Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán bún bò chong đèn dầu, mở nhạc xưa hút khách tại TP.HCM

Yêu thích sự hoài cổ, anh Đinh Quan Đức (28 tuổi, quê Trà Vinh) mở tiệm bún bò, trang trí theo phong cách Sài thành những năm "1900 hồi đó".

Mỗi tối, từ khoảng 19h, quán bún bò A Thời trên đoạn một chiều đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 10) tấp nập người ra vào. Đa số thực khách đến đây vì tò mò về trải nghiệm ăn bún bò bên ngọn đèn dầu.

Chia sẻ với Zing, anh Đức cho biết quán đã đi vào hoạt động được vài tháng. Quán bán cả ngày, song mọi người thường thích ghé ăn buổi tối để cảm nhận trọn vẹn không gian đặc biệt.

“2 tháng đầu, quán thưa khách lắm nên tôi chỉ cố gồng lỗ. Thời gian gần đây, nhiều người đến quán vì muốn ăn bún, xem đèn dầu và nghe nhạc xưa. Nhờ những bài giới thiệu trên mạng xã hội, tình hình kinh doanh dần khá hơn, chúng tôi cũng bắt đầu có khách quen”, ông chủ 28 tuổi bày tỏ.

bun bo den dau o tphcm anh 1

Tiệm bún bò nổi bật với tường sơn màu vàng.

Kết hợp những yếu tố xưa cũ

Từ bé, Quan Đức đã luôn tò mò, ao ước đặt chân đến TP.HCM như các anh chị đi học xa nhà. Đến nay, khi đã trải qua một thập kỷ gắn bó, tình cảm anh dành cho mảnh đất này càng sâu sắc hơn.

“Sau nhiều năm bươn chải, tôi cho rằng mình khá thành công khi có việc làm ưng ý, thu nhập ổn định. Những điều này có được không chỉ do tự thân, mà còn nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của người dân Sài Gòn.

Xem thành phố này như quê hương thứ 2, tôi mong tạo được dấu ấn đặc biệt tại đây. Sẵn yêu thích món bún bò, lại ấp ủ kế hoạch kinh doanh từ lâu, tôi bắt tay vào xây dựng quán khi tình hình dịch bệnh đã ổn định”, anh nói.

Ý tưởng về không gian ăn uống hoài cổ xuất phát từ sở thích riêng của ông chủ trẻ. Anh thường nghe nhạc bolero, thích văn hóa Sài thành trước năm 1975 nên dựa vào đây tạo nên phong cách cho quán mình.

Bên cạnh đó, anh Đức còn chong đèn dầu trên mỗi bàn ăn. Chia sẻ với Zing, anh cho hay việc này vừa bám sát concept quán, lại giúp thực khách dễ ôn lại những kỷ niệm xưa.

“Ngày học cấp 1, vùng quê tôi còn thiếu thốn nên chưa có nguồn điện sinh hoạt ban đêm. Học bài dưới ánh đèn dầu lập lòe từ đó trở thành kỷ niệm khó quên trong tuổi thơ tôi. Khi đã trưởng thành, tôi vẫn thường hồi tưởng lại giai đoạn đó để cảm thấy được an ủi khi mệt mỏi.

Không riêng gì tôi, nhiều người cũng có sở thích hoài niệm như thế. Vì vậy, tôi hy vọng sự kết hợp giữa nhạc xưa, đèn dầu sẽ giúp thực khách dễ chịu, vơi đi phần nào vất vả trong cuộc sống hiện tại”, anh bày tỏ.

Ban đầu, anh Đức thử giảm hệ thống đèn điện nhằm tăng hiệu ứng hoài cổ của ngọn đèn dầu. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người tưởng quán sắp đóng cửa nên ngại ghé vào. Anh đành từ bỏ ý tưởng này để thực khách thoải mái đến dùng bữa hơn.

Kinh doanh trong bão giá

Nói về quyết định mở hàng ăn trong giai đoạn vật giá leo thang, ông chủ 28 tuổi bật cười và cho rằng mình khá liều lĩnh. Chưa có kinh nghiệm kinh doanh ăn uống, cũng không có ai hướng dẫn nên anh Đức khá chật vật trước khi khai trương.

Việc thuê mặt bằng, tuyển nhân viên, mua sắm vật dụng cho quán chỉ gói gọn trong 3 tuần để kịp mở hàng trong ngày tốt. Đến khi quán chính thức hoạt động, Quan Đức lại tiếp tục đối mặt với bài toán kinh tế vì chỉ bán được khoảng 50 tô mỗi ngày.

“Tiền mặt bằng ở khu vực trung tâm tất nhiên đắt đỏ. Tôi đỡ được một phần chi phí nhờ có nguồn thịt bò tươi từ gia đình, song vẫn tốn nhiều tiền cho bún, rau tươi, điện, nước… Tôi phải lấy tiền tiết kiệm để trả lương nhân viên.

Thú thật, tôi cũng thấy nản và muốn từ bỏ. Tuy nhiên, những người làm việc tại quán khiến tôi không nỡ làm vậy. Họ chủ yếu là sinh viên tỉnh lẻ hoặc người lao động khó khăn, không có thu nhập sau đại dịch. Vì vậy, tôi cố tìm cách xoay xở, động viên nhân viên cùng vượt qua giai đoạn này”, anh nói.

Dù khá vất vả để chi trả các khoản phí, anh vẫn tặng nước sâm cho mỗi khách đến ăn như một cách tri ân. Dần dần, quán bún bò theo phong cách hoài cổ, miễn phí thức uống tự nấu nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người.

“Lúc đầu, chủ yếu là dân văn phòng, làm việc trong khu vực quận 3 ghé quán tôi ăn trưa. Đến nay, khách ra vào mỗi ngày tấp nập hơn hẳn, có cả học sinh, sinh viên, các gia đình… Đặc biệt, nhiều cô, chú còn mặc áo bà ba, đeo khăn rằn đến chụp ảnh và ôn lại kỷ niệm xưa. Tôi thực sự vui và biết ơn khi nhận được sự yêu thích của thực khách”, anh Quan Đức cho biết.

Khách ngạc nhiên khi đi ăn theo review

Ngọc Lân (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) biết đến quán ăn này thông qua mạng xã hội. Dù không tin vào những lời nhận xét online, anh vẫn đi hơn 10 km đến quán vì tò mò về hương vị bún bò ở đây. Lân bất ngờ khi suất bún bò đặc biệt rất hợp ý anh.

“Tôi hay nói vui mình thuộc ‘đạo’ bún bò, ở đâu bán món này ngon thì tôi sẽ tìm ăn bằng được. Ban đầu tôi cũng không kỳ vọng gì, còn sợ người ta tâng bốc quán quá đà. Nhưng phải công nhận bún bò ở đây ngon hơn tôi nghĩ.

Thịt bò tươi, mềm, nước lèo đậm đà, thơm mùi mắm ruốc. Tôi đặc biệt thích phần đuôi bò, sần sật nhai rất đã miệng. Chỉ tiếc quán xa nhà tôi quá, không tiện đường ghé ủng hộ mỗi ngày”, Ngọc Lân chia sẻ.

bun bo den dau o tphcm anh 8

Khách trải nghiệm ăn bún bò bên ngọn đèn dầu và nghe nhạc xưa.

Tương tự, anh Minh Hiếu (49 tuổi) cũng rủ con trai đến ăn bún bò sau khi đọc bài giới thiệu trên mạng xã hội. Theo anh, thức ăn ngon và thái độ thân thiện của nhân viên là lý do anh thường xuyên dùng bữa tại quán.

“Ngày trước người ta còn dùng đèn dầu, giờ tìm mỏi mắt cũng chưa chắc thấy. Cách bày trí của quán khiến tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm xưa.

Bên cạnh đó, quán còn có playlist nhạc ‘sến’ rất hợp ý tôi. Lần nào ghé ăn cũng thấy nhẹ nhàng, thư thái. 45.000-65.000 đồng một tô bún không phải là rẻ, nhưng lại xứng đáng với trải nghiệm thú vị tôi có được khi đến đây”, anh Hiếu nói thêm.

Quán cháo 1.000 đồng giữa thời bão giá tại TP.HCM

Gần 20 năm nay, tiệm cháo “Về đây em” (quận 6) không tăng giá vì quán không mất tiền mặt bằng, kho bãi. Giá 1.000 đồng cũng để người khó khăn thoải mái khi tới dùng bữa.

Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm