17h, vừa tạnh cơn mưa rào, chị Vy (34 tuổi) cùng chồng ghé vào hàng lẩu bò nồi đất của bà Sáu ở đầu hẻm 616, đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM). Vợ chồng chị chạy xe gần 20 km từ huyện Bình Chánh lên đây chỉ để mua món ăn yêu thích.
Từ bé, khi sống ở đây, chị đã thấy bà Sáu bán hàng. Món lẩu bò nồi đất của bà ngon nức tiếng. Bây giờ, đã lập gia đình và chuyển chỗ ở xa, chị vẫn thường xuyên ghé ăn.
"Nghiện món này lắm, tuần nào hai vợ chồng cũng phải lên đây ăn. Mình ăn đã mấy chục năm, từ khi một nồi lẩu chỉ 25.000 đồng. Xa mấy cũng muốn lên để thưởng thức. Hôm nay nhà có khách nên chỉ mua mang về, không ngồi lại được".
Bà Sáu đã bán món lẩu bò nồi đất này 40 năm. Ảnh: Đ.P. |
Đến 17h30, đúng giờ mở hàng, khách bắt đầu ghé vào đông. Vừa chuẩn bị bếp than, bắc nồi lẩu lên rồi rảo tay quạt than cháy đỏ, bà Sáu (tên thật Trần Thị Duyên, 70 tuổi) vừa vui vẻ trò chuyện.
"Bán hàng ở đây đã ngót nghét 40 năm, nhiều vị khách quen lớn lên cũng gắn bó với hương vị lẩu bò của tôi. Có khách ghé tới 6 lần vẫn không có chỗ nhưng hôm sau vẫn kiên trì đến tiếp, muốn ăn cho bằng được. Được khách thương như vậy, tôi vui lắm", bà Sáu kể với Zing.
3 tiếng bán hết 100 nồi lẩu
Bà Sáu cho biết chỉ bán ít tiếng lúc chiều đến tối nhưng cả gia đình phải bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu từ 8h sáng. "Cũng cực lắm, mỗi người một việc, từ đi chợ mua rau thịt, sơ chế nguyên liệu, hầm nước dùng cũng hết cả ngày, cũng không được ngủ trưa, đến tận chiều mới kịp bán cho khách".
Lẩu bò của bà Sáu độc đáo ở chỗ được nấu bằng nồi đất, đây là cách chế biến do bà tự nghĩ ra.
"Lẩu nấu bằng nồi đất có hương vị khác với nấu nồi inox thông thường. Lửa đun bằng than nên nhiệt tỏa từ từ, thịt bò mềm mà không dai, nước dùng cũng lâu cạn và ngấm sâu vào nguyên liệu hơn", bà Sáu chia sẻ.
Nồi nước dùng được ninh trong 12 tiếng để lấy được vị ngọt đậm đà của xương. Hồi mới bán, bà nêm nếm theo hương vị miền Trung, đậm vị mặn và cay nên khách không thích. Dần dần, khi nhận được nhiều góp ý, bà gia giảm gia vị theo sở thích của người miền Nam.
Làm lẩu nồi đất tốn công hơn so với nấu nồi sắt, bếp ga hay bếp cồn như các quán khác. Bếp than quạt tay nên mất thời gian, phải đều tay để lửa to, nước dùng nhanh sôi và giữ được nhiệt lâu.
Tới khoảng 18h30, bãi để xe và nơi ngồi ăn đã chật kín khách.
Vì diện tích hạn chế, nhân lực cũng ít nên quán không thể phục vụ quá đông người cùng một lúc. Ngay cả khi quán đã hết chỗ, vẫn có hàng chục khách tiếp tục kéo vào.
"Con mua mang đi hay ngồi đây? Giờ vô ngồi là chưa có bàn, có đợi được không con? Mà đợi thì quay qua bên kia gởi xe nha, có chỗ là anh chị dẫn con vô ngồi liền", bà Sáu vừa lom khom quạt mấy bếp lẩu, vừa chỉ hướng cho khách quay ra bãi đậu xe.
Nhiều người sẵn sàng đứng chờ đến lúc có bàn trống, có người ngậm ngùi quay ra, hẹn lần sau sẽ tới ăn. "Hôm nay mưa nên thưa hơn, những hôm ráo khách đến đông, có khi đợi tới 30 phút mới có chỗ", bà kể.
Nguyễn Thanh (sinh viên) cùng bạn đến ăn, nhưng hôm nay vì có việc bận, đến trễ nên anh phải đợi một lúc.
"Mình mới ăn ở đây ít lần nhưng đã mê rồi. Mình nhớ hôm đầu tới, hơi sốc vì quá đông, mọi người xếp hàng dài gần 20 người. Nồi lẩu ở đây rất đặc biệt, từng nghe tiếng nhưng phải đến lúc ăn mới thực sự hiểu tại sao lại đắt khách đến vậy", Thanh nói.
Chỉ bán 3 tiếng lúc chiều tối nhưng bà và hai người con phải chuẩn bị nguyên liệu từ sáng. Mỗi ngày, hàng lẩu của ba Sáu bán hết 45 kg thịt bò. Ảnh: Đ.P. |
Anh Bi - chủ xe bánh tráng nướng cạnh đó - nhiệt tình phụ bà Sáu quạt lửa.
"Bà Sáu bán ở đây nổi tiếng, ai cũng quý. Hôm nào bà nghỉ là khách ghé hỏi đông lắm, tôi phải trả lời đến mệt luôn. Sau này, mỗi lần nghỉ, bà phải dán một tấm biển thông báo ngay đầu hẻm", anh kể.
Khoảng 19h30, muộn nhất là 20h, quán đã hết sạch 45 kg thịt bò. Với giá từ 140.000 đồng/nồi (suất 2 người ăn), mỗi ngày hàng của bà bán hết 100 nồi lẩu.
Món lẩu bò nồi đất nuôi sống cả gia đình
Vợ chồng bà Sáu đều là người Huế, có thời gian vào lập nghiệp ở vùng kinh tế mới ở Tây Ninh. Đến năm 1972, vợ chồng bà đưa hai con lên Sài Gòn sinh sống.
Ban đầu, bà bán bún bò nhưng thu nhập không là bao. Sau đó, bà nảy ra ý tưởng bán lẩu bò nồi đất. Thời đó, mỗi nồi lẩu chỉ có giá 6.000 đồng.
"Tôi vẫn nhớ những ngày mới bắt đầu, chân ướt chân ráo, không có vốn liếng, phải vay mượn chỗ này chỗ kia. Bán được bao nhiêu lại xoay vòng trả nợ. Con cái còn nhỏ nên chỉ có hai vợ chồng bươn chải với nhau".
Dần dần, những khách hàng yêu thích món lẩu của bà giới thiệu thêm người quen, cứ thế quán ngày một đông. Bà kể có đôi ăn lẩu của bà từ lúc còn yêu, đến khi cưới, giờ đã có con vẫn còn gắn bó với quán.
"Ngày xưa còn ít khách nên khó khăn, giờ lượng khách ổn định, mỗi lúc một đông nên mình chỉ cần lo bán thôi. Kể cả trời mưa gió, tôi cũng không lo ế hàng. Có những người ở xa như Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, tận Đồng Nai, Bình Dương cũng đi lên chỉ để ăn nồi lẩu rồi về".
Hàng lẩu bò là nguồn thu nhập chính của gia đình 6 người. Vợ chồng bà Sáu sống cùng con trai, con gái và hai đứa cháu ngoại.
Ngày trước, các con bà được nuôi lớn nhờ nồi lẩu bò. Mẹ bán, bố chạy bàn, các con dọn dẹp, rửa bát, đón tiếp khách.
Tụi nhỏ trưởng thành bằng quán lẩu của gia đình, lớn lên, đi làm, vẫn dành thời gian về phụ bán. Qua nhiều năm, cả nhà lại cùng về làm với mẹ vì quán ngày càng đông khách.
Thời gian trôi qua, thế hệ sau của nhà bà Sáu cũng đang được nuôi nhờ quán lẩu này.
"Ông nhà tôi giờ ốm nằm một chỗ, cả nhà chỉ trông vào hàng lẩu này. May mắn trời thương nên tôi vẫn khỏe mạnh, tiếp tục làm để nuôi các cháu ăn học. Nhờ nó mà tôi nuôi được hai đứa cháu, đứa lớn năm nay đang học đại học, còn đứa nhỏ lên lớp 7".
Bà Sáu tâm sự sau này nếu không còn đủ sức để làm nữa, sẽ truyền lại hàng lẩu này cho hai con. "Nếu mấy đứa cháu muốn theo thì truyền lại cho chúng nó. Nhưng trước mắt các cháu phải học, để sau này có chữ nghĩa để bằng người ta".