Jeju Coffee (đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh) từng là quán cà phê check-in nổi tiếng. Nhưng đến đầu tháng 8 năm nay, nơi này đã đổi tên thành Daisy Cafe - như một giải pháp để thu hút khách trở lại khi cái tên ban đầu đã giảm độ hot.
Phạm Đình Bảo, đại diện quán, cho biết: "Ban đầu quán chỉ định đổi concept. Tuy nhiên, vì muốn một hình ảnh hoàn toàn mới trong mắt khách hàng nên quán đã thay đổi toàn bộ, từ trong ra ngoài và kể cả cái tên".
Với những khách hàng đã quen với hình ảnh gần gũi với thiên nhiên, nhiều cây xanh của Jeju trước đây, bây giờ chẳng còn nhận ra quán cũ vì mọi chi tiết đã được thay mới, từ bàn ghế cho đến cách trang trí và cả màu sơn tường. Không chỉ vậy, chủ quán còn quyết định thuê thêm mảnh đất bên cạnh để mở rộng không gian quán.
“Từ khi thay đổi, chúng tôi thấy khách cũng đông hơn nhiều, dù chưa chạy quảng cáo hay làm marketing gì, chủ yếu do khách đến chụp ảnh rồi đăng lên mạng”, đại diện quán nói với Tri Thức - Znews.
Daisy Cafe cũng như phần lớn quán cà phê theo mô hình check-in khác đều gặp khó khi đa số khách hàng đến chụp hình một lần rồi thôi. Để giải bài toán này, nhiều quán phải đổi concept liên tục theo từng dịp, thuê KOL và KOC về review, hoặc thậm chí thay đổi toàn bộ quán và cả tên gọi.
Jeju Coffee đổi tên thành Daisy Cafe sau hơn 2 năm hoạt động. |
Khách đến một lần rồi thôi
Những năm gần đây, hàng loạt quán cà phê check-in mọc lên như nấm, phục vụ nhu cầu "sống ảo" của giới trẻ. Mỗi quán xây dựng một phong cách riêng, từ style Hàn Quốc, vintage, phong cách châu Âu, cà phê studio...
Điểm chung của các quán này là đều đầu tư lớn để xây dựng không gian đẹp, ấn tượng, lôi kéo khách hàng đến trải nghiệm và chụp hình.
Theo Báo cáo khảo sát phong cách sống của người tiêu dùng trẻ Việt Nam do MIR Activation thực hiện, các quán cà phê đẹp, cà phê check-in cũng đang là xu hướng mới. Trong đó, có khoảng 45% người trẻ độ tuổi 25-30 ưu tiên lựa chọn các quán cafe chụp ảnh Instagram đẹp.
Theo một báo cáo kinh doanh ẩm thực năm 2022 của iPos, "không gian quán" là yếu tố quan trọng thứ 3, khi có 51,4% người khảo sát coi đây là ưu tiên khi lựa chọn một quán đồ uống.
Tuy nhiên, cái khó của các quán cà phê phục vụ khách chụp hình là thiếu khách hàng trung thành. Nhiều người tới các quán vì "theo trend" trên mạng, hoặc đến check-in vào các dịp đặc biệt như Noel, Tết, Trung Thu... Chỉ cần đến một lần, khách có thể chụp ở mọi góc trong quán và không có nhu cầu quay lại.
Nhiều quán cà phê check-in gặp khó khi khách thường chỉ đến một lần. |
Mỹ Duyên (quận 12) rất thích tới các quán cà phê để chụp hình check-in. Nhưng cô thừa nhận mình thậm chí không thể nhớ tên những nơi mình đã đến, vì thường chỉ chụp một bộ hình rồi thôi.
Dịp Giáng sinh, cô và người bạn của mình đến Daisy Cafe để chụp ảnh với concept mùa lễ hội. Cô biết đến quán này qua review trên mạng và ấn tượng vì bên ngoài đẹp hơn cả trên hình.
"Dù quán đẹp nhưng mình cũng sẽ chụp hết các góc trong quán rồi đăng ảnh một lần, không biết lúc nào mới quay lại đây", Duyên chia sẻ.
Đổi concept, đổi tên quán
Theo Đình Bảo đối với các quán cà phê check-in việc thay đổi concept liên tục là rất quan trọng để thu hút, giữ chân khách hàng.
Vào mỗi mùa lễ hội như Trung thu, Halloween hay Noel, quán phải trang trí theo đúng trend. Định kỳ vài năm một lần, những nơi này còn phải đầu tư nhiều tiền cho công cuộc làm mới không gian, hình ảnh.
