Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán cháo 1.000 đồng giữa thời bão giá tại TP.HCM

Gần 20 năm nay, tiệm cháo “Về đây em” (quận 6) không tăng giá vì quán không mất tiền mặt bằng, kho bãi. Giá 1.000 đồng cũng để người khó khăn thoải mái khi tới dùng bữa.

Nằm khuất trong con hẻm trên đường Phan Văn Khỏe, hàng cháo nhỏ của ông Công Minh (68 tuổi) và bà Kim Phượng (55 tuổi) là nơi dừng chân của nhiều thực khách vào giờ tan tầm.

Lúc mới mở quán, bà Phượng chỉ bán 500 đồng một tô cháo trắng. Từ năm 2012, khi mệnh giá tiền này không còn được sử dụng rộng rãi, chủ quán mới nâng lên thành 1.000 đồng.

Chia sẻ với Zing, ông Minh cho biết dân cư trong khu vực chủ yếu là dân lao động, thu nhập không ổn định. Vì vậy, ông bà chủ hàng cháo muốn bán giá thấp nhất, đôi khi vừa bán vừa cho để san sẻ phần nào với bà con.

“Dạo này trời hay mưa bất chợt nên hơi vắng khách. Bình thường tôi không đếm được lượng người đến ăn, chỉ biết họ ra vào liên tục. Có lúc tấp nập quá, tôi phải ghi chú vào sổ mới nhớ khách gọi món gì. Nhiều người tưởng đó là sổ nợ, nhưng giá rẻ thế này chẳng ai mua quỵt đâu”, ông Minh vừa múc cháo, vừa vui vẻ nói.

quan chao 1k o Sai Gon anh 1

Suất ăn có giá 10.000 đồng tại quán cháo của ông Minh, bà Phượng.

Bán “rẻ như cho”

Năm 2003, vợ chồng ông Công Minh mở quán để trang trải cuộc sống. Thời gian đầu ít khách, nhiều lần cả nhà phải ăn cháo thay cơm. Về sau, bà Phượng chuẩn bị các món mặn ăn kèm đa dạng hơn nên người đến ăn đông hơn và có nhiều “mối” quen.

Ông Minh thừa nhận thức ăn mình bán không có gì đặc biệt, “như nấu cho người trong nhà ăn nên không có gì cầu kỳ”.

quan chao 1k o Sai Gon anh 2

Ông Công Minh, chủ hàng cháo "Về đây em".

Một tô cháo trắng giá 1.000 đồng, các món ăn kèm, khách tùy chọn như trứng vịt muối, dưa mắm, kho quẹt, cá kho… dao động 2.000-10.000 đồng. Bên cạnh đó, quán còn bán thêm hột vịt lộn và các loại khô cá để tăng thu nhập.

Mỗi ngày, bà Phượng nấu khoảng 4kg gạo. Cháo được nấu nhừ, không pha bột nên đặc và khá thơm.

Lúc ngớt khách, bà đổ thêm ít nước sôi vào nồi để giữ độ sánh vừa phải. Bếp than của quán lúc nào cũng liu riu lửa, đảm bảo thực khách có suất ăn nóng hổi.

Do không gian khiêm tốn, quán chỉ đủ chỗ cho 10-12 người. Trên chiếc bàn gỗ lớn, ông bà chủ bày biện các món ăn cùng ớt, muối, nước tương… cho khách lựa chọn tùy ý.

“Buôn bán tất nhiên vất vả nhưng vợ chồng tôi vui vì được lao động. Đợt trước, vợ tôi bị tai biến, phải nghỉ ngơi một thời gian. Vừa khỏe một chút bà ấy mở hàng lại ngay, phần vì thích làm, và khách quen cũng hỏi thăm suốt.

Chúng tôi kinh doanh theo tiêu chí ‘giá nào cũng bán’, đáp ứng nhu cầu của mọi người. Ai dư dả thì gọi nhiều món, ai khó khăn hơn mua thêm cháo, ít đồ ăn kèm lại. Miễn sao mọi khách được no bụng là tôi vui”, ông Minh bày tỏ.

Xăng tăng, cháo vẫn 1.000 đồng

Trước câu hỏi về ý định tăng giá bán, ông Minh bật cười và xua tay. Theo ông, thương hiệu “cháo 1.000 đồng” tồn tại gần 20 năm qua là lý do giữ chân lượng lớn khách quen cho gia đình mình.

“Mỗi đợt xăng lên giá, người ta lại hỏi khi nào tôi khi nào mới chịu tăng tiền cháo. Thú thật, tôi không có ý thay đổi gì cả. Xăng đắt đỏ nhưng gạo và các loại thực phẩm vẫn ở mức bình ổn. Hơn nữa, quán đâu mất tiền mặt bằng, kho bãi. Nếu cần, tôi giảm lượng thức ăn kèm, giữ nguyên giá để phục vụ bà con”, ông bộc bạch.

Thời gian gần đây, các kênh truyền thông thường đến đưa tin về quán ăn đặc biệt này. “Nhờ vậy mà bà con ủng hộ nhiều hơn, những người có hoàn cảnh khó khăn cũng thoải mái khi đến dùng bữa”, ông Minh chia sẻ niềm vui với Zing.

Hiện tại, thực khách không chỉ là người sống ở khu vực quận 6 mà còn đến từ nhiều nơi trong TP.HCM.

Nói về cái tên độc đáo của hàng cháo, ông chủ cho hay “không có chủ đích gì khi đặt”.

“Tôi chỉ thấy ‘Về đây em’ đọc lên nghe tình cảm, nhẹ nhàng. Nó như tiếng gọi thân thương giữa vợ chồng, anh chị em… hoặc đơn giản là thay lời mời của gia đình tôi đến bà con đang cần bữa ăn ngon, giá rẻ”, ông Minh nói thêm.

Khách ủng hộ mỗi ngày

Với tay nhận tô cháo nóng hổi, cô Mỹ Dạ (48 tuổi, ngụ quận 6) khoe mình là khách quen của quán đã gần 10 năm. Gia đình cô thường mua mang về, đặc biệt trong những dịp họp mặt.

“Cháo là món dễ ăn, người lớn, trẻ nhỏ đều thích. Ở đây bán đa dạng món ăn kèm nên chiều ý mọi thành viên trong nhà tôi. Khi ăn tại chỗ, tôi thường mua một chén kho quẹt và nửa trứng vịt muối. Chị Năm (tên thường gọi của cô Phượng) nêm nếm vừa phải nên ăn rất ngon”, cô cho biết.

Sau khi đọc bài giới thiệu trên mạng xã hội, Minh Khang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đến đây dùng bữa và cũng nhanh chóng thành “mối” quen. Theo Khang, thái độ hiếu khách, thân thiện của vợ chồng ông Minh là lý do khiến anh thường xuyên ghé thăm.

“Có đợt hết tiền, mình ghé quán gần như mỗi ngày. Lúc đó mình chỉ ăn 2.000 đồng cháo trắng cùng củ cải muối, kho quẹt. Chắc chú thương nên hay lấy thức ăn nhiều hơn một chút, đủ để mình no đến tối.

Bên cạnh đó, không gian có phần xưa cũ của quán cũng làm mình thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn. Chỉ mong cô chú được khỏe mạnh, duy trì buôn bán vì rất khó để tìm được quán như thế này khi giá cả liên tục leo thang”, anh chia sẻ.

Nghỉ việc văn phòng, mở tiệm bán bún gỏi dà đắt khách ở TP.HCM

Anh Tuấn Minh quyết định nối nghiệp mẹ, mở hàng ăn bán mỗi ngày một món. Cuối tuần, quán có bún gỏi dà độc đáo thu hút nhiều người đến thưởng thức.

Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm