ”.