Quán quân Olympia không trở về và nỗi lo chảy máu chất xám lỗi thời
Chúng ta cứ than thở với nhau về “chảy máu chất xám”, nhưng liệu những nhân tài đất Việt lựa chọn không trở về làm việc có khiến đất nước mất mát hay không?
Gần 20 năm qua, mỗi khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia xướng tên người thắng cuộc, người ta lại phàn nàn về chuyện “Việt Nam tìm kiếm nhân tài cho Australia”.
Giải nhất của chương trình danh giá này là suất học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Australia. Trong số những người thắng cuộc, cho đến nay chỉ có 2 người quay về nước làm việc.
Ngày còn học trung học, giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng từng mơ mộng được tham gia chương trình này. Không phải vì suất du học, mà là do cảm giác làm chủ tri thức và mong muốn được thừa nhận khả năng của bản thân. Một phần nữa là vì “oai”, tâm lý bình thường của lứa thanh niên tuổi 17.
Khi bị trượt ở vòng loại trường, tôi không tiếc thương gì nước Australia xa xôi, mà chỉ tiếc cơ hội thể hiện mình trước đám bạn cùng lớp.
Nói chương trình tổ chức để tìm kiếm nhân tài cho Australia là hơi quá lời, và bỏ qua bản chất giải trí (dù có tính giáo dục) của nó.
Tôi nghĩ phần lớn các bạn khi bắt đầu dự thi cũng nghĩ như vậy: Chặng đường đi tới đỉnh cao cuối cùng là quá dài để tính toán đến mục tiêu “đổi đời” nhờ du học. Như một giải đấu thể thao, niềm vui vượt qua được mỗi vòng nhiều khi còn lớn hơn phần thưởng cuối cùng.
Dài dòng vậy để chúng ta nhìn nhận một cách nhẹ nhàng rằng Đường lên đỉnh Olympia chỉ thuần túy là một cuộc chơi, có kẻ thắng người thua. Lý do để chương trình tồn tại được đến 20 năm là thí sinh, khán giả, ban tổ chức, nhà tài trợ đều thấy hài lòng với nó.
Nói chương trình tổ chức để tìm kiếm nhân tài cho Australia là hơi quá lời, và bỏ qua bản chất giải trí (dù có tính giáo dục) của nó.
Dù sao, vấn đề này cũng là tiền đề phù hợp để đẩy cuộc tranh luận đến một vấn đề lớn hơn: chảy máu chất xám thời đại toàn cầu hóa.
Có phải là mất mát?
Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh Việt Nam toả ra hơn 50 quốc gia trên thế giới để du học. Đến năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Hàng năm, các ông bố bà mẹ Việt chi đến hơn 3 tỷ USD cho con cái đi học ở xứ người.
Trong tất cả những nguồn nhân lực được cho là chất lượng cao này, chỉ một số ít là thực sự mong muốn trở về. Từ diễn đàn Quốc hội cho đến báo chí, người Việt than thở với nhau về “chảy máu chất xám".
Nhưng liệu những nhân tài đất Việt lựa chọn không trở về làm việc có khiến đất nước mất mát hay không?
Ngay cả khi nhiều nhân tài lựa chọn ở lại quê nhà, các quốc gia nghèo cũng khó hưởng nhiều lợi ích từ nhóm người này.
Với một thế giới rất mở và kết nối như hiện tại, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng không phải lúc nào người tài trở về cũng là điều tốt.
Mặc dù chảy máu chất xám được coi là vấn đề đáng lo ngại, nghiên cứu đã chỉ ra: “Dòng chảy” các công dân có trình độ và năng lực từ nước nghèo ra nước ngoài vẫn đem lại tác động tích cực đến tổng thể nguồn vốn nhân lực của chính quốc gia đang phát triển đó.
Trong di cư lao động, hiện tượng này được gọi là “brain gain” (tạm dịch: thu hoạch tri thức) thay vì “brain drain" (chảy máu chất xám).
Trường hợp Cape Verde, quốc đảo nhỏ bé ở phía tây châu Phi, là một ví dụ điển hình.
Đất nước này từng đánh mất 2/3 số lao động lành nghề cho việc di cư, song giá trị nguồn nhân lực và trình độ học vấn tại Cape Verde vẫn gia tăng với tốc độ đáng kể. Theo ước tính, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học của Cape Verde sẽ thấp hơn 40% nếu người trẻ nước này không ra nước ngoài học tập.
Fiji, một quốc đảo khác tại Thái Bình Dương, cũng chứng kiến giá trị nguồn nhân lực tăng lên theo cách tương tự. Một nghiên cứu cho kết quả: Số lượng người ra nước ngoài sinh sống tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng người Fiji đạt được trình độ đại học.
Do đó, ngay cả khi các quốc gia đánh mất một phần nhân tài vào xu hướng “chảy máu chất xám”, kết quả đem lại vẫn ở chiều hướng tích cực khi trình độ học vấn của cả đất nước đi lên.
Ngay cả khi nhiều nhân tài lựa chọn ở lại quê nhà, các quốc gia nghèo cũng khó hưởng nhiều lợi ích từ nhóm người này. Lý do đơn giản: Công nghệ lạc hậu và các thể chế thu hút nhân lực còn nghèo nàn, kém hấp dẫn.
Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), cơ hội nhận được bằng phát minh của các nhà sáng chế đến từ những nước kém phát triển trở nên rộng mở hơn khi họ học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.
Giai đoạn 2007-2012, 86% số lượng bằng sáng chế độc quyền đứng tên người Việt được đăng ký khi họ đang làm việc tại nước ngoài. Một phân tích của Đại học Harvard chỉ ra: Đặt trường hợp nhóm người này quyết định “chôn chân” ở quê nhà, các cống hiến của họ cũng khó lòng phát huy hết hiệu quả, trong môi trường làm việc ít nhiều làm thui chột “chất xám”.
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ
Chúng ta mong muốn thấy Đoàn Văn Hậu khoác áo một đội bóng ở Hà Lan, vậy tại sao không tự hào nếu có người Việt thành công ở xứ người trong các lĩnh vực khác?
Những ngôi sao sáng từ khoa học đến nghệ thuật của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới phần lớn thành danh ở nước ngoài: Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, hay Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn.
Thêm vào đó, những nhà khoa học, nghệ sĩ gốc Việt có tên tuổi định cư ở nước ngoài có thể coi như những ngọn hải đăng, dẫn dắt các thế hệ người trẻ bước ra thế giới. Nhiều quốc gia thậm chí còn khuyến khích chính sách này, để tạo ra một mạng lưới học giả - chuyên gia rải rác ở khắp nơi trên toàn cầu.
Việc thu hút người tài không khác gì thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá. Một đội bóng đào tạo tốt sẽ mất đi các tài năng trẻ, nếu môi trường không phù hợp để anh ta phát triển, hay chính sách đãi ngộ không đủ tốt.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút chất xám phát triển đất nước. Ở một số địa phương thậm chí còn có những ưu đãi “vượt khung” cho người tài, như Đà Nẵng hay TP.HCM. Nhưng cũng chính ở những địa phương này, nhiều “người tài” sẵn sàng bỏ tiền trả chi phí đào tạo chứ nhất định không chịu hồi hương.
Ở nhiều nơi, câu chuyện phổ biến là thu hút nhân tài rồi để đó, không tạo điều kiện để họ được làm những công việc đúng với khả năng và có điều kiện phát triển. Nếu không thể sử dụng được những nhân tài này, tại sao không để họ có những cơ hội phát triển bản thân tốt hơn ở những nơi khác?
Nếu muốn thì ở đâu người ta cũng có thể đóng góp cho quê hương; còn nếu không, thì dù sống ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng không có ý nghĩa.
Nếu thực sự muốn trở thành nơi thu hút người tài - bất kể là người Việt hay nước ngoài - thì chính thị trường trong nước phải trở thành điểm đến lý tưởng cho họ.
Nhà nước có thể làm mẫu bằng cách thay đổi quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động, như cách chính phủ Trung Quốc và Singapore thực hiện.
Chính sách đãi ngộ cho phép Trung Quốc trả lương nhân tài được đào tạo ở nước ngoài gấp mấy lần người học trong nước cho cùng một vị trí, bên cạnh hỗ trợ tài chính cho gia đình và tham vọng khởi nghiệp. Trong khi đó, Singapore thậm chí còn tuyển dụng người nước ngoài làm những công việc chuyên môn cho bộ máy nhà nước.
Đi hay ở là vấn đề vật lý, còn đóng góp hay không là chuyện của tâm lý. Bàn chân có thể níu giữ, còn tấm lòng thì không. Nếu muốn thì ở đâu người ta cũng có thể đóng góp cho quê hương; còn nếu không, thì dù sống ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng không có ý nghĩa.
Ra đi hay ở lại, nếu là lựa chọn của cá nhân, là điều cần được tôn trọng.