“Hầu hết khách hàng của cà phê check-in là khách vãng lai, không phải local. Như quán của chúng tôi 80% là khách du lịch, từ nơi khác đến. Với nhóm khách hàng này, một bức ảnh đẹp ở quán cà phê rất quan trọng nên việc dựng lên các khu sống ảo mới mẻ, bắt mắt là rất cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh cho quán”.
Daisy Cafe thay đổi concept, trang trí theo mùa để thu hút khách. |
Vừa mở cửa từ tháng 6 năm nay, Cà phê Ú Pao (đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) cũng phải liên tục thay đổi concept trang trí để thu hút khách hàng. Lê Văn Trung, chủ quán, nói với Tri Thức - Znews rằng đó là việc làm cần thiết của bất kỳ quán check-in nào.
Là một quán cà phê theo phong cách Đà Lạt, khoảng 2 tháng một lần, quán lại "làm mới" mình.
"Khi mới mở, chúng tôi trang trí toàn bộ bằng cúc họa mi, nhưng loại hoa này không sống được lâu giữa thời tiết nắng nóng của Sài Gòn. Khoảng 2 tháng nay, chúng tôi thay mới bằng cẩm tú cầu. Phần lớn hoa và cây cối đều được nhập trực tiếp từ Đà Lạt", anh nói.
Anh từ chối tiết lộ con số cụ thể, nhưng cho biết số tiền để đầu tư một quán cà phê check-in lớn hơn rất nhiều so với mở một quán thông thường, chưa kể tốn thêm chi phí khi phải thay đổi thường xuyên mới có thể hút khách.
Trước khi mở Ú Pao, Trung và bạn của mình đã có kinh nghiệm vận hành một quán cà phê check-in khác ở quận Bình Thạnh, là Sunset View Coffee.
Tuy nhiên, sau 7 tháng, độ "hot" của quán cũng có phần suy giảm nên anh đã thay đổi cách trang trí và đổi luôn tên gọi thành Tiệm Cà Phê Dưới Tán Cây.
"Chúng tôi đổi tên vì muốn có một cái gì đó mới mẻ hoàn toàn, cũng là một cách thu hút khách. Vì nhiều người đã biết quán với tên cũ, họ không còn ấn tượng. Đổi cách trang trí và cả tên gọi, lượng khách có phần tăng lên", Trung nói.
Chú trọng hơn vào chất lượng
Dù nhóm khách vãng lai vẫn chiếm phần lớn, Đình Bảo nói rằng quán của mình cũng rất muốn có khách hàng trung thành. Với nhóm này, chất lượng đồ uống vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Theo khảo sát của iPos với 3.940 khách hàng, chất lượng đồ uống chính yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn hàng quán, với tỷ lệ 82,4% khách hàng ưu tiên tiêu chí này.
Đình Bảo cho biết thời gian đầu, quán bị phàn nàn khá nhiều về vấn đề đồ uống. "Càng về sau, nhất là sau khi đổi tên, quán đã cố gắng tọa ra một quy trình pha chế rõ ràng, nghiêm ngặt hơn và nhận được phản hồi khá tích cực từ khách hàng”, anh nói.
Nhiều quán check-in nâng cao chất lượng đồ uống, dịch vụ để thu hút khách quay lại. |
Nâng cao chất lượng đồ uống và phục vụ cũng là một trong những điều mà Trung hướng tới để duy trì lượng khách hàng và nâng cao tỷ lệ khách quay trở lại.
Bên cạnh xây dựng menu chất lượng, đồ uống ngon, quán còn kết hợp tổ chức các buổi biểu diễn nhạc acoustic vào tối cuối tuần. "Làm như vậy, chúng tôi có thể thu hút thêm cả những vị khách yêu âm nhạc, muốn chill cùng bạn bè chứ không chỉ là khách chụp hình", anh giải thích.
Quán của anh cũng thường xuyên ghi nhận ý kiến từ khách hàng để cải thiện dịch vụ. Những tháng đầu, khách phản ánh vì quán chủ yếu là không gian ngoài trời nên quá nóng, anh đã đầu tư xây dựng thêm khu vực có máy lạnh để mọi người thoải mái hơn.
Lê Trung cho rằng thị trường cà phê nói chung và quán cà phê check-in nói riêng đang có sự cạnh tranh rất lớn. "Tuy nhiên, tôi vẫn thấy còn nhiều cơ hội khi nhu cầu khách hàng rất cao. Quan trọng là tạo ra được thế mạnh, chất riêng cho quán của mình".
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.