Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quán Âu giá Việt hút khách ở Bình Thạnh

Nằm trong hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), tiệm đồ Tây của cô Xuân được lòng thực khách bởi mức giá thấp so với mặt bằng chung các quán Âu hiện nay.

TP.HCM anh 1

Tôi tìm đến Le Petit Resto', giữa trưa hè đầu tháng 4.

Quán đồ Âu của cô Nguyễn Thị Thanh Xuân (57 tuổi) nép mình trong hẻm Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh. Thực khách tới quán có thể đi từ hướng cầu Bông hoặc men theo đường bờ kè Trường Sa.

Không gian quán khá hẹp và không quá đặc biệt. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất là các món Âu có mức giá khá bình dân, thậm chí thấp hơn 50% so với những tiệm đồ Tây mình từng thử qua.

"Quán bán chủ yếu lấy công làm lời, khách ngon miệng là mình cảm thấy hạnh phúc rồi", cô Xuân cười khi tôi hỏi về mức giá "hạt dẻ" tại đây.

Phục vụ món Tây từ 30.000 đồng

Quán không có chỗ giữ xe. Tôi phải để xe cách đó khoảng 10 m.

Mở menu gọi món, tôi mới hiểu vì sao món Âu tại đây được lòng giới trẻ đến vậy. Thực đơn đồ Tây khá phong phú, từ món ăn chơi salad, gà sốt, khoai tây chiên... đến no bụng như pizza, pasta, steak... Giá cả dao động từ 29.000 đến 179.000 đồng/phần, là điểm cộng cho quán ăn núp hẻm.

Cho một ngày khá oi bức, tôi gọi một đĩa salad cá ngừ và nước nha đam quán làm. Thử miếng salad đầu tiên, cảm giác thanh mát của rau, cà chua, bắp chạm ngay đầu lưỡi, tiếp đó là vị đậm đà, chua dịu của cá ngừ cùng sốt dầu giấm. "Dầu giấm ở chỗ quán làm đặc biệt hơn so với nhiều nơi khác", chủ quán tự tin giới thiệu với tôi.

Theo chủ quán, thực khách đến đây thường thích các món pasta sốt kem, nui đút lò... bởi vị dễ ăn và giá "hạt dẻ", chỉ khoảng 45.000 đồng. Những người trung niên chuộng đồ ăn cao cấp hơn như beefsteak, pizza, cá hồi nướng. Ngoài đồ mặn, quán cũng bán món tráng miệng gồm pudding xoài và cream brulle, đồng giá 30.000 đồng.

TP.HCM anh 2

Mì Ý hải sản là món được ưa chuộng của quán. Ảnh: Hải Nhi.

Nhiều khách hàng của quán cũng chia sẻ cảm nhận với tôi. Một thực khách tên Huy (quận Phú Nhuận) tỏ ra ngạc nhiên khi nhận được bill tính tiền. Bữa ăn 6 món của gia đình anh có giá xấp xỉ 500.000 đồng.

Chủ quán chia sẻ rằng sở thích món Tây của con cái chính là cảm hứng mở quán. "Tôi mong muốn ai cũng có thể thử đồ Tây, với mức giá bình dân, đặc biệt là những bạn trẻ không có quá nhiều tiền", cô Xuân nói.

Theo quan sát của tôi, quán không chỉ thu hút giới trẻ, một số nhóm khách trung niên hay các gia đình cũng đến đây thưởng thức món Âu. Không gian khá hẹp, khoảng 10 m2, gồm 7-8 bàn ăn. Tôi đến vào hơn 11h, thời điểm quán chỉ mới mở cửa, thế nhưng lượng khách khá đông, chỉ có 2-3 bàn trống chỗ.

TP.HCM anh 3

Không gian quán khá hẹp nhưng vẫn có nhóm đông, gia đình tới ăn. Ảnh: Hải Nhi.

Quán ăn của cô Xuân được mở ra cách đây hơn 5 tháng. Ban đầu, tiệm chỉ là một nơi chật hẹp, ít bàn ghế, có chi phí thuê thấp để kinh doanh. Sau này, quán chuyển đến địa điểm mới cách chỗ cũ vài căn, để có không gian rộng hơn. Chủ quán cho biết chi phí mặt bằng mỗi tháng vào khoảng 20 triệu đồng cho.

Sức sống bên trong gian bếp chật hẹp

Lưu giữ tinh túy ẩm thực, bếp được xem là linh hồn của mọi nhà hàng, quán ăn. Tiến vào căn bếp của Le Petit Resto’, mùi thơm từ các loại sốt và thịt đút lò ngay lập tức khơi dậy khứu giác của tôi.

Điểm đặc biệt của quán là nhân viên khá ít, đa phần người làm đều là thành viên trong gia đình. Ngoài cô Xuân nấu chính còn có 2 người em gái phụ bếp, 1 người rửa chén. Mới đây, vì khách ghé đông nên cô đã thuê thêm phụ bếp và 2-3 nhân viên phục vụ.

2 người con gái của cô thay phiên nhau phục vụ, pha chế, tính tiền và tổng kết sổ sách cuối tháng sau mỗi sau giờ đi học, làm việc.

Không gian nấu nướng khá nhỏ, gồm 4 người đứng bếp và 2 nhân viên phục vụ ra vào nhận món, đem lên cho khách. Cô Xuân được xem là "thuyền trưởng" tại đây, chỉ đạo các phụ bếp sơ chế nguyên liệu, bài trí món ăn.

Mỗi người trong gian bếp đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau, nhưng hầu như ai cũng tay chân thoăn thắt, đốc thúc nhau làm việc để lên món thật nhanh. Lúc tôi vào, ngoài cô Hoa nấu chính và 1 người chiên gà, 2 phụ bếp còn lại đang sơ chế rau củ và bày món ra đĩa để trang trí.

TP.HCM anh 6

Không khí nhộn nhịp bên trong gian bếp nhỏ. Ảnh: Hải Nhi.

"Có những lúc khách đông, làm không kịp, mọi người trong bếp phải đảm nhiệm nhiều công việc cùng lúc như nấu nướng, rửa bát...", cô Hoa nói khi đang chuẩn bị món beefsteak.

Lúc nói chuyện với tôi ở ngoài, cô tỏ ra là người phụ nữ dịu dàng, từ tốn. Đến khi vào gian bếp, cô trở nên năng nổ, tháo vát, vừa tập trung chế biến món ăn, vừa hướng dẫn công việc cho các nhân viên.

Đó là lúc tôi biết được chủ quán đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nấu nướng, và từng là bếp trưởng của một khách sạn nổi tiếng tại TP.HCM. Tuy vậy, cô Xuân không phải là "con nhà nòi" trong ngành ẩm thực.

"Tôi vốn xuất thân là dân kế toán, học ra chưa có việc làm, được cậu giới thiệu vào thử việc ở một công ty du lịch. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ làm bếp cho vui. Ai ngờ chú bếp trưởng và cô bếp phó chắc nhìn thấy tôi có năng khiếu nên truyền nghề luôn. Từ đó, nghề bếp theo tôi đến bây giờ", cô nói.

Có lẽ chính hơn 20 năm kinh nghiệm nấu nướng đã khiến thao tác bếp núc của cô Xuân khá linh hoạt, chuyên nghiệp. Trên chảo lửa nóng hổi, cô nhanh tay trở mặt miếng bít tết, thêm ít bơ để tăng độ ngậy. "Beefsteak rất khó nấu. Tùy khách muốn ăn medium (chín vừa) hay rare (chín tái), mình có thời gian nấu khác nhau", cô Xuân cho biết.

TP.HCM anh 7

Cô Xuân đang chuẩn bị món beefsteak cho khách. Ảnh: Hải Nhi.

Nhờ các mối quan hệ cũ, quán có nguồn quen để nhập nguyên liệu hải sản, thịt bò, cá hồi... và bán hết trong ngày, tuyệt đối không để qua đêm. Nguyên liệu này được quán chế biến từ 8h đến 11h, chứ không làm sẵn để tủ lạnh. Vì thế, sốt nóng hổi, thơm phức, giữ trọn hương vị nguyên bản khi đưa đến thực khách.

Thông thường, cô Xuân sẽ dậy sớm từ khoảng 4h-5h để làm việc nhà, sau đó đi chợ mua đồ lặt vặt, rồi mới tới quán để chuẩn bị các loại nước sốt, sơ chế nguyên liệu.

TP.HCM anh 8

Một nhân viên của quán đang chiên gà. Ảnh: Hải Nhi.

Thời gian chế biến trung bình mỗi món tầm 15-20 phút. "Nhiều khi khách hối liên tục nên mình phải cố gắng thao tác thật nhanh. Quán không chế biến sẵn từ trước", cô Xuân cho biết.

Do vậy, khách có thể phải chờ lâu hơn một chút so với các quán khác.

Làm xong beefsteak, cô lại bắt tay vào chế biến món mì cua. Không khí nhộn nhịp là điều dễ thấy trong căn bếp nhỏ. Mọi người không chỉ chú ý vào phần việc của mình mà còn nhắc nhở nhau để tạo ra món ăn hoàn hảo nhất.

Cuộc nói chuyện của tôi và cô Xuân liên tục bị ngắt quãng bởi lời giục món của nhân viên. Cô Xuân vừa nói chuyện, vừa nhanh tay đảo đều gia vị trên những chiếc chảo đỏ lửa.

"Nhiều khi khách đông quá, không lên món kịp, Xuân bỏ qua bước decor luôn", chủ quán quay sang nói với tôi.

TP.HCM anh 9

Không gian bếp nóng, chật hẹp nhưng không một nhân viên nào phàn nàn. Ảnh: Hải Nhi.

Điểm đặc biệt của quán là không sử dụng bột ngọt. Các món thuần Âu, được nêm nếm đậm đà, biến tấu đôi chút để phù hợp với khẩu vị người Việt. Theo như cô Xuân nói, nếu nấu đúng như nhà hàng thì hương vị khá nhạt, khách Việt ăn không quen.

"Làm nghề bếp Âu vất vả lắm. 2 con gái mình đều không theo nghề của mẹ", cô Xuân tâm sự. Cô cho hay con gái lớn theo nghề bác sĩ, người còn lại đang học ngành dược sĩ năm 3. Toàn bộ việc làm kế toán của tiệm ăn cũng do hai cô con gái thực hiện, nên không phải thuê thêm người.

Quán mở cửa từ 11h đến 14h, sau đó nghỉ trưa. Buổi chiều, từ 17h, quán bắt đầu bán lại đến khi hết hàng. "Có những hôm khách đến từ 16h30. Tôi cũng cho họ vào nhưng phải đợi đúng giờ mới có món", cô Xuân chia sẻ.

Trân Vũ: "Quán nhỏ xinh. Đồ ăn ngon, giá rẻ là lợi thế của quán".

Thùy Trang: "Quán có không gian nhỏ, ấm cúng. Đi 2 người nên gọi combo để ăn được nhiều món. Beefsteak, salad cá ngừ, nui hải sản đút lò sốt kem, pizza, mì Ý là những món nên thử".

Minh Hiền: "Quán ở vị trí dễ tìm, hẻm rộng. Không gian hơi nhỏ, không hợp với nhóm đông người. Các món trình bày đẹp mắt là điểm cộng".

Mai Thy: "Món lên nhanh, không phải đợi lâu".

Pm Food Travel: "Mặc dù món Âu đã có sự biến tấu nhưng mình thấy hương vị vẫn hơi nhạt".

Ăn pizza nào với giá 400.000 đồng ở TP.HCM Zing so sánh 2 loại pizza phô mai giá cao. Với chênh lệch hơn 30.000 đồng, pizza Burrata Parma Ham của 4P's gây ấn tượng hơn so với Logic Baked Prosciutto and Burrata Salad.

4 nơi thưởng trà bánh hút giới trẻ tại TP.HCM

Trong khoảnh khắc cuối ngày, thực khách có thể dừng chân ở không gian trà chiều sang trọng, nhâm nhi bánh ngọt, hàn huyên cùng bạn bè...

Những quán cà phê phong cách nhiệt đới tại TP.HCM

Với cách bài trí đậm chất Địa Trung Hải từ không gian đến đồ uống, các tiệm cà phê sau thu hút giới trẻ khám phá, check-in.

Hải Nhi

Bạn có thể quan tâm