Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán chè 60 năm tuổi ở TP.HCM, nổi tiếng chỉ bán món 'bình thường'

Gần 60 năm, hàng chè Hiển Khánh (quận 3, TP.HCM) đã gắn bó với nhiều thế hệ Sài thành. Điểm nhấn của quán là những món chè kết hợp với nước đường hoa nhài thanh mát.

Mỗi ngày, từ 14h, tiệm chè Hiển Khánh nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu lại tấp nập khách đến ăn quà chiều. Đa số người đến ăn là học sinh, sinh viên và cư dân sống trong khu vực quận 3.

Chỉ sau vài tiếng mở hàng, các nguyên liệu trên quầy vơi đi đáng kể. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh (64 tuổi), chủ quán, cùng nhân viên tất bật chuẩn bị thêm thạch, đậu xanh đánh và nhãn nhục cho kịp phục vụ. Bà cho biết quán mở cả ngày, nhưng hầu như khách chỉ đổ về tầm chiều tối.

“Nhà tôi chỉ bán những món quen thuộc, không có công thức bí mật hay trang trí bắt mắt. Chắc nhờ có duyên buôn bán, được mọi người yêu mến nên quán mới duy trì được mấy chục năm nay.

Thú thật, kinh doanh cũng vất vả, phải lo nghĩ nhiều nhưng chưa khi nào tôi có ý dừng lại. Bởi đây không chỉ là cái nghiệp của gia đình, mà còn gắn liền với kỷ niệm của nhiều thế hệ thực khách”, bà Minh vừa thoăn thoắt múc chè, vừa trò chuyện với Zing.

quan che gia truyen o tp.hcm anh 1

Những bát chè với nước đường hoa nhài trứ danh của tiệm Hiển Khánh.

Hàng chè gia truyền

Chè Hiển Khánh xuất hiện lần đầu tại khu vực Đa Kao (quận 1). Trong một đợt nắng nóng kéo dài, ông Nguyễn Quý Quyền, cha bà Minh, cùng người họ hàng quyết định mở quán để phục vụ nhu cầu giải nhiệt.

Năm 1965, ông Quyền mở thêm chi nhánh ở nhà riêng trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Về sau, quán ở Đa Kao ngừng hoạt động, chỉ còn một cửa tiệm duy trì kinh doanh đến nay.

Theo lời kể của bà Nguyệt Minh, quán vốn chỉ có 2 loại là chè thạch trắng (rau câu sợi mỏng) và chè thạch đậu xanh cùng đá nhuyễn. Điểm đặc biệt nằm ở nước đường nấu cùng hoa nhài tươi, tạo cảm giác thanh mát, nhẹ nhàng.

“Hồi đó, trưa nào học sinh cũng ra vào nườm nượp. Có người còn ghé mỗi ngày, thưởng trà và đối thơ với bố tôi. Ông thích ngâm thơ, tính tình lại phóng khoáng nên sẵn sàng tặng chè cho học trò đối chỉnh. Tới nay, quán vẫn treo những bài thơ do bố cảm tác làm kỷ niệm”, bà Minh nói.

quan che gia truyen o tp.hcm anh 2

Bà Nguyệt Minh, chủ đời thứ 2 của tiệm.

Ngoài chè, tiệm còn bán thêm vài thức quà đặc trưng của miền Bắc như bánh cốm, bánh đậu xanh hay bánh gai.

Chủ quán cho biết các món này được đặt từ mối truyền thống ở Hải Dương, Nam Định suốt nhiều năm nay. Dù ít người mua, bà Minh vẫn bày trên bàn nhằm tạo không khí thân thuộc cho người đến ăn.

“Nói chung, không gian và cách bày trí bàn ghế vẫn giữ nguyên như thời bố tôi làm chủ. Riêng thực đơn thì buộc phải đổi mới theo xu hướng ăn uống. Tôi lắng nghe ý kiến đóng góp, thêm nhiều loại mới như chè nhãn nhục, chè vải, sâm bổ lượng để đáp ứng nhu cầu của thực khách.

Nhưng thời nào cũng vậy, ai đến cũng yêu thích nước đường hoa nhài. Nhiều người xin công thức nhưng không làm theo được, đành ghé ăn thường xuyên cho đỡ thèm. Có thể nói đây là điểm tôi tự hào nhất suốt thời gian qua”, chủ tiệm cho biết.

Một năm chỉ nghỉ 10 ngày

Mỗi ngày, bà Minh và nhân viên bắt đầu nấu chè lúc 7h. Theo bà chủ, muốn có nồi nước đường ngon, hoa nhài phải tươi và được tuyển chọn kỹ càng. Vì vậy, bà luôn đặt loại hoa đắt tiền giao trong ngày, tự sơ chế hoa từ tối hôm trước để đảm bảo chất lượng.

