Đội tuyển Nhật Bản sẽ tham gia thi đấu tại Paric Olympic 2024 với bộ đồng phục làm từ vải chống chụp trộm. |
Những năm gần đây, không ít vận động viên nữ trở thành nạn nhân của việc chụp ảnh và quay phim lén lút nhằm mục đích bất hợp pháp. Những bức ảnh và video này thậm chí bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.
Các tổ chức thể thao và vận động viên nỗ lực hạn chế tình hình này. Dù vậy, rất khó để kiểm soát toàn bộ hoạt động diễn ra tại sự kiện thi đấu và các thiết bị quay chụp ngày càng trở nên tinh vi hơn. Ngoài camera thông thường, camera hồng ngoại cũng đang được sử dụng để chụp bức ảnh lộ đồ lót và cơ thể bên dưới đồng phục của vận động viên.
Để ngăn chặn hành động này, đội tuyển Nhật Bản đã chọn mặc thiết kế làm từ một loại vải đặc biệt.
Loại vải đặc biệt
Đội tuyển môn bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn và các đội khác của Nhật Bản sẽ mặc đồng phục làm bằng loại vải mới có thể hấp thụ ánh sáng hồng ngoại. Khả năng này giúp ngăn chặn camera hồng ngoại nhìn xuyên qua đồ lót hoặc cơ thể bên trong của các vận động viên, Le Monde đưa tin.
Bộ đồng phục đặc biệt này là sản phẩm của sự hợp tác phát triển và đồng sáng tạo giữa Sumitomo Metal Mining, công ty chuyên về vật liệu chức năng, Kyodo Printing, công ty hàng đầu về công nghệ vật liệu tổng hợp và Mizuno, thương hiệu sản xuất dụng cụ và quần áo thể thao Nhật Bản.
So sánh độ nhìn thấy của chữ C đặt qua các lớp vải khác nhau được chụp bằng ánh sáng thông thường và ánh sáng hồng ngoại (Ảnh 4 là ảnh của loại vải mới). Ảnh: Mizuno. |
Loại vải làm nên đồng phục của đội tuyển Nhật Bản sử dụng vật liệu chuyên dụng giúp hấp thụ ánh sáng từ dải hồng ngoại, làm cho vải gần như không thể nhìn xuyên qua được dưới cả ánh sáng thông thường và ánh sáng hồng ngoại. Nhờ đó, vận động viên có thể tránh khỏi việc bị chụp ảnh nhạy cảm bằng camera hồng ngoại, Mizuno giải thích.
Kazuya Tajima, nhận viên thuộc bộ phận phát triển của Mizuno, hy vọng việc các vận động viên hàng đầu sử dụng loại vải chống tia hồng ngoại này sẽ khiến xã hội nhận thức được hành vi thị dâm (nhìn trộm các hoạt động riêng tư của người khác như thay quần áo, quan hệ tình dục…) là không thể chấp nhận được. Anh cũng nhấn mạnh thực tế rằng máy ảnh đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Vấn nạn chụp ảnh nhạy cảm
Công nghệ sản xuất loại vải này bắt đầu phát triển sau khi các vận động viên phàn nàn với Ủy ban Olympic Nhật Bản vào năm 2020 về việc ảnh của họ lan truyền trên mạng xã hội với chú thích khiêu dâm, theo The Japan Times.
Dù được chú ý nhiều hơn trong thời gian gần đây, chụp trộm và chia sẻ ảnh nhạy cảm của vận động viên không phải vấn đề mới mẻ hay xa lạ.
Reiko Shiota (phải) và Airi Hatakeyama là những nạn nhân của việc bị chụp trộm và lan truyền thông tin khiêu dâm. Ảnh: Badminton Connect, Zenith. |
Reiko Shiota, một thành viên của đội cầu lông Nhật Bản, người từng thi đấu tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và Thế vận hội London 2012, từng là nạn nhân của vấn nạn này. Những bức ảnh chụp ngực và phần dưới cơ thể của cô đã bị phát tán công khai trên mạng.
Ngoài ra, vận động viên thể dục dụng cụ Airi Hatakeyama cũng là mục tiêu của không ít kẻ biến thái tình dục hóa những bức ảnh của cô, ngay cả khi cô còn là trẻ vị thành niên.
Một số kẻ có hành vi thị dâm đã bị bắt quả tang đang thực hiện hành vi này. Năm 2023, một người đàn ông bị buộc tội quay phim phần dưới của các vận động viên nữ trong một trận thi đấu ở Kyoto.
Trước Thế vận hội Tokyo 2021, một người đàn ông khác cũng bị bắt vì bán ảnh hồng ngoại của một nữ vận động viên bóng chuyền trên một trang web khiêu dâm, theo Le Monde.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.