Nằm cách Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 500 m, quán lẩu chay 1998 mới khai trương nhưng đã được nhiều sinh viên làng đại học biết đến.
Vào giờ tan tầm, hơn 10 chiếc bàn con ở quán đều kín chỗ. Thực khách hầu hết là sinh viên của các trường trong khối đại học quốc gia.
Thức ăn ngon, giá rẻ chỉ là một phần, đa số nói rằng họ đến đây chủ yếu vì tò mò về hai ông chủ của quán - Trần Lê Thanh Trí (19 tuổi, Lâm Đồng) và Trịnh Thành Đạt (23 tuổi, Phú Yên) - cũng chỉ trạc tuổi mình.
Trịnh Thành Đạt (bên trái) và Trần Lê Thanh Trí, chủ quán lẩu chay 1998. |
Bắt đầu từ con số 0
Thanh Trí và Thành Đạt quen biết nhau nhờ sinh hoạt chung câu lạc bộ tình nguyện và học chung khoa Văn học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Thế nhưng đến đầu năm nay khi cùng tham gia một chương trình thiện nguyện, cả hai mới chia sẻ đam mê kinh doanh và bắt đầu ấp ủ ý định cùng nhau khởi nghiệp bằng một quán ăn nhỏ.
Dự tính đã có từ lâu, nhưng thời gian từ khi chuẩn bị đến lúc quán khai trương diễn ra chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần.
“Trong một lần tình cờ đi dạo quanh khu A làng đại học, thấy mặt bằng cho thuê nên mình bàn với Trí rồi thống nhất mở quán ngay”, Đạt kể với Zing.
Ngoài ý tưởng kinh doanh ra, hai thanh niên gần như “tay không bắt giặc”. Vốn liếng chủ yếu đi mượn, còn kinh nghiệm đứng bếp, kinh doanh của cả hai đều là con số 0 tròn trĩnh.
Chủ quán và khách hàng đều là sinh viên. |
Trước khi trở thành đầu bếp chính của quán, Đạt chỉ mới nấu món chay đúng một lần.
Trong khi đó, Trí, cậu sinh viên năm nhất mới chỉ sống xa gia đình khoảng một năm, gần như không biết gì về nấu nướng.
“Từ khi làm ở quán, mình học thêm được nhiều thứ và cũng bắt đầu cảm thấy thích việc nấu ăn”, Trí nói trong khi loay hoay thái rau củ vì dùng dao chưa thành thạo.
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, hai ông chủ trẻ cũng xác định vừa làm vừa học hỏi. Cứ có khách nào góp ý về hương vị món ăn, cả hai đều rối rít cảm ơn và nhanh chóng ghi lại để cải thiện công thức chế biến.
Biết đến quán lẩu chay 1998 thông quá các bài giới thiệu trên trang ký túc xá Đại học Quốc gia, Lan Anh và nhóm bạn, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, từng vài ba lần ghé quán sau giờ học.
"Món ăn ở đây nhiều và rẻ. Hai bạn chủ quán cũng rất thân thiện, lịch sự. Đặc biệt sau vài lần ăn mình cảm thấy phần nước lèo được nêm nếm ngày càng đậm đà, vừa miệng hơn", Lan Anh cho biết.
“Tuổi trẻ mà, thất bại thì làm lại thôi”
Thành Đạt tự nhận bản thân liều và lì. Gia đình, bạn bè ngăn cản đủ đường nhưng anh chàng vẫn kiên định với kế hoạch của mình.
“Sau khi tốt nghiệp, mình tìm được công việc văn phòng khá ổn định ở Sài Gòn. Lương đủ sống, mọi thứ cũng êm đềm khiến bố mẹ cảm thấy yên tâm, nhưng đó không phải những gì mình muốn”.
Giống Đạt, Trí cũng không được gia đình tán thành việc kinh doanh tiệm ăn. Bố mẹ Trí chỉ muốn con trai tập trung vào việc học thay vì bận tâm quá nhiều vào chuyện kiếm tiền khi lên đại học.
Quán ăn nhỏ bất ngờ nổi tiếng trong cộng đồng sinh viên ở Sài Gòn. |
Tuy nhiên với cả Đạt và Trí, không phải tiền bạc, chính đam mê, khao khát được thử sức mới là điều không ngừng thúc giục họ. Từ một cậu sinh viên luôn cảm thấy bản thân nhàn rỗi, giờ đây, Trí ước mỗi ngày mình có thêm vài ba tiếng để có thể làm hết công việc, dự định của bản thân.
“Mình đã hứa với bố mẹ vẫn đảm bảo việc học ở trường. Nên chỉ khi nào rảnh, không có lịch học, mình mới đến quán phụ việc. Vừa làm vừa học tất nhiên là có mệt hơn, nhưng quan trọng là mình vẫn thấy vui và cảm thấy bản thân có ích”.
Bận rộn hơn Trí vì một mình đảm đương gần như mọi việc ở tiệm ăn, Đạt kể từ ngày khai trương đến nay, anh chỉ ngủ được khoảng 4-5 tiếng/ngày. Mỗi ngày của Đạt tất bật từ sáng đến tối với hàng loạt công việc: đi chợ, dọn quán, nấu nướng, phục vụ khách…
“Bận hơn, vui hơn và quan trọng mình không còn cảm thấy bứt rứt vì những dự định chưa làm được. Tuổi trẻ mà, mình nghĩ bản thân không có gì ngoài thời gian và mơ ước, nên cứ làm thôi, thất bại cũng không sao, làm lại là được”, Đạt chia sẻ.