Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan điểm ‘trẻ con biết gì đâu’ gây tranh cãi

Khi con cháu đùa nghịch, ném đá vào xe người đi đường, người thân ra sức bênh vực thay vì quở trách trẻ. Sự việc gây xôn xao và làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

"Trẻ con nó biết gì đâu", "Các cháu chơi ở đây, người đi qua phải để ý"... là những câu giải thích của người lớn trong nhà khi con cháu làm hư hại xe của người đi đường.

Clip đang được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Đa số ý kiến đều không đồng tình trước cách hành xử của gia đình này.

"Trẻ con không biết thì phải dạy chứ. Người lớn nói thế là thiếu trách nhiệm quá. Tư duy như thế thì con cháu hư hết", một người bình luận.

"Trẻ con không biết gì thì người lớn phải biết đúng sai mà xin lỗi", tài khoản khác nêu ý kiến.

tre con ma biet gi dau anh 1

Một số phụ huynh dùng câu cửa miệng là "Trẻ con không biết gì" để bao che lỗi lầm cho con cháu. Ảnh: Elisabeth Schmitt.

Đây không phải lần đầu tiên câu nói "Trẻ con mà, biết gì đâu" làm dấy lên cuộc bàn luận trên mạng xã hội. Mỗi khi trẻ em làm gì sai, nhiều bậc phụ huynh lại lấy câu này ra chống chế, phủi bỏ trách nhiệm.

Tuy nhiên, tư tưởng bao che, đổ lỗi cho tuổi tác ấy không giúp ích trong việc giáo dục, hình thành tính cách tốt ở trẻ. Câu cửa miệng của các bậc cha mẹ như một sự ngầm đồng ý, thừa nhận để những lỗi sai không ngừng lặp lại và ngày càng nghiêm trọng hơn.

"Con tôi ở nhà ngoan lắm"

Vân Anh (25 tuổi, sống ở TP.HCM) không còn xa lạ gì với sự đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm của người lớn mỗi khi trẻ em mắc sai lầm.

Khi trẻ mới chập chững biết đi bị ngã hay va đầu, người lớn sẽ an ủi bằng cách đập hoặc đá vào nền nhà, bức tường vì đã làm đau con cháu mình.

"Cách làm này được truyền từ đời ông bà sang bố mẹ và đến giờ mình tin là nhiều bậc phụ huynh trẻ vẫn còn áp dụng. Mọi người thích đổ lỗi, kể cả với những vật vô tri vô giác".

Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ lại dùng những câu như "Trẻ con mà, biết gì đâu", "Con tôi ở nhà ngoan lắm", "Cháu nó bình thường hiền như đất"... để bao che cho những lỗi lầm lớn hơn, ngoài phạm vi gia đình.

"Mình từng chứng kiến hình ảnh trẻ em chạy nhảy lộn xộn, gây ồn ào trong các quán cà phê nhưng khi nhân viên ra nhắc nhở nhẹ nhàng lại bị phụ huynh gắt gỏng. Trong rạp chiếu phim, khi con gác chân, đá ghế phía trước, cha mẹ thậm chí còn cười đùa, cho đó là hành động dễ thương, thể hiện sự hiếu động của lứa tuổi", Vân Anh kể.

tre con ma biet gi dau anh 2

Sự chiều chuộng quá mức của người lớn có thể dung túng cho trẻ phạm sai lầm. Ảnh: grapevine.

Thùy Linh (29 tuổi), phụ huynh có con 2 tuổi, cho biết chính suy nghĩ con nít không biết gì cả của phụ huynh có thể làm hư trẻ em ngay khi còn nhỏ.

"Trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức được hết mọi thứ xung quanh thì mình nên dạy những nhiều nhỏ nhặt, đơn giản nhất. Những điều đó sẽ được trẻ ghi nhớ và tích lũy dần để hình thành thói quen, tính cách sau này.

Như con tôi khi mới bắt đầu học nói, hai vợ chồng đã dạy bé cách cảm ơn mỗi khi được bố mẹ, ông bà cho ăn, uống, đi chơi và xin lỗi nếu làm rơi vỡ đồ đạc, hư hỏng đồ chơi", Linh chia sẻ.

Người mẹ trẻ nói rằng các bậc phụ huynh nên nhận ra rằng: "It's easier to build up a child than it is to repair broken men" (tạm dịch: Dạy dỗ trẻ em dễ dàng hơn là giáo dục lại một người trưởng thành với đầy lỗ hổng trong tính cách).

Khu vực cấm trẻ em

Khi phụ huynh cố chấp với lỗi lầm của con trẻ, không ít quán cà phê, nhà hàng ở châu Á đã giới hạn độ tuổi của trẻ em để tránh gây ồn ào và đem lại trải nghiệm tốt cho những khách hàng khác.

"No kids zone" bắt nguồn từ Hàn Quốc sau hàng loạt vụ việc gây tranh cãi về cách cư xử của trẻ em ở nơi công cộng vào năm 2011-2014.

Năm 2011, một bé gái bị bỏng nước sôi khi đi ăn lẩu cùng cha mẹ. Hai năm sau, tòa án địa phương yêu cầu chủ nhà hàng và nhân viên phục vụ phải bồi thường 41 triệu won cho gia đình bé gái.

Năm 2012, một trường hợp tương tự xảy ra. Trong khu ẩm thực ở Seoul, một nhân viên đã làm đổ nước nóng lên người bé trai 9 tuổi. Người mẹ lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ và đòi tẩy chay nhà hàng.

Tuy nhiên, đoạn phim từ CCTV cho thấy bé trai đã liên tục chạy nhảy và va vào người nhân viên phục vụ khiến đồ ăn bị đổ.

Đến năm 2014, các nhà hàng, quán cà phê treo biển "No kids zone" để cấm trẻ em bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc. Các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống cho biết họ không muốn chịu trách nhiệm với những đứa trẻ vô ý thức cùng phụ huynh thiếu trách nhiệm.

tre con ma biet gi dau anh 3

Nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Hàn Quốc treo biển cấm trẻ em. Ảnh: TBS.

"Vì một số bậc cha mẹ không hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục, điều chỉnh hành vi của trẻ nơi công cộng nên chúng tôi buộc lòng phải ra quy định này", Hong, chủ nhà hàng treo biển "No kids zone" ở Seoul, nói.

Bất chấp sự phản đối của các bậc phụ huynh, theo khảo sát của Embrain, gần 75% người trẻ xứ củ sâm ủng hộ việc hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng. Hơn 66% đồng ý việc các nhà hàng và quán cà phê không tiếp nhận trẻ nhỏ.

70% nói rằng việc không phục vụ trẻ em ở một số nhà hàng không liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử vì các bậc phụ huynh vẫn có thể lựa chọn những nơi trẻ em thực sự được chào đón.

Hơn 75% người trẻ chưa kết hôn nghĩ rằng họ có quyền thưởng thức một tách cà phê mà không bị những đứa trẻ quấy phá.

Tại một số nước châu Âu, Mỹ, mô hình quán cà phê, nhà hàng “Adult-only”, dành riêng cho người trưởng thành, cũng được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Một số nơi thậm chí treo biển: "Screaming children will NOT be tolerated" (tạm dịch: Những đứa trẻ la hét sẽ KHÔNG được chấp nhận).

Alan Andrews, chủ sở hữu của Old Barracks Coffee Roastery ở Ireland, cho biết quán của anh cấm trẻ em bởi anh muốn tạo ra không gian thoải mái, nơi người lớn có thể thưởng thức cà phê mà không phải bận tâm đến trách nhiệm làm cha mẹ.

“Mặc dù một số người không đồng tình với quan điểm này, những khách hàng khác lại hứng thú trải nghiệm môi trường thư giãn, yên tĩnh mà tôi tạo ra”, Alan chia sẻ.

Cậu bé làm vỡ tượng đồ chơi ở Hong Kong bị sang chấn tâm lý

Cậu bé luôn trong tình trạng lo lắng, không muốn đến trường sau vụ làm vỡ tượng đồ chơi cao 1,8 m, trị giá hơn 6.500 USD.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm