22h, Đỗ Hoàng Anh (sinh năm 1994), quản lý nhà hàng Sasin tại quận 1, quận 5, mới trở về nhà sau hơn 10 tiếng làm việc. Chưa kịp nghỉ ngơi, anh rút điện thoại ra kiểm tra lại các đơn hàng đã đặt bên cung ứng, xem danh sách chấm công của nhân viên.
Hơn một tuần qua, kể từ khi nhà hàng mở bán tại chỗ trở lại, Hoàng Anh luôn trong trạng thái tất bật, đầu óc “căng như dây đàn”. Nguyên nhân chính bởi sau giãn cách, nhà hàng của anh thiếu hụt nhân viên trầm trọng, bản thân anh không nề hà “lấp chỗ trống”.
“Sau dịch, chúng tôi thiếu khoảng 30% nhân sự so với trước đây. Số lượng nhân viên mỗi ca chỉ đủ đáp ứng các đơn hàng bán mang đi. Từ ngày bán tại chỗ, nhân viên phải đăng ký tăng ca nhiều hơn, quản lý như tôi hay các trưởng ca đều phải nỗ lực hỗ trợ”, Hoàng Anh chia sẻ cùng Zing.
Quản lý rửa bát, dọn vệ sinh
Theo Hoàng Anh, sau giãn cách, nhân viên của anh nghỉ việc rất nhiều bởi “mắc kẹt” ở quê hoặc do gia đình lo ngại dịch bệnh, không đồng ý cho tiếp tục làm việc.
Anh tính toán đến phương án tuyển nhân viên mới cấp tốc, tuy nhiên vấn đề đào tạo khá khó khăn. Các bạn nhân viên mới chưa thạo việc, cần một thời gian dài mới có thể đáp ứng yêu cầu.
“Tại nhà hàng chúng tôi, bên cạnh những bạn nhân viên trẻ tuổi thì cũng có nhiều cô, chú lớn tuổi làm tạp vụ. Cách đây mấy tháng, các cô, chú đã về quê tránh dịch, khả năng quay lại làm việc rất thấp”, Hoàng Anh nói.
Mỗi ngày, Hoàng Anh làm việc từ 8-10 tiếng tại nhà hàng. |
Thiếu hụt người làm, cấp quản lý và những nhân viên còn lại phải chia nhau khối lượng công việc nhiều hơn. Việc rửa bát, dọn vệ sinh, bốc xếp hàng hóa... đã trở thành công việc thường nhật của Hoàng Anh trong thời gian qua.
“Vào những giờ cao điểm, chén đĩa dơ xếp đầy bồn, nếu tôi không rửa thì các bạn nhân viên không xoay xở kịp. Rửa xong, tôi chạy ra làm phụ bếp. Xong phụ bếp, thấy chén đĩa đầy, tôi lại vô rửa.
Ngoài ra, nguyên vật liệu đợt này về liên tục, đòi hỏi phải sơ chế ngay mới có thể bảo quản. Tôi và các bạn nhân viên cũng phải bốc xếp hàng hóa, di chuyển thang bộ vì không có thang máy”, nam quản lý kể lại.
Làm việc trong tình trạng thiếu nhân lực, Hoàng Anh không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, quá tải. Tuy vậy, điều anh lo lắng nhất chính là trải nghiệm khách hàng và sức khỏe của các nhân viên.
Vào những giờ vắng khách, anh nhắc nhở từng người thay nhau nghỉ ngơi và ăn uống. Anh cũng không cố nhận khách quá sức, chỉ đón vừa đủ nhằm có thể phục vụ chu đáo nhất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho nhân viên của mình.
‘Làm việc ở mọi vị trí’
Cũng giống như Hoàng Anh, Yon (sinh năm 1996), quản lý tiệm cà phê Luia (quận Bình Thạnh), cũng luôn tất bật từ sáng đến tối để đảm bảo tiệm vận hành thuận lợi.
Mở cửa sau dịch, như mọi quán xá khác, Luia gặp khó khăn do thiếu nhân viên, lượng khách lại quá tải. Yon và founder luôn có mặt tại tiệm mỗi ngày, cùng nhân viên đảm nhận mọi vị trí công việc từ tiếp khách, thu ngân, pha chế đến dọn rửa và vệ sinh.
“Chưa vị trí nào tại tiệm mà tôi chưa làm qua. Làm việc cả ngày, ai cũng mệt mỏi nhưng thú thật tôi vẫn thấy nhiều năng lượng. Tất cả chúng tôi đều động viên nhau, chia ca nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe”, Yon nói.
Theo Yon, cô rất vui mừng khi Luia trở thành tiệm cà phê được nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến check-in. Tuy nhiên, khi phải đón đông khách với lượng nhân viên ít ỏi, cô lo lắng không thể đảm bảo tốc độ cũng như sự phục vụ chu đáo nhất.
“Điều tôi cảm thấy áp lực nhất là mỗi lần phải giải thích với khách hàng về giới hạn giờ giấc tại tiệm. Chúng tôi rất mong được đón đông khách nhưng phải đảm bảo thực hiện theo quy định phòng dịch của phường. Có một số bạn không vui khi phải chờ đợi lâu hoặc ra về sớm, chúng tôi rất áy náy”, Yon chia sẻ.
Luia là tiệm cà phê được giới trẻ TP.HCM quan tâm thời gian gần đây. Ảnh: @Coffeesaigon. |
Nguyễn Hữu Hoàng (sinh năm 1995), trợ lý quản lý/giám sát nhà hàng ở Thảo Điền, TP Thủ Đức cũng gặp tâm lý tương tự.
Mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội, số lượng nhân viên của nhà hàng thiếu hụt lớn khiến Hoàng lo lắng về chất lượng phục vụ.
“Việc thiếu nhân viên dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau. Nhân sự hiện tại phải đảm nhiệm nhiều vị trí và cường độ công việc cao. Đồng thời, trong ngành dịch vụ, việc thiếu nhân viên sẽ gây ra cho khách hàng tâm lý e dè và cảm thấy thiếu sự quan tâm chu đáo.
Cách giải quyết tạm thời là tôi và cấp quản lý phải liên tục xin lỗi và mong khách hàng thông cảm trước những khó khăn này, đảm bảo sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất”, Hoàng nói.
Khuôn viên nhà hàng ở Thảo Điền, nơi Hoàng đang làm việc. Ảnh: NVCC. |
Theo Hoàng, nhà hàng của anh không đủ nhân sự ở rất nhiều vị trí khác nhau, chủ yếu ở bộ phận vận hành như bếp, bar và phục vụ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nhân viên phải về quê nghỉ tránh dịch và chưa thể thu xếp lên thành phố trở lại. Ngoài ra, một số bạn cũng chưa được tiêm phòng đầy đủ, nhà hàng không thể bố trí việc làm.
“Việc tuyển dụng nhân viên mới trong thời điểm này khá khó khăn với chúng tôi do chính sách lương và phụ cấp bị siết chặt, số lượng ứng viên chất lượng giờ đây cũng không còn nhiều như trước. Đó chính là bài toán khó cho nhà hàng chúng tôi và phần lớn doanh nghiệp nói chung”, Hoàng chia sẻ thêm.
Từ thời điểm nhà hàng mở bán trở lại, Hoàng phải tăng ca, hỗ trợ thêm nhiều công việc ngay cả khi không phải ngày cao điểm cuối tuần. Điều này khiến anh nhiều lần cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
“Làm việc trong môi trường nhà hàng, dù thiếu hay đủ nhân sự, đối với cá nhân tôi vẫn sẽ có lúc quá tải. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là cách bản thân giải quyết và điều chỉnh thái độ cho phù hợp với từng thời điểm. Kinh nghiệm và kỹ năng cá nhân là điều kiện cần thiết để tôi có thể giữ được nhiệt huyết, đam mê với công việc như hiện giờ”.