Quán vịt, gà nướng Tây Bắc (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) của anh Văn Hiền bắt đầu tăng giá từ hồi đầu năm.
Giá vịt nướng tăng từ 220.000 đồng/con lên 250.000 đồng/con. Còn gà nướng muối ớt được bán với giá 140.000 đồng/con thay vì 130.000 đồng/con như trước.
"Thời gian gần đây, khi xăng gas giảm giá, nhiều khách thắc mắc tôi có đưa về giá bán cũ không. Tôi nghĩ mọi người hỏi vậy thôi chứ ai đi chợ thì cũng biết. Giá nguyên liệu đã giảm được đồng nào đâu", anh Hiền nói với Zing.
Anh Văn Hiền cho biết giá xăng giảm nhưng nguyên liệu vẫn không đổi giá. |
Khoảng một tháng qua, giá xăng liên tục giảm, từ mức cao kỷ lục hơn 30.000 đồng/lít xuống còn 24.620-25.600 đồng/lít. Trong 3 tháng qua, giá gas cũng đã hạ nhiệt với 4 lần giảm liên tiếp.
Tuy vậy, giống anh Hiền, nhiều chủ quán ăn ở TP.HCM cho biết giá nguyên liệu từ rau củ, thịt cá cho đến than củi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đó là lý do họ vẫn chưa thể đưa giá các món ăn trên menu về lại mức cũ.
Chưa thể hạ giá dù xăng giảm
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 7 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng.
Cùng với đó là giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển. CPI tháng 7 tăng lần lượt 0,4% và 3,59% so với tháng trước và tháng 12/2021. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7 tăng tới 1,37% so với tháng trước.
Anh Hiền, người đã kinh doanh hàng ăn được khoảng 3 năm, cho biết một năm trở lại đây là giai đoạn rất khó khăn đối với những quán nhỏ như tiệm của anh.
Sau đợt giãn cách dịch Covid-19, hầu hết mọi thứ đều tăng giá. Những nguyên vật liệu chính mà quán ăn này sử dụng như vịt, gà và than đã tăng giá đều đều trong suốt nửa năm qua.
"Nói chung giá nguyên liệu lên nhiều nhưng quán không thể tăng giá quá cao, lên nhiều quá người ta không ăn nữa. Ví dụ đơn giản nhất, so với khoảng một năm trước, giá một con vịt, gà sau khi chế biến xong xuôi cũng tăng từ 40.000-50.000 đồng. Nhưng giá bán chỉ có thể tăng từ 10.000-30.000 đồng/con là hết".
Anh Hiền nói thêm vì lấy nguyên liệu trực tiếp tại chợ đầu mối quận 8 nên mới được giá đó. Thực tế giá đồ ăn ở chợ còn cao hơn nhiều.
Bà Thu Dung cho biết quán ăn của mình vẫn đang cầm cự với giá bán cũ trong khi nhiều hàng ăn trong khu vực đã tăng giá từ hồi đầu năm. |
"Xăng, gas giảm giá nhưng nguyên liệu chưa thấy giảm chút nào. Mấy tháng nữa, nếu giá nguyên liệu giảm, tôi sẽ cân nhắc đưa giá đồ ăn về mức cũ. Tuy nhiên, với điều kiện là mọi thứ giảm đều, chứ giảm được vài cái, mỗi thứ giảm có chút chút, thì cũng không ăn thua. Thực tế là nhiều thứ một khi đã tăng giá thì hiếm khi nào giảm lại, ví dụ như than củi (trước 450.000 đồng/bao 50 kg, giờ 500.000 đồng), tôi chưa bao giờ thấy giảm mạnh", anh Hiền giải thích.
Tương tự, các hàng quán bán bún riêu, bánh canh, bún bò đã tăng giá 5.000-10.000 đồng so với hồi đầu năm để ứng phó với "bão giá" nhiên nguyên liệu hiện vẫn chưa điều chỉnh giá bán theo đà giảm của giá xăng.
"Bột ngọt, nước mắm, rau củ quả, thịt cá cho đến cái bát, đôi đũa đều tăng 10.000-20.000 đồng so với trước đây. Đến giờ xăng giảm nhưng tôi vẫn chưa thấy các mặt hàng này về lại giá cũ", bà Thu Dung (64 tuổi), chủ một tiệm bánh canh, cháo lòng, cho biết.
Tăng dễ nhưng giảm thì khó
Chị Lê Hồng Thúy (40 tuổi), chủ quán gỏi vịt ở quận 7, thay đổi giá bán tại quán từ hồi cuối năm ngoái. Khi xăng, nguyên liệu liên tục tăng giá trong 4-5 tháng đầu năm nay, quán ăn này không thể tiếp tục lên giá theo vì sợ mất khách.
"Lúc đó, tôi tính gắng cầm cự trong bao lâu đó, nếu không nổi nữa thì phải lên thôi", chị Thúy nói.
Tuy nhiên, hai tháng trước, phí chiết khấu trên các app giao đồ ăn đã tăng từ 20% lên 25%. Vì vậy, đồ ăn của quán chị Thúy trên các app giao hàng cũng phải tăng, chênh lệch khoảng 5% so với giá bán tại quán.
Khi xăng gas giảm nhiều đợt liên tiếp, từ phí chiết khấu trên app giao hàng cho đến giá thịt vịt ở chợ vẫn không hề thay đổi, chị Thúy cho hay.
"Người bán giải thích là vịt gà thì đâu phải nuôi một ngày mà có, nuôi 3-4 tháng, trong thời gian đó xăng tăng, thức ăn tăng thì giờ họ vẫn phải bán giá đó thôi. Nói chung phải có quá trình, chứ không như xăng dầu đang lên cái mà hạ liền được. Nhưng cũng vô lý là sao khi tăng thì không tính đến quá trình, vừa nghe rục rịch là đã tăng giá".
Chị Thúy nói thêm nhiều thứ một khi lên giá được là không bao giờ xuống lại.
"Ví dụ như đợt dịch, miến tăng giá vì vận chuyển xa xôi, khó khăn. Nhưng đến sau dịch mọi thứ trở lại như cũ rồi cũng không giảm được đồng nào. Đó là lý do tôi tăng giá thức ăn sau dịch và giờ vẫn giữ nguyên như vậy, không hạ giá được", chị Thúy liệt kê.
Nguyên liệu thường tăng giá nhanh theo giá xăng, nhưng phải mất một thời gian để hạ giá bán dù xăng, gas liên tục giảm. |
Chủ quán chia sẻ lợi nhuận của quán nửa năm nay giảm nhiều so với trước. Giai đoạn nguyên liệu tăng giá quá cao, chị Thúy phải đóng cửa sớm hơn vì "càng bán nhiều càng lỗ".
"Trong khi thịt vịt tăng 15.000-30.000 đồng/kg nhưng tôi không thể tăng giá quá nhiều cũng không thể giảm khẩu phần ăn của khách vì chỉ cần bớt một miếng thịt là khách đã để ý rồi. Không chỉ riêng tôi mà đa số chủ quán ăn đều mong muốn nguyên vật liệu sớm bình ổn giá. Còn như hiện tại, chúng tôi làm thế nào cũng không ổn", chị nói.
Tính đến ngày 25/7, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng 6.
Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,73%, thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.
Giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92%. Giá trứng các loại cũng tăng 3,1%.
Giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tiếp tục tăng 2,11% do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất dầu cọ tăng cao.
Trong khi đó, chị Lê Thanh Tuyền, chủ tiệm cơm tấm, bún thịt nướng trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, mô tả mình như "bị kẹt ở giữa" với một bên là giá nguyên liệu, một phía là những thắc mắc của thực khách.
Đầu năm nay, quán chị Tuyền tăng giá 5.000 đồng/phần ăn với nhiều lý do như khó khăn sau dịch, nguyên liệu đắt đỏ, phí ship cao do xăng tăng, chi phí điện nước, tiền công cho nhân viên...
"Đến khi xăng giảm trong khoảng nửa tháng qua, nhiều khách bắt đầu thắc mắc sao quán không đưa giá về như cũ. Nhưng thực sự chỉ mới có xăng giảm, còn đâu nguyên liệu, điện nước, tiền lương cho nhân viên vẫn vậy thôi, thì làm sao mà giảm giá bán ngay được".
Ngày 29/7, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Theo ông, dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao, điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu rà soát, có chính sách, giải pháp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ, góp phần giảm sức ép lạm phát trong bối cảnh giá xăng, dầu đã giảm.
Khi xăng giảm trong khoảng nửa tháng qua, nhiều khách bắt đầu thắc mắc sao hàng quán chưa đưa giá về như cũ. |
Trước đó, trong tháng 7, giá xăng trong nước đã giảm gần 7.000 đồng/lít, xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Mặc dù giá xăng đã 2 lần liên tiếp giảm sâu nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.
Về phía mình, chị Tuyền khẳng định quán mình đã cân nhắc rất kỹ mới tăng giá và không có chuyện "tát nước theo mưa".
"Bây giờ khách hàng người ta thông minh và có nhiều lựa chọn lắm. Mình tăng giá vô lý, bất chấp thì họ bỏ ngay, ăn quán khác. Chờ thêm một thời gian, khi giá cả nguyên liệu về lại như cũ, chúng tôi cũng không ngại gì thay giá trên menu", chủ quán cho biết.