Chia sẻ với Zing, bà Minh cho hay quán mở cửa xuyên suốt, kể cả những dịp lễ lớn. Hàng năm, bà chỉ nghỉ ngơi trong 10 ngày Tết, sau đó lại tiếp tục quanh quẩn trong gian bếp nhỏ.

20 loại đồ ngọt của tiệm Hiển Khánh có mức giá dao động 20.000-30.000 đồng. Trong thời buổi vật giá leo thang, các nguồn nguyên liệu đều đắt đỏ hơn. Song gia đình bà Minh vẫn cố duy trì giá bán cũ. Với bà, đây là cách đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn.

quan che gia truyen o tp.hcm anh 3

Món chè thạch trắng củ năng của bà Minh.

“Bây giờ người ta đi chợ phải đắn đo từng quả trứng, miếng thịt. Tôi thực sự biết ơn khi họ còn nhớ đến tiệm mình. Như đã nói, chè nhà tôi rất bình thường, toàn những món ở đâu cũng có. Khách đến ăn chủ yếu để tìm cảm giác thân quen. Vì thế, dù lãi ít đi, tôi vẫn hạnh phúc khi khách ủng hộ mỗi ngày”, bà chủ nói.

Trong tương lai, hàng chè sẽ được truyền lại cho con gái của bà Minh. Dù vậy, bà khẳng định vẫn tiếp tục “bám bếp”, hỗ trợ con gái quán xuyến công việc kinh doanh.

“Từ ngày mắc Covid-19, tôi yếu hẳn. Nhiều khách biết chuyện, khuyên tôi nghỉ bán, cho thuê mặt bằng rồi thảnh thơi dưỡng già. Tôi cũng cân nhắc lắm, nhưng cuối cùng lại thôi vì thật sự yêu thích việc đứng quầy.

Nói đúng hơn, những món chè này đã sớm trở thành một phần không thể thiếu trong đời tôi. Điều tôi mong nhất là có nhiều sức khỏe và được gắn bó với nghề thêm nhiều năm nữa”, bà bày tỏ.

Khách thương, gắn bó nhiều năm

Chú Phùng (57 tuổi, quận 5) là khách quen của tiệm chè gần 20 năm. Chú nghe danh quán từ thời còn đi học, nhưng mãi khi có gia đình mới đến thưởng thức. Lần nào đến, chú cũng gọi 1 phần thạch trắng ăn tại chỗ và 2 phần thập cẩm về cho vợ con.

"Hồi trước, lúc ông cụ còn sống, cuối tuần nào nhà tôi cũng đèo nhau ra ăn. Ở đây bán ngon, xưa giờ vẫn đúng vị này không đổi. Hàng chè nào cũng có nước đường, riêng chỗ này tôi ăn vào không bị gắt cổ, thấy người thoải mái hẳn. Tiệm có tiếng lâu năm mà chủ không chảnh, lúc nào cũng đon đả, chiều khách", chú Phùng nói.

Phương Châu (23 tuổi, quận Bình Thạnh) mới biết về hàng chè này vài năm gần đây khi thấy bài review trên mạng xã hội. Hứng thú với các quán ăn lâu đời ở TP.HCM, cô rủ bạn thân đến trải nghiệm và yêu thích hương vị ngay từ lần đầu tiên.

“Mọi khi mình chỉ ăn chè thạch đậu xanh, nhưng hôm nay gọi thạch vải cho mới mẻ. Theo mình, chè là món phổ biến, ở đâu cũng có thể tìm được hàng ngon.

Song mình vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho những quán có lịch sử nhiều đời. Chỉ mong gia đình bà chủ sẽ tiếp tục duy trì kinh doanh, để nhiều bạn trẻ có cơ hội đến thưởng thức hương vị cổ điển này”, Châu chia sẻ.

Quán phá lấu 50 tuổi, khách phụ mở hàng cho bà chủ ở TP.HCM

Nhiều năm qua, hình ảnh bà Hoa lom khom bên nồi phá lấu liu riu lửa đã trở nên thân thuộc với cư dân hẻm 96 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận).

Mat viec vi TikTok hinh anh

Mất việc vì TikTok

0

"Mất việc là cái giá tôi phải trả vì TikTok", Lexi Larson nói về việc bị sa thải khi làm clip chia sẻ mức lương, cách ứng tuyển vào một công ty công nghệ.

Hồng Anh - Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm