Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý cầu thủ ở nước ngoài không bao giờ có chuyện tranh cãi với CĐV

Trong thế giới bóng đá, quản lý hay người đại diện ra đời để chăm lo lợi ích cầu thủ, nhưng ở Việt Nam, người mang danh xưng này lại gây tranh cãi với cách hành xử không giống ai.

“Nếu không có Bùi Tiến Dũng, sẽ không có Thường Châu, em quá xuất sắc. Nếu không có Bùi Tiến Dũng, sẽ không có chuyện cầu thủ được hưởng những gì họ xứng đáng. Nếu không có Bùi Tiến Dũng, không có 1 cầu thủ chuyển nhượng tự do như nước ngoài…”.

Dòng bình luận của Kiều Trinh Trần - người quản lý của Bùi Tiến Dũng - dưới bài đăng của thủ thành sinh năm 1997 tại trang cá nhân sau thất bại tại VCK U23 châu Á 2020 thổi bùng lên cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng những ngày qua.

Phần lớn dân mạng “ném đá” phát ngôn này vì cho rằng người đại diện của Tiến Dũng đang phóng đại giá trị của thủ thành U23 Việt Nam, tung hô anh bằng những hào quang trong quá khứ thay vì thẳng thắn nhìn nhận phong độ sa sút ở hiện tại.

Những người dõi theo Bùi Tiến Dũng từ chiến tích U23 châu Á 2018 ở Thường Châu (Trung Quốc) không còn xa lạ với người quản lý này. Cô nhiều lần gây tranh cãi với cách hành xử không giống ai khi sẵn sàng đôi co, đăng status khiêu khích, chửi bới người hâm mộ bóng đá trên mạng xã hội mỗi khi cầu thủ mình đại diện mắc sai lầm hay thể hiện phong độ kém cỏi.

Cách hành xử này khác hẳn với những gì các nhân vật được gọi là quản lý hay người đại diện của các cầu thủ (football agent) ở nước ngoài thể hiện - chỉ hoạt động ở hậu trường, không ngừng khuyến khích các cầu thủ nỗ lực và chắc chắn không có chuyện "xù lông" phản ứng với người hâm mộ để bênh vực thân chủ.

Bui Tien Dung anh 1

Hình ảnh của Bùi Tiến Dũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi người quản lý nhiều lần có cách hành xử hơn thua với người hâm mộ bóng đá trên mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

“Cậu đá như thể một cô gái chưa từng động tới trái bóng”

Đằng sau mỗi ngôi sao bóng đá trong làng túc cầu thế giới hiện nay đều có quản lý hay người đại diện chăm lo lợi ích cho họ.

Từ những cuộc đàm phán phí chuyển nhượng, tiền bản quyền hình ảnh, tiền thưởng, tiếp xúc với truyền thông đến giải quyết rắc rối đời tư, quản lý tài khoản mạng xã hội…, người đại diện làm mọi thứ để đảm bảo thân chủ chỉ cần cần tập trung làm tốt công việc duy nhất là đá bóng.

Người đại diện (hay “siêu cò” - những nhân vật kiếm được hàng triệu USD từ các ngôi sao hàng đầu bằng cách đàm phán các hợp đồng lớn, phí chuyển nhượng "khủng") ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp cầu thủ. Nhờ chiến lược hay mánh khóe của riêng mình, quản lý có thể giúp đời cầu thủ “lên hương”, hoặc lụi tàn.

Trong mắt nhiều đội bóng và CĐV, người đại diện là những kẻ môi giới tham lam, ngạo mạn và chỉ nhăm nhe kiếm tiền, trục lợi từ cầu thủ. Tuy nhiên, vẫn có những người quản lý có tâm, làm việc vì lợi ích lâu dài của cầu thủ.

Mino Raiola là một nhân vật như vậy.

Trong bài viết Just like family của tác giả Thore Haustad đăng trên Time on the ball, "siêu cò" gốc Italy hiện lên là một người đại diện thẳng tính, sẵn sàng nặng lời với các cầu thủ khi có phong độ thấp kém.

Một ngày ở Amsterdam (Hà Lan) năm 2004, Zlatan Ibrahimovic - chân sút đình đám người Thụy Điển khi ấy còn là cầu thủ chưa có gì nổi bật, thích nổi loạn, đòi sang khoác áo tên tuổi lớn - đã bị Raiola dội gáo nước lạnh vào mặt.

"25 trận, ghi 5 bàn. Cậu nghĩ tôi có thể bán cậu với thống kê như này?".

"Nếu muốn làm việc với tôi, cậu phải biết nghe lời. Bán hết xe cộ, đồng hồ, rồi tập luyện gấp 3 lần đi. Lý lịch của cậu như rác vậy", Raiola hét vào mặt Ibrahimovic với những lời lẽ mà anh cho rằng "chưa từng có ai dám nói với tôi như vậy".

Ibrahimovic lao vào khổ luyện theo lời Raiola nói. Và mỗi lần anh muốn buông xuôi, người đại diện lại ở bên, mạt sát: "Cậu chưa phải người giỏi nhất đâu. Cậu chỉ là thứ tào lao, chẳng là cái thá gì. Tập tành chăm chỉ hơn nữa đi".

Bui Tien Dung anh 2

"Siêu cò" Mino Raiola nổi tiếng là người thẳng thắn, không ngại phê bình cầu thủ mình quản lý khi có phong độ không tốt. Ảnh: Bleacher Report.

Một ngôi sao khác là Romelu Lukaku cũng có cuộc gặp gỡ định mệnh với Raiola tại Brussels (Bỉ) năm 2015. Khi đó, tiền đạo sinh năm 1993 chỉ vừa mới chuyển đến thi đấu cho CLB Everton.

“Raiola đã nói với tôi những điều mà chưa ai từng nói trước đây,” Lukaku kể lại với The Guardian.

Đó là những lời đánh giá: "Cậu chơi bóng như đàn bà, như thể một cô gái chưa từng động tới trái bóng vậy. Có thật cậu là một cầu thủ không vậy? Quá yếu đuối. Muốn leo lên đỉnh cao à? Tôi không thấy cậu thi đấu giống chân sút hàng đầu một tẹo nào".

Không tung hô, khen ngợi hay dành lời hoa mỹ, Mino Raiola vẫn được Ibrahimovic hay Lukaku coi là ân nhân, nguồn động viên tinh thần bên cạnh việc kiếm về cho họ những thỏa thuận tốt nhất. Người đại diện này theo sát các ngôi sao của mình để phê bình, nhắc nhở họ rằng chỉ cần lơ là một chút cũng sẽ bị rơi khỏi đỉnh danh vọng.

Quản lý chú trọng quá nhiều vào tiền bạc sẽ làm hại cầu thủ

Theo Goal, kể từ năm 2001, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) không cấp phép cho bất kỳ người đại diện hay quản lý cầu thủ nào. Việc cấp giấy phép hoạt động hay giám sát những người này thuộc về liên đoàn bóng đá của từng quốc gia.

Để trở thành người đại diện chính thức hoặc trung gian, một cá nhân phải được đăng ký hoạt động với hiệp hội bóng đá của quốc gia nơi thân chủ làm việc.

Ở Anh, những ai muốn trở thành người đại diện cầu thủ phải trải qua bài kiểm tra "Nhân cách và danh tiếng", cũng như kiểm tra hồ sơ lý lịch của Hiệp hội bóng đá Anh (The FA). Ngoài ra, khoản phí đăng ký đầu tiên là 500 bảng, và phí hàng năm là 250 bảng.

Quản lý cầu thủ là công việc đã khá phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn còn lạ lẫm ở Việt Nam. Chỉ một số cầu thủ, HLV tìm cho mình người đại diện nhằm có được sự hỗ trợ từ quản lý tài chính, giải quyết chuyện đời tư đến định hướng sự nghiệp.

Bui Tien Dung anh 3

Người đại diện cầu thủ là công việc còn chưa phổ biến ở Việt Nam như nước ngoài. Ảnh: Getty.

Cách đây 2 năm, sau khi đội U23 Việt Nam tạo được tiếng vang ở giải U23 châu Á tại Trung Quốc, HLV Steve Darby - người từng dẫn dắt đội nữ Việt Nam - đưa ra những lời cảnh báo cho lứa cầu thủ tỏa sáng như Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu.

“Những gì họ cần là tìm một người đại diện giỏi và có tâm. Đó phải là người biết nhìn xa, đặt sự nghiệp cầu thủ lên hàng đầu. Còn với những người đại diện chỉ biết quan tâm đến mục tiêu ngắn hạn hoặc chú trọng quá nhiều vào tiền bạc, họ sẽ làm hại cầu thủ”, HLV Steve Darby từng bày tỏ quan điểm với Zing.vn.

Các cầu thủ trẻ có quyền tự do lựa chọn người đại diện hay quản lý mà mình muốn. Tuy nhiên, nếu lựa chọn sai, họ có thể bị xao lãng khỏi việc mình cần làm tốt nhất là đá bóng, trở thành những "cỗ máy kiếm tiền" khi lao theo các hợp đồng quảng cáo hay sự kiện bên lề sân cỏ.

Hình ảnh của họ cũng có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực trong mắt CĐV khi người đại diện có cách xử lý không phù hợp trong những giai đoạn khủng hoảng trong sự nghiệp.

Quản lý Bùi Tiến Dũng nhiều lần đôi co với dân mạng

Người quản lý của Bùi Tiến Dũng thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi và sẵn sàng đáp trả CĐV bóng đá trên mạng xã hội.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm